Vướng mắc trong huy động nguồn vốn
UBND tỉnh Lâm Đồng mới đây đã văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải về tình hình thực hiện đầu tư, xây dựng Dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên khương.
Báo cáo về tiến độ triển khai, UBND tỉnh Lâm Đồng đặt ra các mốc tiến độ cho công tác chuẩn bị đầu tư:
Trong quý 1/2023 sẽ hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) và thực hiện công bố dự án ngay sau khi được phê duyệt.
Sau khi có quyết định phê duyệt BCNCKT sẽ thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án.
Thực hiện khảo sát sự quan tâm của Nhà đầu tư thực hiện dự án ngay sau Báo cáo cuối kỳ của bước lập BCNCKT, thực hiện trong tháng 4/2023. Thực hiện lựa chọn Nhà đầu tư; chuẩn bị các điều kiện để có thể khởi công dự án trong tháng 9/2023.
Quá trình triển khai, UBND tỉnh Lâm Đông nêu lên 1 số vướng mắc bao gồm:
Quy định “không áp dụng cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm” nêu trên sẽ khó thu hút các nhà đầu tư quan tâm, đấu thầu nhà đầu tư thực hiện dự án; bên cạnh đó các Nhà đầu tư sẽ rất khó khăn trong việc huy động vốn và vay vốn từ các Ngân hàng và Tổ chức tín dụng để triển khai thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, việc quy định chuyển mục đích sử dụng rừng là một nội dung trong chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đối với dự án đường giao thông là chưa phù hợp.
Xin cơ chế gỡ vướng để khởi công trong năm 2023
Trước các khó khăn, vướng mắc nêu trên, UBND tinh Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh một số cơ chế:
Đầu tiên là bổ sung cơ chế chia sẻ doanh thu giảm đối với dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc để tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút nguồn vốn huy động khác (khoảng 9.095 tỉ đồng) từ các Nhà đầu tư quan tâm hoặc các Ngân hàng và Tổ chức tín dụng nhằm phát huy hiệu quả, tính khả thi dự án.
Đồng thời, chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cụ thể hơn về cơ chế chia sẻ doanh thu giảm đối với các dự án cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương do địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư.
Trước đó, UBND lỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị chính xem xét hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho địa phương để thực hiện Dự án đường bộ cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức PPP với số vốn 2.500 tỉ đồng từ nguồn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2022
Hiện nay, hầu hết thời gian thu hồi vốn đối với các dự án cao tốc đều có thời gian trên 20 năm trong khi thời hạn cho vay của các ngân hàng và Tổ chức tín dụng chỉ 15 năm; đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn này cho các Nhà đầu tư trong việc huy động nguồn vốn vay từ các ngân hàng và Tổ chức tín dụng để thực hiện dự án đường cao tốc theo hình thức PPP.
Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc là tuyến đường kết nối với Đồng Nai tổng chiều dài khoảng dài 66 km (trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Lâm Đồng có chiều dài 55km). Dự án yêu cầu mức kinh phí 17.200 tỉ đồng (trong đó, phần vốn nhà nước 6.500 tỉ đồng, phần vốn sở hữu các Nhà đầu tư 1.605 tỉ đồng, vốn huy động khác khoảng 9.095 tỉ đồng).
Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương tiếp nối cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, dài 73 km. có chiều dài khoảng 74 km, bề rộng nền đường 17m với 4 làn xe, dự kiến tổng mức đầu tư 19.521 tỉ đồng (trong đó, phần vốn nhà nước 7.761 tỉ đồng, phần vốn sở hữu các Nhà đầu tư: 11.760 tỉ đồng, vốn huy động khác khoảng 9.996 tỉ đồng).
Khi hoàn thành hai tuyến cao tốc này sẽ kết nối thông suốt với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và Dầu Giây - Phan Thiết; Liên Khương - Đà Lạt, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa cũng như đi lại của người dân.