Vừa qua, Báo TN&MT tiếp nhận thông tin phản ánh, tại khu vực cửa khẩu Chi Ma có hàng chục dự án sai phạm về đất đai, đầu tư xây dựng. Tuy nhiên không bị chính quyền kiểm tra, xử lý. Để xác minh, làm rõ thông tin này, mới đây, PV Báo TN&MT đã có buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình, ông Hoàng Hùng Cường.
Theo thông tin ông Hoàng Hùng Cường cung cấp, nội dung này UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra, rà soát, xử lý các vi phạm về đất đai, đầu tư xây dựng đối với các dự án ngoài ngân sách tại khu vực cửa khẩu Chi Ma.
Qua kiểm tra, huyện tiến hành xử lý 13 dự án có vi phạm, trong đó 3 dự án vi phạm về đất đai, 10 dự án vi phạm về đầu tư xây dựng. Ngày 26/7/2021 và ngày 9/8/2021, UBND huyện đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm. Cụ thể, về đất đai:
Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lấn đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn quy định tại điểm c Khoản 4, Điều 14, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP và hành vi lấn đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn quy định tại điểm a Khoản 2, Điều 14, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP đối với Công ty TNHH xây dựng Vĩnh Long với số tiền 148 triệu đồng; Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn (dự án Địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu, kho ngoại quan lưu giữ hàng hóa xuất nhập khẩu nông sản - thủy sản, dịch vụ kinh doanh tổng hợp, khu chế biến hàng hóa xuất nhập khẩu cửa khẩu Chi Ma);
Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lấn đất phi nông nghiệp quy định tại điểm c Khoản 4, Điều 14, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP đối với Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Thăng Long Lạng Sơn với số tiền 140 triệu đồng; Buộc thực hiện tiếp thủ tục thuê đất theo quy định đối với trường hợp chưa thực hiện xong thủ tục thuê đất (dự án Bến xe ô tô hàng hóa xuất nhập khẩu Chi Ma);
Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lấn đất phi nông nghiệp quy định tại điểm b Khoản 4, Điều 14, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP đối với Công ty cổ phần dịch vụ xuất nhập khẩu tổng hợp Chi Ma HTT với số tiền 60 triệu đồng; Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn (dự án Bến xe, kho hàng khu vực cửa khẩu Chi Ma).
Về đầu tư xây dựng, UBND huyện cũng chỉ rõ cả chục doanh nghiệp đã có hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng hoặc thi công xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.
Các doanh nghiệp “dính” sai phạm gồm: Công ty TNHH Tuấn Minh; Công ty TNHH Xây dựng Vĩnh Long; Công ty TNHH MTV xây dựng và thương mại tổng hợp Thanh Hải; Công ty TNHH MTV Trần Quang Nghĩa; Công ty Cổ phần đầu tư thương mại du lịch Thăng Long Hà Nội và Công ty Cổ phần đầu tư thương mại Phú Gia Hà Nội; Công ty TNHH Kim Phúc Hà; Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Thăng Long Lạng Sơn; Công ty cổ phần DV XNK tổng hợp Chi Ma HTT; Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Ngọc Anh…
Trong đó, UBND huyện Lộc Bình buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm thuộc các dự án: Kho bãi xếp dỡ hàng hóa cửa khẩu Chi Ma của Công ty TNHH Tuấn Minh; Khu dịch vụ kinh doanh tổng hợp - Địa điểm tập kết kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Trần Quang Nghĩa của Công ty TNHH MTV Trần Quang Nghĩa; Văn phòng giao dịch, trưng bày giới thiệu sản phẩm và kho hàng hóa tổng hợp của Công ty TNHH Kim Phúc Hà; Đầu tư xây dựng công trình dịch vụ thương mại khu cửa khẩu Chi Ma - Lạng Sơn của Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Ngọc Anh...
Ngoài ra, UBND huyện Lộc Bình gia hạn đối với 5 dự án, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng; giấy phép xây dựng điều chỉnh. Hết thời hạn này, doanh nghiệp không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt các giấy phép trên thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình vi phạm theo quy định.
Được biết, tất cả các dự án nêu trên đều thuộc sự quản lý của Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn.
Vì sao hàng chục dự án sai phạm về đất đai, đầu tư xây dựng ở cửa khẩu Chi Ma đã xảy ra từ lâu (có dự án vi phạm từ năm 2012), nhưng đến nay chính quyền huyện Lộc Bình mới vào cuộc kiểm tra, lập biên bản? Trách nhiệm của huyện và Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn đến đâu?
Báo điện tử TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.