Lễ hội Hoa Ban: Triển lãm ‘Theo dấu chân Đại tướng”

14/03/2022 14:37

Theo dõi trên

Triển lãm “ Theo dấu chân Đại tướng” đã được tổ chức đúng ngày 13/3 cách đây 68 năm mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Với 110 bài thơ diễn ca lịch sử về cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Triển lãm trưng bày với tổng số 92 tấm pano lụa bao gồm 110 bài thơ được sáng tác bởi nhà giáo, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thị Mỹ Dung - người có nhiều cơ duyên gặp gỡ, sáng tác, viết nhiều bài báo, bài thơ về Đại tướng trong suốt 20 năm qua. Và các hình ảnh do nhà báo Trần Hồng cung cấp.

1658-cyt-byng-khai-myc-triyn-lam-1647242980.jpg
Cắt băng khai mạc triễn lãm “Theo dấu chân Đại tướng”

Ngày 13/3, tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam khai mạc triển lãm chuyên đề “Theo dấu chân Đại tướng” nhằm hưởng ứng Lễ hội Hoa Ban năm 2022, chào mừng kỷ niệm 68 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2022).

Ngày 7/5/1954 đã đi vào lịch sử thế giới với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đó là chiến công vĩ đại của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Chiến thắng Điện Biên Phủ gắn liền với tên tuổi, tài thao lược quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh của chiến dịch, người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, Vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự thời đại và người học trò ưu tú, xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được cả thế giới biết đến, khâm phục và ngưỡng mộ; sự đóng góp, hy sinh của Đại tướng sẽ mãi ghi vào trang sử oanh liệt của dân tộc ta, quân đội ta như một bản trường ca bất diệt.

1712-phat-biyu-cya-tac-giy-triyn-lam-1647242980.jpg
Nhà giáo, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thị Mỹ Dung.

Triển lãm chia làm 3 phần: Phần 1 có chủ đề “Làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ,” phần 2 là “Vị tướng trong lòng dân” và phần 3 là “Sáng mãi ngàn năm.”

Phần 1 bao gồm các tác phẩm nhằm giới thiệu về toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ dưới sự lãnh đạo tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từng đối sách chiến đấu, từng trận chiến giằng co trên chiến trường Điện Biên Phủ gắn với những địa danh huyền thoại như đồi A1, đồi C1, đồi E1, cánh đồng Mường Thanh, Hồng Cúm, đồi Độc lập, đồi Him Lam, hầm Đờ Cát...

Phần 2 giới thiệu những khoảnh khắc đời thường, dung dị về một vị Tướng huyền thoại, một nhà quân sự lỗi lạc của Việt Nam. Đó là những phút giây bình dị an nhiên giữa đời thường hay những khoảnh khắc phiêu bồng của một tâm hồn nghệ sỹ, hoặc giản đơn là nụ cười ấm áp với những người thân trong cuộc sống thường nhật.

Phần 3 nhằm tôn vinh và tri ân những công lao, đóng góp to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; ghi nhớ những tình cảm thiêng liêng, sự quan tâm sâu sắc của Đại tướng kính yêu đối với nhân dân cả nước nói chung, với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên nói riêng.

Phát biểu tại buổi khai mạc bà Nguyễn thị Mỹ Dung xúc động: “ Tôi rất trân trọng lịch sử, tôi muốn người dân Việt Nam nói chung, lớp trẻ nói riêng trân trọng lịch sử. Tôi đã lấy cảm hứng từ lịch sử chống giặc ngoại xâm là chiến dịch Điện Biên Phủ mà nhân vật lịch sử hết sức trân trọng đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một vị tướng huyền thoại, người anh hùng dân tộc lỗi lạc kiệt xuất tiêu biểu cho mọi thời đại. Tôi đã diễn ca lịch sử bằng 110 bài thơ nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng, mong muốn góp phần cho dân ta nhất là lớp trẻ hiểu sâu hơn nữa về lịch sử.

Hôm nay được về đúng quê hương của chiến thắng Điện Biên Phủ chúng tôi rất xúc động và hạnh phúc. Không nơi nào bằng nơi này có ý nghĩa nhất với cuộc triển lãm này. Bởi vì ở đây chẳng những tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà chúng tôi còn tri ân các chiến sĩ Điện Biên đã ngã xuống trong chiến dịch 56 ngày đêm mưa dầm, cơm vắt lững lẫy năm châu”.

1720-triyn-lam-2-1647242980.jpg
Thế hệ trẻ Điện Biên nghe thuyết minh về tác phẩm tại triển lãm

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - PGĐ sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện cho biết: “Thông qua Triển lãm nhằm tôn vinh và tri ân những công lao, đóng góp to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; ghi nhớ những tình cảm thiêng liêng, sự quan tâm sâu sắc của Đại tướng kính yêu đối với Nhân dân cả nước nói chung, đối với Đảng bộ, chính quyền, quân đội và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên nói riêng.”

1724-triyn-lam-1647242980.jpg

Ban tổ chức Triển lãm mong muốn gửi gắm một thông điệp “Giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là trách nhiệm của mỗi chúng ta, các nội dung Triển lãm lần này là nguồn tư liệu quý, là tài sản vô giá trong kho tàng lịch sử của quân đội ta, của các Bảo tàng, trường học nhằm thực hiện nhiệm vụ giáo dục truyền thống lịch sử, đặc biệt gắn với Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Triển lãm mở cửa đón khách tham quan đến hết ngày 25/4/2022./.

Bạn đang đọc bài viết "Lễ hội Hoa Ban: Triển lãm ‘Theo dấu chân Đại tướng”" tại chuyên mục Văn hóa. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com