Lô bưởi da xanh đầu tiên xuất Mỹ

Việt Nam chuẩn bị xuất khẩu lô bưởi da xanh đầu tiên sang Mỹ sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) chính thức cho phép nhập khẩu mặt hàng này.

Lợi thế cạnh tranh của bưởi da xanh

Đây là kết quả sau 5 năm chuẩn bị, thảo luận, đàm phán nhiều phiên, Việt Nam thương mại hoá thành công quả bưởi da xanh và đáp ứng đủ các yêu cầu ngặt nghèo để xuất khẩu chính ngạch vào thị trường lớn, khó tính của thế giới. Hiện, phía Mỹ đã ủy quyền cho Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp mã số vùng trồng bưởi. Việt Nam có 16 mã số vùng trồng đang hoạt động và 21 mã số vùng trồng khác đang được xem xét để xuất đi Mỹ.

anh-1-bdx-1666319248.jpg

Các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu bưởi da xanh đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu

Đơn vị xuất khẩu lô hàng quả bưởi đầu tiên sang Mỹ là công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu tỉnh Bến Tre. Trao đổi với DĐDN, bà Ngô Tường Vy – Tổng Giám đốc công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết: công ty đang phối hợp với Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Bến Tre lên kế hoạch để dự kiến cuối tháng 11 sẽ xuất lô bưởi da xanh đầu tiên sang thị trường Mỹ.

Trước đó, trong trung tuần tháng 10, tại tỉnh Bến Tre, đoàn chuyên gia của Cơ quan kiểm dịch động – thực vật Mỹ (APHIS) đã tham quan, kiểm tra vùng trồng bưởi xuất khẩu ở 3 xã Quới Sơn, Hữu Định, Tam Phước thuộc huyện Châu Thành và cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu vào Mỹ của công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu.

Đánh giá về lợi thế cạnh tranh, bà Ngô Tường Vy cho biết: Quả bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu có thể bảo quản trong 2 tháng. Đây là lợi thế cạnh tranh của quả bưởi so với các loại trái cây trước đó đã được xuất khẩu vào Mỹ, cho phép vận chuyển bằng đường biển, giảm chi phí logistic so với vận chuyển bằng máy bay.

“Hiện nay, tại thị trường Mỹ cũng có nhiều loại bưởi bản địa và nhập khẩu, trái bưởi da xanh của Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh về giá nhưng chúng tôi tin tưởng, chất lượng trái bưởi da xanh chính là lợi thế cạnh tranh. Chúng tôi đang nghiên cứu để có thể bảo quản lâu hơn nhưng vẫn giữ được chất lượng, độ tươi ngon bên trong quả bưởi để đưa vào hệ thống siêu thị của Mỹ. Để làm được điều này, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng của Bộ Khoa học công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào bảo quản trái cây, trong đó có trái bưởi da xanh” – bà Ngô Tường Vy chia sẻ thêm.

Nhiều tiềm năng xuất khẩu
Bưởi da xanh là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ, sau các loại quả xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Tuy nhiên, đây là trái cây có thời gian bảo quản dài, hứa hẹn là điểm sáng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Chỉ riêng 6 loại trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này đã mang về kim ngạch khoảng 20 triệu USD mỗi năm.

Ông Nguyễn Quang Hiếu – Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Bảo vệ thực vật cho biết: bưởi là trái cây thế mạnh của Việt Nam, vùng trồng tập trung ở đồng bằng sông Cửu Long và trung du phía Bắc. Mỗi vùng trồng lại có loại bưởi đặc sản, trong đó bưởi da xanh đã được xuất khẩu sang nhiều nước nhưng tại thị trường Mỹ, đây là loại bưởi đặc sản đầu tiên được thương mại hoá để xuất khẩu.

anh-2-bdx-1666319233.jpg

Đại diện Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ trao chứng nhận xuất khẩu bưởi Việt Nam vào thị trường Mỹ cho Cục Bảo vệ thực vật

Với nhiều loại bưởi đặc sản, thời gian thu hoạch dài, bảo quản lâu, theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Việt Nam có thể cung cấp quả bưởi tươi quanh năm cho các thị trường xuất khẩu. Đây là dư địa và cơ hội rất lớn cho quả bưởi tươi nói riêng để tiếp cận thị trường xuất khẩu lớn, trong đó có thị trường Mỹ. Còn theo đại diện Cơ quan kiểm dịch động – thực vật Mỹ, Việt Nam có thể xuất khẩu từ 2.000 – 7.000 tấn bưởi mỗi năm sang thị trường Mỹ.

Ông Hoàng Quang Hiếu cho biết thêm: Theo quy định của Mỹ, vùng trồng và cơ sở xử lý quả bưởi Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ phải được đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật và APHIS; quả không được nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật mà Mỹ quan tâm; được xử lý chiếu xạ; được Cục Bảo vệ thực vật cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Theo đó, các vùng trồng, cơ sở đóng gói bưởi phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại phía bạn quan tâm; loại bỏ tất cả quả rụng trước khi đưa vào nhà đóng gói; được làm sạch, xử lý nấm và phủ sáp toàn bộ quả; loại bỏ hết lá, cuống và các bộ phận khác của cây (trừ cuống quả ngắn hơn 2,5 cm vẫn còn gắn vào quả).

Để triển khai chương trình xuất khẩu bưởi sang Mỹ, trong thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung tập huấn cho người sản xuất, các doanh nghiệp xuất khẩu các yêu cầu nhập khẩu của Mỹ; thực hiện đăng ký, duy trì mã số vùng trồng xuất khẩu đáp ứng quy định; giám sát chặt chẽ sinh vật gây hại và hướng dẫn phòng trừ tại vùng trồng, bảo đảm tránh tái lây nhiễm sinh vật gây hại tại cơ sở đóng gói; xử lý chiếu xạ tại các cơ sở chiếu xạ được Mỹ công nhận dưới sự giám sát của APHIS và Cục Bảo vệ thực vật đối với tất cả các lô hàng xuất khẩu đi Mỹ.