“Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta…”
Cách đây 75 năm, một sự kiện trọng đại đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước, đó là ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội, ngày 6/1/1946.
Trước đó, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ nhanh chóng thực hiện nhiều việc quan trọng, trong đó, có việc tổ chức Tổng tuyển cử nhằm bầu ra Chính phủ chính thức và ban hành Hiến pháp. Người chỉ rõ: “Tổng tuyển cử là dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà”. Đây là sự kiện chính trị trọng đại đầu tiên mà toàn thể quốc dân đồng bào được thực hiện quyền dân chủ thông qua lá phiếu của mình.
Ngày 8/9/1945, Chính phủ đã ra Sắc lệnh số 14/SL về việc Tổng tuyển cử để bầu quốc dân đại hội, thể hiện tính cấp thiết và ý nghĩa quan trọng của việc cần phải tổ chức ngay cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước. Sắc lệnh cũng quy định: “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường”.
Trước ngày Tổng tuyển cử một ngày, ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu”. Với lời văn mộc mạc giản dị, xuất phát từ trái tim yêu nước, Người viết:
“Ngày mai mồng 6-1-1946
Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ.
Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền làm chủ của mình.
Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: Về mặt trận quân sự, thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn…
Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước.
Ngày mai, người ra ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu thì ít, lẽ tất nhiên, có người được cử, có người không được cử.
Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng…
Ngày mai, tất cả các bạn cử tri đều phải nhớ đi bầu cử.
Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của mỗi người dân độc lập, tự do”.
Bác Hồ đi bầu cử. Ảnh tư liệu |
Với nhiều lần sử dụng cụm từ “ngày mai”, lời kêu gọi của Người đã toát lên được cảm xúc vui sướng, hân hoan, hạnh phúc. Đất nước ta đã trải qua biết bao mất mát, hy sinh mới có thắng lợi tháng Tám. Từ đây, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và “ngày mai” – ngày bầu cử là một sự kiện chưa từng xảy ra, chưa bao giờ người dân lại có trong tay cái quyền làm chủ.
Thực hiện lời kêu gọi của Người, ngày 6/1/1946, hơn 90% cử tri đã đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi bỏ phiếu thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân tại thùng phiếu số 10, phố Hàng Vôi, Hà Nội trong tiếng hô vang chào đón không ngớt của cử tri. Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên này, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu với hơn 98% số phiếu, là minh chứng hùng hồn về uy tín tuyệt đối của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các tầng lớp nhân dân.
Nhớ lời Bác dặn khi đi bầu cử
Trong cuộc đời mình, Bác Hồ là ứng cử viên, đồng thời, cũng là cử tri đi bầu cử 3 nhiệm kỳ Quốc hội, đó là: Quốc hội khóa I (1946 - 1960), Quốc hội khóa II (1960 - 1964) và Quốc hội khóa III (1964 - 1971). Ở mỗi thời kỳ, cương vị là ứng cử hay cử tri, Bác đều để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng dân tộc về tinh thần, trách nhiệm của một người công dân đối với đất nước.
Với Bác, việc đi bầu cử là quyền lợi của mỗi người dân, mà quyền lợi cao nhất, lớn nhất chính là được thể hiện rõ ràng tư thế của một người dân độc lập, tự do. Người chỉ căn dặn là đồng bào “phải nhớ đi bầu cử” và “mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”. Bởi việc đi bầu cử không chỉ là niềm vui của mỗi cá nhân mà nó đã trở thành niềm vui của đất nước, của dân tộc. Thực hiện trọn vẹn quyền và nghĩa vụ của cử tri trong ngày bầu cử sẽ góp phần “đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ”.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tổ chức trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ta sau 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội…
Cử tri Lữ đoàn 171 Hải quân Vùng 2 Bầu cử sớm. Ảnh: Mai Thắng |
Tuy nhiên, đất nước ta cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là việc chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, do vậy, tổ chức thành công cuộc bầu cử và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu của toàn hệ thống chính trị trong thời điểm này. Ngày hội non sông cũng diễn ra sau thành công của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây sẽ là thời điểm, là cơ hội để cử tri cả nước phát huy quyền làm chủ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới. Nhiệm kỳ tiếp tục đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn cho dân tộc Việt Nam của những đại biểu do nhân dân bầu ra và vì nhân dân phục vụ.
Vì vậy, khi cầm lá phiếu để bầu người đại biểu cho mình vào Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, mỗi một cử tri hãy ghi nhớ điều Bác Hồ đã căn dặn: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Vì lợi nước, quên lợi nhà. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”.
Còn 1 ngày nữa tới ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, cử tri cả nước đã và đang sẵn sàng cho ngày hội non sông. Ý nghĩa của lời căn dặn của Bác năm xưa vẫn còn nguyên vẹn và đậm tính thời sự. Tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và về bầu cử nói riêng mãi mãi là ngọn đuốc soi đường để Đảng và nhân dân ta phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Việc thực hiện theo lời Bác bầu ra các đại biểu của cơ quan quyền lực Nhà nước trong nhiệm kỳ mới sẽ góp phần quan trọng vào việc cụ thể hóa những quyết sách xây dựng đất nước theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa Việt Nam tiếp tục tiến lên. Và mỗi lá phiếu của cử tri đều mang sứ mệnh cao cả, đó sẽ là “viên gạch hồng” để góp phần dựng xây đất nước.