Mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam được doanh nghiệp khai thác ra sao?

Mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam là Đông Pao (Lai Châu) được giao cho một doanh nghiệp quản lý từ năm 2014. Tuy nhiên gần 10 năm trôi qua, hoạt động khai thác chưa có tiến triển.
mo-dat-hiem-lon-nhat-viet-nam-o-lai-chau-pld-1696943481.jpg

Mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam ở Lai Châu

Đất hiếm là một trong những loại khoáng sản quý hiếm, được sử dụng nhiều trong các ngành công nghệ cao như công nghệ thực phẩm, y tế, gốm sứ, máy tính, màn hình tivi màu, ô tô thân thiện với môi trường, nam châm, pin…

Mỏ khoáng sản đất hiếm lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm này là mỏ Đông Pao (Tam Đường, Lai Châu). Mỏ có diện tích hơn 11km2, trữ lượng trên 5 triệu tấn oxit và thân quặng chính là F3 và F7, một loại quặng quý hiếm rất cần trong chế tạo công nghệ điện tử. Trữ lượng được cấp phép là đất hiếm (TR2O3) khoảng 1,1 triệu tấn, Barit (BaSO4) khoảng 4,2 triệu tấn và Fluorit (CaF2) khoảng 6 triệu tấn.

mo-dat-hiem-dong-pao-pld-1696943480.jpg
Mỏ đất hiếm Đông Pao được kiểm tra hiện trạng (Ảnh chụp tháng 5/2023: Hoàng Cường/Cổng TTĐT huyện Tam Đường).

Theo dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác và chế biến quặng đất hiếm mỏ Đông Pao đã được phê duyệt, mỏ này gồm 2 khu. Khu mỏ tuyển 1 gồm 2 khai trường thân quặng F3 và thân quặng F7 với tổng trữ lượng hơn 3,6 triệu tấn (gồm đất hiếm, Barit và Fluorit). Công suất khai thác trong 10 năm đầu tiên là 273.000 tấn quặng nguyên khai/năm. Từ năm thứ 11, công suất khai thác tăng thêm 24%/năm.

Còn khu mỏ tuyển 2 gồm 5 khai trường các thân quặng F9, F10, F14, F16 và F17 với tổng trữ lượng 20,6 triệu tấn, công suất 750.000 tấn quặng nguyên khai/năm. Giai đoạn tiếp theo khai thác các thân quặng còn lại với công suất 1,63 triệu tấn quặng nguyên khai/năm.

Công ty cổ phần Đất hiếm Lai Châu – Vimico (Lavreco) được giao quản lý toàn bộ mỏ đất hiếm Đông Pao tại huyện Tam Đường, Lai Châu từ năm 2014. Diện tích khai thác gần 133ha với thời hạn 30 năm.

Để cùng khai thác mỏ, năm 2012, Lavreco cùng đối tác là Công ty Phát triển đất hiếm Đông Pao – Nhật Bản đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác khai thác, chế biến đất hiếm thân quặng F3 ở mỏ Đông Pao. Tuy nhiên sau đó, việc hợp tác không thành.

5 năm sau (tức năm 2017), Lavreco có thư mời gọi hợp tác chế biến, tiêu thụ đất hiếm. Theo dự kiến, năm 2019, công ty sẽ sản xuất và có sản phẩm là tinh quặng đất hiếm và các khoáng sản đi kèm.

Công ty dự kiến tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu đi nước ngoài với tinh quặng barit và tinh quặng fluorit. Còn tinh quặng đất hiếm có thể bán cho các nhà máy chế biến tổng oxit đất hiếm trong nước và xuất khẩu hoặc mời gọi các doanh nghiệp có đủ điều kiện năng lực tài chính, thị trường, công nghệ hợp tác đầu tư.

Những kế hoạch

Công ty Lavreco được ra mắt thị trường từ năm 2008 với 6 cổ đông lớn, trong đó Tổng Công ty Khoáng sản – TKV (Vimico – mã chứng khoán: KSV) thuộc Tập đoàn Công nghiệp than – Khoáng sản Việt Nam nắm quyền chi phối. Đến nay, tỷ lệ sở hữu của Vimico tại Lavreco là 56,02%.

Từ khi thành lập, công ty Lavreco có vốn điều lệ 350 tỷ đồng, nhiệm vụ chính là thăm dò, khai thác, chế biến quặng đất hiếm mỏ Đông Pao. Khi đó, lãnh đạo công ty phát biểu sẽ lập dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác, chế biến đất hiếm với tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, sử dụng gần 400 công nhân địa phương, dự kiến doanh thu hằng năm đạt 1.050 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kể từ mỏ Đông Pao được cấp phép khai thác (2014), đến nay đã gần chục năm, Lavreco vẫn chưa có các hoạt động khai thác đáng kể, chỉ dừng lại ở việc quản lý và bảo vệ mỏ.

Theo số liệu Vimico công bố tại các báo cáo thường niên, năm 2020, Lavreco mới bắt đầu có doanh thu 16,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1,35 triệu đồng. Sang năm 2021, doanh thu tăng lên 56,8 tỷ đồng và lợi nhuận 11,6 triệu đồng. Tuy nhiên, năm 2022, doanh thu giảm về 240 triệu đồng và không ghi nhận lợi nhuận.

mo-dong-pao-xay-ra-nan-khai-thac-trai-phep-pld-1696943480.jpg
Mỏ Đông Pao xảy ra nạn khai thác trái phép, đại diện Công ty Lavreco và công an huyện thường xuyên kiểm tra hiện trạng (Ảnh chụp tháng 5/2023: Hoàng Cường/Cổng TTĐT huyện Tam Đường).

Các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án cũng từng được lãnh đạo tỉnh Lai Châu đưa ra phương án giải quyết vào cuộc họp với doanh nghiệp vào tháng 11/2022, theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Lai Châu. Cụ thể, lãnh đạo tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Cục Thuế tỉnh tìm giải pháp về thuế, đề nghị nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ thuế.

Liên quan đến khó khăn về đất đai, lãnh đạo tỉnh đề nghị nhà đầu tư phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Tam Đường xác nhận lại toàn bộ diện tích trước đây đã đền bù giải phóng mặt bằng; đối chiếu lại toàn bộ hồ sơ đền bù.

Liên quan đến diện tích rừng, nhà đầu tư được đề nghị phối hợp lại với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Quản lý rừng phòng hộ xác định diện tích có rừng trong vùng dự án để Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện lại toàn bộ hồ sơ đất đai sớm nhất.

Công ty mẹ Vimico thừa nhận dự án mỏ Đông Pao cần tiếp tục được giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư như điều chỉnh dự án, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cho phù hợp thực tế. Mỏ Đông Pao đã được thuê đất, đang thực hiện các thủ tục để tái khởi động dự án trong năm 2023. Vimico sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai dự án để có định hướng rõ ràng, một báo cáo của doanh nghiệp phát hành đầu năm nay cho biết.

Trong bối cảnh mỏ đất hiếm lớn nhất cả nước còn đang “dậm chân tại chỗ”, Việt Nam dự định tổ chức đấu thầu nhiều lô tại mỏ Đông Pao trước cuối năm nay, Reuters trích lời bà Tessa Kutscher, Giám đốc điều hành của Blackstone Minerals (đơn vị đàm phán đấu thầu các mỏ đất hiếm với Việt Nam).

Cùng với đó, ông Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam (VTRE), cho biết thời gian đấu thầu có thể thay đổi, nhưng Chính phủ có kế hoạch khởi động lại mỏ Đông Pao vào năm tới.

Đề xuất khởi động lại mỏ Đông Pao diễn ra khi nhiều quốc gia lo ngại về khả năng bị gián đoạn nguồn cung do động thái của Trung Quốc đối với các khoáng sản chiến lược. Trung Quốc cũng đã áp lệnh hạn chế xuất khẩu đối với một số loại kim loại để sản xuất chất bán dẫn – điều mà một số chuyên gia cảnh báo “chỉ là bước khởi đầu”.

Cũng theo trang thông tấn Reuters, một đại diện của Lavreco cho rằng việc khai thác hiệu quả mỏ Đông Pao – đã không hoạt động trong ít nhất 7 năm – sẽ đưa Việt Nam trở thành nhóm sản xuất đất hiếm hàng đầu. Nhưng việc tinh chế đất hiếm rất phức tạp. Còn theo Blackstone, trữ lượng ước tính của Đông Pao cũng cần được đánh giá lại bằng các phương pháp hiện đại.