Một loại vật liệu xây dựng Việt Nam đứng thứ 13 thế giới về sản lượng, xuất khẩu thu về 5,7 tỷ USD chỉ sau 8 tháng

Việt Nam đứng thứ 13 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng thép với 20 triệu tấn trong năm 2022. Hiện tại, sản phẩm thép của Việt Nam được xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia khu vực và thế giới.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2023, xuất khẩu sắt thép các loại đạt 988.000 tấn với kim ngạch hơn 706 triệu USD, giảm 2% về lượng và giảm 3,5% về trị giá so với tháng trước.

Tính chung 8 tháng đầu năm, cả nước xuất khẩu 7,38 triệu tấn sắt thép các loại với trị giá 5,69 tỷ USD, tăng 24,4% về lượng nhưng giảm 6,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Giá xuất khẩu sắt thép các loại trung bình trong 8 tháng đầu năm nay đạt 771,6 USD/tấn, giảm 24,78% so với cùng kỳ.

viet-nam-dung-thu-13-the-gioi-va-so-1-khu-vuc-dong-nam-a-pld-1695137641.jpeg
Việt Nam đứng thứ 13 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng thép với 20 triệu tấn trong năm 2022

Về thị trường, lượng sắt thép các loại của Việt Nam trong giai đoạn này tăng chủ yếu do xuất khẩu sắt thép các loại sang thị trường EU (27 nước) gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 2,31 triệu tấn. Trong khi đó, lượng sắt thép xuất sang thị trường ASEAN là 2,34 triệu tấn, giảm 4,6% so với cùng kỳ.

Theo Hiệp hội Thép Thế giới (WorldSteel), Việt Nam đứng thứ 13 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng thép với 20 triệu tấn trong năm 2022, chiếm tỷ trọng 1,1%. Hiện tại, sản phẩm thép của Việt Nam được xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia khu vực và thế giới.

Trong báo cập nhật mới đây, Chứng khoán MB (MBS) cho biết nhu cầu tiêu thụ thép năm 2023 chịu ảnh hưởng do thị trường bất động sản gặp khó khăn, trong đó thép xây dựng là mặt hàng có mức giảm mạnh nhất.

Sản lượng tiêu thụ nội địa trong quý 2/2023 đạt mức 6,5 triệu tấn, giảm 8% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ mức giảm 9% của thép xây dựng (chiếm 60% sản lượng tiêu thụ toàn ngành). Bên cạnh đó, tiêu thụ tôn mạ trong giai đoạn này cũng giảm mạnh 15% so với cùng kỳ, xuống khoảng 1,08 triệu tấn.

MBS cho rằng thị trường thép sẽ tiếp tục khó khăn trong nửa cuối năm 2023 và có thể phục hồi mạnh vào năm 2024.

Nửa cuối năm 2023, doanh thu và biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép có cải thiện nhờ các yếu tố như nhu cầu của thị trường nước, giá nguyên vật liệu giảm mạnh và các doanh nghiệp đã hạ thấp số ngày tồn kho bình quân nhằm giảm thiểu rủi ro do biến động giá nguyên vật liệu.

Đối với mảng thép xây dựng, MBS cho biết thị trường bất động sản đang có những tín hiệu hồi phục vào cuối quý 4/2023 khi các dự án nhà ở tại các đô thị loại 1 (Hà Nội, TP.HCM) đã bắt đầu nhận đặt cọc của khách hàng, điều đó sẽ đẩy mạnh quá trình xây dựng từ cuối năm 2023 và tăng nhu cầu nguyên vật liệu, bao gồm thép xây dựng.