Một số khía cạnh pháp lý của toàn cầu hóa trong bối cảnh hiện nay

Toàn cầu hóa tác động toàn diện đến nhiều khía cạnh của đời sống kinh tế, chính trị và pháp lý của mỗi quốc gia trên thế giới nói riêng và của cả cộng động quốc tế. Trong thời đại toàn cầu hóa, nhiều dòng chảy được hình thành song có hai dòng chảy cốt lõi là đảm bảo giá trị phổ quát của quyền con người và sâu sắc hóa, quốc gia hóa hoặc khu vực hóa các giá trị đặc thù của nó với cơ chế đảm bảo quản trị toàn cầu. Bài viết này đề cập đến các khía cạnh pháp lý liên quan đến toàn cầu hóa như quản trị toàn cầu, bảo vệ môi trường, quyền con người và tội phạm xuyên quốc gia.

MỘT SỐ KHÍA CẠNH PHÁP LÝ CỦA TOÀN CẦU HÓA TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY *

 Đào Trí Úc**

Tóm tắt

Toàn cầu hóa tác động toàn diện đến nhiều khía cạnh của đời sống kinh tế, chính trị và pháp lý của mỗi quốc gia trên thế giới nói riêng và của cả cộng động quốc tế. Trong thời đại toàn cầu hóa, nhiều dòng chảy được hình thành song có hai dòng chảy cốt lõi là đảm bảo giá trị phổ quát của quyền con người và sâu sắc hóa, quốc gia hóa hoặc khu vực hóa các giá trị đặc thù của nó với cơ chế đảm bảo quản trị toàn cầu. Bài viết này đề cập đến các khía cạnh pháp lý liên quan đến toàn cầu hóa như quản trị toàn cầu, bảo vệ môi trường, quyền con người và tội phạm xuyên quốc gia.   

Từ khóa: Toàn cầu hóa, quản trị toàn cầu, quyền con người, bảo vệ môi trường, tội phạm xuyên quốc gia

Abstract

Globalization has a comprehensive impact on many aspects of the economic, political and legal life of each country in the world in particular and of the entire international community. In the era of globalization, many currents are formed, but there are two core currents: ensuring the universal value of human rights and deepening, nationalizing or regionalizing its specific values. with a mechanism to ensure global governance. This article addresses legal aspects related to globalization such as global governance, environmental protection, human rights and transnational crime.

Keywords: Globalization, global governance, human rights, environmental protection, transnational crime

1. Dẫn nhập

Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, khi thế giới bắt đầu bước vào kỷ nguyên ngày càng phụ thuộc vào nhau hơn, càng ngày càng xuất hiện nhiều vấn đề toàn cầu nan giải, cộng động quốc tế đã dần dần nhận rõ sự cần thiết phải chung tay giải quyết các vấn đề đó trên cơ sở xác lập và vận hành các cơ chế phối hợp và điều chỉnh các vấn đề toàn cầu. Từ đó đã xuất hiện khái niệm quản trị toàn cầu – Global Governance. Liên hợp quốc xác định quản trị toàn cầu là một cách quản trị hệ thống thế giới hướng tới khuyến khích quản trị hiệu quả trên cơ sở các giá trị chung, xác lập các nghĩa vụ chung để hợp tác và phát triển.

Trong thời đại toàn cầu hóa song song diễn ra hai dòng chảy lịch sử. Một mặt, đó là dòng chảy của các giá trị quyền con người phổ quát, là dòng chủ lưu, bền vững, thể hiện ở sự công nhận và ghi nhận các chuẩn mực quyền con người trong các điều ước quốc tế và pháp luật của các quốc gia. Mặt khác, đó là dòng chảy của quá trình làm sâu sắc hơn đặc thù văn hóa nhân quyền, chẳng hạn, của phương Đông, của phương Tây, Hồi giáo, Cơ đốc giáo v.v. hoặc thậm chí ở từng quốc gia riêng biệt. Cả hai yếu tố - phổ quát và đặc thù - đều cần được coi trọng như nhau.

Các vấn đề về môi trường phát sinh đã không còn là vấn đề của một quốc gia hay vùng lãnh thổ mà đã trở thành vấn đề toàn cầu, với các hiện tượng phổ biến như thay đổi khí hậu, sự hủy hoại tầng ôzôn, ô nhiễm hóa chất, trong đó có hiện tượng như axít hóa, sa mạc hóa, suy giảm tiềm năng các nguồn thiên nhiên v.v.. Quan điểm toàn cầu về phát triển bền vững có nội dung cốt lõi là giải quyết đúng đắn, cân bằng mối quan hệ giữa các lợi ích về kinh tế, lợi ích về sinh thái và lợi ích xã hội.

Một trong những biểu hiện nguy hiểm nhất của tội phạm xuyên quốc gia trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 là việc sử dụng các phương tiện công nghệ mới – công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ hóa học vào mục đích phạm tội. Tội phạm trên không gian mạng và đấu tranh chống tội phạm trên không gian mạng đã và đang trở thành vấn đề toàn cầu phức tạp nhất hiện nay của cộng đồng quốc tế và của các quốc gia.

2. Quản trị toàn cầu

2.1. Khái niệm quản trị toàn cầu

Toàn cầu hóa với tất cả những vấn đề chung của nhân loại đòi hỏi việc xác lập và vận hành có hiệu quả một hệ thống quản trị toàn cầu.

Vào giữa những năm 70 của thế kỷ XX khi thế giới bắt đầu bước vào kỷ nguyên ngày càng phụ thuộc vào nhau hơn, càng ngày càng xuất hiện nhiều vấn đề toàn cầu nan giải, cộng động quốc tế đã dần dần nhận rõ sự cần thiết phải chung tay giải quyết các vấn đề đó trên cơ sở xác lập và vận hành các cơ chế phối hợp và điều chỉnh các vấn đề toàn cầu. Từ đó đã xuất hiện khái niệm quản trị toàn cầu – Global Governance và các học giả đã bắt đầu đề cập nhiều đến khái niệm này trên các diễn đàn. Quản trị toàn cầu được hiểu là sự vận hành hệ thống các chế định, các nguyên tắc, các quy chuẩn về chính trị - quản trị, về pháp luật cộng với các chuẩn mực, hành vi khác trong việc kiểm soát các vấn đề có tính xuyên quốc gia, có tính toàn cầu nảy sinh trong thế giới tự nhiên và đời sống xã hội, thông qua việc sử dụng các cơ chế tương tác giữa các quốc gia, tức là thông qua các tổ chức, các cấu trúc và cơ chế đa phương cũng như thông qua chủ thể phi quốc gia khác nhau[1].

Trong cuốn sách xuất bản ở Mỹ năm 2003 - “Liên hợp quốc và quản trị troàn cầu: ý tưởng và triển vọng thực tế”, hai nhà nghiên cứu Thomas G. Weiss và Ramesh Thakur đã đưa ra định nghĩa rộng hơn về quản trị toàn cầu, theo đó, quản trị toàn cầu

[là] tổng thể các định chế, cơ chế, quan hệ và quá trình chính thức cũng như phi chính chức có thể tác động đến các quốc gia, các loại thị trường và tới người dân, tổ chức ở mức độ toàn cầu và qua đó thỏa mãn các lợi ích tập thể, xác định các quyền và nghĩa vụ, hóa giải các tranh chấp[2].

Trong khi đó, khái niệm “quản trị toàn cầu” được đưa vào ngôn từ của Liên hợp quốc lần đầu tiên trong một tài liệu của Tiểu ban của LHQ về quản trị toàn cầu vào năm 1995 do Willy Brandt đứng đầu. Tại đây, quản trị tòa cầu được nhấn mạnh như là một cách quản trị hệ thống thế giới hướng tới khuyến khích quản trị hiệu quả trên cơ sở các giá trị chung, xác lập các nghĩa vụ chung để hợp tác và phát triển. Để quản trị toàn cầu thực sự mang lại hiệu quả, nó phải là một kiểu quản trị tổng hợp, năng động, đủ sức phản ánh các lợi ích và giải quyết các vấn đề liên quốc gia, nhất thiết phải trên cơ sở áp dụng các cơ chế mềm, tránh cách làm cứng, phải thực sự dân chủ, không độc đoán và trên cơ sở những thủ tục chính trị có tính mở, phối hợp[3].

2.2. Các đối tượng chủ yếu của quản trị toàn cầu hiện đại

Trong số các vấn đề lớn của thời đại thì ba vấn đề cấp bách nhất đối với quản trị toàn cầu là vấn đề thay đổi dân số thế giới, vấn đề nguồn năng lượng và vấn đề y tế. Trong Mục tiêu Thiên niên kỷ năm 2000 các vấn đề này được xác định là những vấn đề có tính chiến lược toàn cầu, đòi hỏi cần những giải pháp quản trị có tầm chiến lược toàn cầu trong đó có sự phối hợp lãnh đạo của các quốc gia, khu vực tư và xã hội dân sự, đặc biệt là cần có những cơ chế kiểm soát hữu hiệu.

Về lĩnh vực dân số: Theo dự báo của Liên hợp quốc thì dân số toàn thế giới từ 6 tỉ người vào năm 2000 sẽ đạt 9 tỉ vào năm 2050. Trong đó, đáng chú ý là mức tăng liên tục trong những năm gần đây dân số ở lứa tuổi già trước hết sẽ tác động mạnh đến lĩnh vực thuế và dịch vụ y tế cũng như các dịch vụ xã hội khác. Điều còn đáng quan ngại hơn nữa là ở chỗ, theo dự báo, 3 tỉ dân sẽ tăng thêm đó lại chủ yếu thuộc các nước đang phát triển với mức sống thấp và nghèo đói[4].

Lĩnh vực năng lượng: Năng lượng cũng là một vấn đề toàn cầu có tầm quan trọng sống còn đối với loài người. Hiện nay có đến 2 tỉ người trên toàn thế giới chưa có điều kiện tiếp cận nguồn năng lượng điện. Với mức tăng dân số thêm 3 tỉ người nữa vào năm 2050 thì số dân cư có nhu cầu về năng lượng điện trên toàn thế giới sẽ tăng lên 5 tỉ người. Với viễn cảnh đó đòi hỏi phải có những nỗ lực to lớn để bảo đảm đủ điện năng cho con người. Song song với việc tìm kiếm và thúc đẩy phát triển các nguồn điện năng mới là các nỗ lực làm giảm tiêu hao năng lượng, chẳng hạn như hiện đại hóa lĩnh vực vận tải (sử dụng ô tô, xe máy điện). Rõ ràng là những khoản đầu tư vào công nghệ mới nhằm làm tăng những nguồn năng lượng với mục đích cung cấp đủ điện năng cho sinh hoạt của con người sẽ là rất to lớn. Và thực tế đã cho thấy rằng, đây cũng là lĩnh vực cần đến một sự chỉ đạo và sự phối hợp ở tầm chiến lược có tính chủ động trước sự phát triển của thị trường năng lượng điện, trong đó có cả vấn đề phát triển các công nghệ năng lượng sạch. Vấn đề quản trị phát triển năng lượng toàn cầu đứng trước bối cảnh khi mà nguồn năng lượng và phát triển các nguồn năng lượng vẫn chủ yếu nằm trong tay các công ty tư nhân hoặc công ty đa quốc gia, được điều chỉnh bởi lợi ích các quốc gia hoặc lợi ích của các công ty đó mà chưa thực sự vì lợi ích của cộng đồng toàn cầu. Đó là chưa kể đến nhu cầu cần phải kiểm soát quá trình phát triển và sử dụng năng lượng với mục đích bảo vệ môi trường, cân bằng đầu tư vào các mục tiêu phát triển khác trong phạm vi toàn cầu[5].

Lĩnh vực y tế: Xét ở phạm vi toàn cầu, quản trị y tế là lĩnh vực được đánh giá là quá bị phân tán về mặt thiết chế. Đã có một con số rất lớn các nhà tài trợ, các quỹ quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực này. Một mặt, đó là một điều tốt, nhất là trong bối cảnh nhiều đại dịch đã và đang bùng phát hiện nay, nhưng mặt khác, sự dàn trải này dẫn đến sự dàn trải và thiếu kiểm soát đối với các chương trình y tế.

Các chương trình y tế dàn trải đó thường chỉ tập trung nguồn lực vào việc phòng chống các dịch bệnh cụ thể mà chưa thực sự tập trung giải quyết tận gốc các nguyên nhân của nguồn bệnh có khả năng đe dọa sức khỏe toàn cầu như: nghèo đói, sự yếu kém của các thiết chế quản trị y tế, sự thiếu hụt ngân sách dành cho y tế, nhất là ở các quốc gia đang phát triển. Kể cả trong phạm vi toàn cầu, theo đánh giá của các chuyên gia thuộc Viện Brooking, ngay cả thiết chế quan trọng như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng không nhận được những nguồn tài chính cần thiết, tổ chức này cũng chỉ chủ yếu hướng hoạt động của mình vào các dự án, chương trình có mục tiêu chuyên biệt mà không đủ khả năng xây dựng và thực hiện những dự án y tế phục vụ hệ thống y tế cộng đồng[6].

2.3. Các cơ chế quản trị toàn cầu

Hệ thống quản trị toàn cầu hiện đại đã và đang đứng trước những thách thức trước những vấn đề toàn cầu to lớn và phức tạp như vậy. Từ đó, cải cách hệ thống quản trị toàn cầu luôn là vấn đề được các giới chính trị quốc tế và các nhà nghiên cứu quan tâm. Nhiều ý kiến đã khá đồng nhất về ba hướng cải cách cơ chế quản trị toàn cầu bao gồm: i) cải cách cơ chế hội nghị cấp cao nhất của các nguyên thủ quốc gia, nhất là những hội nghị nhóm các quốc gia phát triển, có vai trò và ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định và thực hiện các vấn đề toàn cầu chẳng hạn như các nhóm G.7, G.20, G.77 v.v.. Cải cách hoạt động theo cơ chế này cần hướng vào mục đích quản trị tổng thể các vấn đề toàn cầu nhằm đặt các vấn đề của các lĩnh vực an ninh, tài chính, dân số, chống nghèo đói, y tế, năng lượng vào trong một tổng thể có mối liên hệ mật thiết với nhau; ii) cải cách tổ chức và hoạt động của các tổ chức quốc tế đa phương, trước hết là của Liên hợp quốc. Hiến chương Liên hợp quốc được coi là nền tảng cơ bản của các quan hệ quốc tế. Hội đồng bảo an chịu trách nhiệm chính trong việc duy trì và thúc đẩy hòa bình và an ninh thế giới. Vì vậy, củng cố và tăng cường vai trò của Liên hợp quốc trong các quan hệ quốc tế là nhiệm vụ hàng đầu và được ưu tiên hiện nay[7]. Cải cách các thiết chế tổ chức này được thực hiện theo hướng mở rộng vai trò và ảnh hưởng của các quốc gia, khu vực, minh bạch hóa, dân chủ hóa về tổ chức, iii) tăng cường các cơ chế phối hợp trong xây dựng chính sách quốc tế và kiểm soát quá trình thực hiện các chính sách có ý nghĩa toàn cầu[8]. Đã có nhiều ý tưởng rất khác nhau về cách thức thực hiện chế độ quản trị toàn cầu, chẳng hạn, sử dụng Liên hợp quốc - tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh như một kiểu “chính phủ toàn cầu”[9] hoặc thành lập một mạng lưới các tổ chức phi chính phủ để thực hiện quản trị toàn cầu theo cách phi tập trung hóa[10]v.v.. Tuy nhiên, cho đến nay, phương thức thực hiện quản trị toàn cầu hữu hiệu và hiện thực nhất vẫn là tăng cường các cơ chế phối hợp hành động giữa các quốc gia, mở rộng các diện chủ thể có năng lực tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu bao gồm các tổ chức quốc tế, các công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia, các định chế xã hội dân sự quốc tế, đa dạng hóa các hình thức hoạt động và lĩnh vực hoạt động.

Sự phối hợp trong quá trình quản trị các vấn đề toàn cầu có thể được thực hiện dưới hai cơ chế: tập trung và phân quyền, tùy thuộc vào tính chất và phạm vi của vấn đề và lĩnh vực. Theo cơ chế tập trung, chỉ có một trung tâm điều phối và các hoạt động được thực hiện bởi các bên, các chủ thể khác theo sự ủy quyền. Theo cơ chế phân quyền, mỗi hoạt động do một bên liên quan thực hiện theo một chính sách thống nhất. Trong quản trị toàn cầu các nguyên tắc hoạch định và thực hiện chính sách cho các vấn đề toàn cầu được chia thành hai loại và được áp dụng linh hoạt, đó là nguyên tắc mặc định áp dụng chính sách và nguyên tắc thương lượng, đồng thuận. Theo nguyên tắc thứ nhất, việc đưa ra quyết định phải tuân thủ nghiêm ngặt sách lược, chiến lược, quy chuẩn đã được hoạch định trước. Trong số các tổ chức quốc tế thì Ngân hàng Thế giới (WB) là ví dụ điển hình trong việc áp dụng nguyên tắc phối hợp có tính tập trung này. Theo nguyên tắc thứ hai, trong từng trường hợp, các quyết định phải trải qua quá trình thương lượng, theo cơ chế đồng thuận. Nguyên tắc này thường được áp dụng trong hoạt động của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trong số các sơ đồ quản trị toàn cầu theo hướng quản trị thông qua mạng lưới phối hợp thì sơ đồ được đề xuất bởi Tiến sĩ Anne Marie Slaughter – Nguyên Giám đốc hoạch định chính sách thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thời kỳ chính quyền Tổng thống Barack Obama là sơ đồ được chú ý nhiều nhất. Trong cuốn sách “Một trật tự thế giới mới” xuất bản năm 2004, bà đã mô tả cặn kẽ sơ đồ mạng lưới toàn cầu (Networked World Order) với sự tham gia không hạn chế của các Văn phòng quốc gia liên kết và tương tác trực tiếp hoặc trực tuyến với nhau một cách thường xuyên, theo cơ chế phi tập trung, đa dạng, chính phủ và phi chính phủ. Trên cơ sở đó, những bên tham gia mạng lưới có thể trao đổi thông tin với nhau, thỏa thuận về cách thức hành động và về quyết định cần đưa ra nhằm giải quyết bất kỳ các vấn đề nào có tính toàn cầu về kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh. Theo cách này, không cần thiết phải lập ra một thiết chế quốc tế có vai trò “đứng trên” các quốc gia, “đứng trên” các chính phủ, điều có thể gây ra quan ngại chính đáng về khả năng vi phạm chủ quyền của các quốc gia[11]. Đáng chú ý là cơ chế quản trị toàn cầu qua mạng lưới khác với các tổ chức quốc tế, bao gồm cả Liên hợp quốc, bởi các tổ chức này là những thiết chế thực tế, vận hành theo cơ chế đã định sẵn nên khả năng thích ứng bị hạn chế. Thêm vào đó, có nhiều tổ chức, kể cả Liên hợp quốc, còn duy trì địa vị đặc biệt của một số quốc gia thành viên, chẳng hạn như quyền phủ quyết của 5 ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Nhiều tổ chức quốc tế trong lĩnh vực tài chính tiền tệ còn duy trì cơ chế phân chia phiếu không đồng đều trong biểu quyết dựa trên phần đóng góp tài chính của các quốc gia khác nhau. Cuối cùng, chủ thể của đa số các tổ chức quốc tế chủ yếu là các quốc gia nên chưa thu hút được các thành phần khác trong việc tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu[12] v.v..

Cách tiếp cận mạng lưới toàn cầu có ưu thế lớn nhất là không làm ảnh hưởng đến chủ quyền của các quốc gia trong giải quyết các vấn đề có tính toàn cầu. Ưu thế thứ hai của cơ chế này là trao đổi thông tin cực kỳ nhanh chóng. Ưu thế thứ ba là khả năng thu hút các nhân tố phi quốc gia vào quá trình giải quyết vấn đề. Thực tế đã chứng minh rất rõ điều đó. Trong lĩnh vực đấu tranh chống khủng bố quốc tế cũng như chống tội phạm xuyên quốc gia, mạng lưới tài chính và tiền tệ liên chính phủ đã thực sự phối hợp một cách có hiệu quả trong việc phát hiện và đóng băng tiền gửi của các tổ chức khủng bố, các cơ quan điều tra đã có thể trao đổi trực tiếp, nhanh chóng và kịp thời thông tin về tổ chức tội phạm và người phạm tội. Trong lĩnh vực kinh tế, mạng lưới các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của các quốc gia đã có điều kiện linh hoạt trao đổi và giải quyết các vấn đề về khủng hoảng tài chính trong phạm vi thế giới.

3. Vấn đề quyền con người trong bối cảnh toàn cầu hóa

Quyền con người là một phạm trù lịch sử trải qua các thế hệ khác nhau.

Thế hệ thứ nhất của các quyền con người đã ra đời trong bối cảnh tiến hành các cuộc cách mạng tư sản và được pháp luật tiến bộ ghi nhận. Đó đồng thời là những giá trị tư tưởng về tự do, tín ngưỡng và tôn giáo; quyền được tham gia vào công việc nhà nước và xã hội; bình đằng trước pháp luật; quyền sống, tự do và an toàn thân thể; quyền không bị giam, giữ, trục xuất tùy tiện; quyền được xét xử công bằng, công khai bởi một tòa án độc lập và vô tư.

Thế hệ thứ hai của các quyền con người được hình thành trong quá trình đấu tranh vì một đời sống tốt hơn, nhằm cải thiện các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội. Do đó, đây là những quyền được hưởng mang tính chủ động phụ thuộc vào những nỗ lực của chính con người và khả năng đáp ứng của xã hội.

Thế hệ thứ ba của các quyền con người được hình thành trong những năm sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Những bài học lịch sử cay đắng của chiến tranh đã hối thúc cộng đồng quốc tế nỗ lực giữ gìn hòa bình, chống chiến tranh, giải trừ quân bị. Các quyền này trước hết thuộc về các dân tộc, các cộng đồng. Các quyền con người thuộc thế hệ thứ ba đặc biệt liên quan đến quyền của những nhóm người mà vì những lý do, điều kiện xã hội, tâm – sinh lý, văn hóa không thể có điều kiện như những người bình thường khác để thực hiện được các quyền bình đẳng của họ và vì vậy cần đến sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, xã hội và cả của cộng đồng quốc tế. Đó là những người thuộc nhóm người trẻ, người già yếu, thương tật, mất việc làm, những người tị nạn, dân nhập cư và đặc biệt là phụ nữ. Quá trình toàn cầu hóa đã có ảnh hưởng bất lợi trước hết đối với các nhóm xã hội này. Tuy nhiên, nếu thiếu đi một sự quản lý trên phạm vi toàn cầu thì nguy cơ của việc vi phạm các quyền con người thuộc thế hệ thứ nhất và thứ hai cũng luôn luôn hiện hữu. Toàn cầu hóa đã và đang tác động tiêu cực đến các quyền về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của con người. Tình trạng đối xử bất công, vô nhân đạo, lao động cưỡng bức, bị bỏ đói, thiếu chỗ ở, điều kiện lao động, quyền tự do gia nhập nghiệp đoàn, thương lượng tập thể không được bảo đảm và xảy ra thường xuyên ở nhiều quốc gia. Nói khác đi, trong bối cảnh toàn cầu hóa không thể xem nhẹ bất cứ loại quyền nào của con người cũng như đặt đối lập các quyền đó với nhau.

Quá trình toàn cầu hóa trong thời đại ngày nay đã tác động mạnh mẽ đến việc hình thành hai thế hệ mới của quyền con người: thế hệ thứ tư và thế hệ thứ năm. Thế hệ quyền con người thứ tư hình thành cuối thế kỷ XX, gồm các quyền về sức khỏe, quyền về môi trường, về tự do thông tin. Thế hệ thứ năm quyền con người ra đời vào thời kỳ cuối thế kỷ XX-đầu thế kỷ XXI là những quyền liên quan đến sự phát triển của con người liên quan đến đạo đức sinh học, chẳng hạn như quyền sống và quyền được chết (an tử chủ động và an tử bị động), quyền chuyển giới, cấm nhân bản vô tính; quyền con người trong các trường hợp cấy ghép tạng, mô; trong các thí nghiệm y học[13]. Đặc điểm của hai thế hệ quyền con người mới này là sự liên quan của việc thực hiện các quyền đó với văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và từ đó là những yếu tố quyết định đến việc bảo đảm quyền con người. Đó là:

  • Quyền con người được đặt trong bối cảnh khi trong thế giới toàn cầu hóa đã và đang hình thành cái gọi là thế giới đa văn hóa, tương tác văn hóa, và vì vậy, đòi hỏi mỗi người và mọi người có thái độ khoan dung, cần một chữ nhẫn trước các văn hóa khác, quan điểm và niềmm tin khác.
  • Quyền con người phải gắn với các tư tưởng nhân đạo phổ quát trong thế giới đương đại, trong đó có tư tưởng hòa hợp và dung nạp, tư tưởng pháp quyền.
  • Quyền con người trong bối cảnh của thời đại thông tin với những giá trị mới, trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật số, sự mở rộng không giới hạn khả năng hoạt động của con người trong thời đại internet.

Thế giới toàn cầu hóa hiện đại là thế giới song song diễn ra hai dòng chảy lịch sử. Một mặt, đó là dòng chảy của các giá trị quyền con người phổ quát, là dòng chủ lưu, bền vững, thể hiện ở sự công nhận và ghi nhận các chuẩn mực quyền con người trong các điều ước quốc tế và pháp luật của các quốc gia. Mặt khác, đó là dòng chảy của quá trình làm sâu sắc hơn đặc thù văn hóa nhân quyền, chẳng hạn, của phương Đông, của phương Tây, Hồi giáo, Cơ đốc giáo v.v. hoặc thậm chí ở từng quốc gia riêng biệt. Cả hai yếu tố - phổ quát và đặc thù - đều cần được coi trọng như nhau.

Bên cạnh đó, nhiều quyền của con người tuy đã được ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ từ trước đến nay, nhưng bối cảnh toàn cầu hóa đã tạo ra những nguy cơ mới lớn hơn của sự vi phạm. Chẳng hạn, đó là các quyền cơ bản của con người như quyền được sống, quyền được chết, quyền bất khả xâm phạm thân thể, bất khả xâm phạm nơi ở, được tôn trọng nhân phẩm và danh dự, bản sắc dân tộc v.v.. Những điều kiện đó đòi hỏi trách nhiệm cao hơn, mới hơn và đầy đủ hơn của Nhà nước và xã hội đối với con người.

Có thể thấy rằng ở nhiều quốc gia và khu vực hiện nay trên thế giới thì mâu thuẫn giữa hai yếu tố trên đây là hiện hữu, có nơi, có lúc là nguyên nhân của các căng thẳng và xung đột xã hội. Thực tế đó đòi hỏi phải khẳng định quan điểm nhất quán trong bảo vệ quyền con người, theo đó, một mặt phải thực sự tôn trọng bản sắc văn hóa, trong đó có văn hóa quyền con người và sự cùng tồn tại của nhiều văn hóa trong cùng một quốc gia, nhưng mặt khác, về mặt chính trị, quyền bảo đảm bản sắc văn hóa nhất thiết phải được đặt trên nền tảng thừa nhận và bảo vệ các quyền phổ quát, nhất định không thể lấy bản sắc dân tộc để xâm phạm các quyền phổ biến của con người[14].

  1. Vấn đề bảo vệ môi trường

Theo nhận xét của Ủy ban của Liên hợp quốc về môi trường và phát triển thì trước đây, sự phát triển kinh tế - xã hội trên toàn thế giới trong thế kỷ XX đã đi theo hướng ưu tiên cho sự phát triển với tốc độ nhanh về kinh tế, do đó, đã dẫn đến sự hủy hoại chưa từng thấy cho môi trường sống. Loài người đã được đặt vào một trạng thái mâu thuẫn gay gắt giữa các mục tiêu như tăng trưởng kinh tế, xã hội và môi trường. Từ đó, đã xuất hiện và ngày càng trở nên sâu sắc hơn mối mâu thuẫn giữa một bên là các nhu cầu ngày càng một tăng lên của con người với một bên là sức chịu đựng của môi trường sinh học trong việc thỏa mãn những nhu cầu đó của con người. Ngày nay, sự phát triển ngày càng nhanh của tiến bộ khoa học và công nghệ với sự ra đời của nhiều loại công nghệ mới không chỉ không khỏa lấp được chỗ trống đó của môi trường sinh học mà ngược lại, còn làm gia tăng sự hủy hoại hệ sinh thái; đe dọa cuộc sống và lợi ích của nhiều thế hệ con người[15].

Các vấn đề về môi trường phát sinh đã không còn là vấn đề của một quốc gia hay vùng lãnh thổ mà đã trở thành vấn đề toàn cầu, với các hiện tượng phổ biến như thay đổi khí hậu, sự hủy hoại tầng ôzôn, ô nhiễm hóa chất, trong đó có hiện tượng như axít hóa, sa mạc hóa, suy giảm tiềm năng các nguồn thiên nhiên v.v.. Những vấn đề môi trường toàn cầu này nảy sinh song song với các hiện tượng nguy hại cho môi trường sống của con người như sự ấm lên của trái đất, sự tan băng, mực nước biển dâng, sóng thần, các dòng sông khô cạn, thiếu nước sinh hoạt, cạn kiệt nguồn thủy, hải sản và đàn động vật tự nhiên, sự biến mất của nhiều loài sinh vật[16].

Những hiện tượng toàn cầu đó đã và đang dẫn đến sự suy giảm ngày càng nghiêm trọng môi trường sống của con người, tác động xấu đến mỗi con người và do đó, có thể nói đến một trạng thái khủng hoảng môi trường xã hội. Tình hình đó đòi hỏi sự nỗ lực chung của các quốc gia và cộng đồng quốc tế nhằm tìm ra các giải pháo để hạn chế tác hại của khủng hoảng, trong đó có các giải pháp về mặt quản trị và pháp luật.

Bắt đầu từ năm 1972, tại Hội nghị thượng đỉnh về môi trường ở Stockholm lần đầu tiên Liên hợp quốc đã đưa ra quan điểm nhằm xác định trách nhiệm của các quốc gia trong các vấn đề môi trường, nêu phương hướng hoàn thiện quy chuẩn pháp lý quốc tế về môi trường trong bối cảnh toàn cầu hóa[17].

Trong một báo cáo quan trọng của Ủy ban về môi trường và phát triển của Liên hợp quốc thành lập năm 1984 với tên gọi “Tương lai chung của chúng ta”, hay còn gọi là “Báo cáo Brundtland” được công bố trước Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1987, khái niệm phát triển bền vững, đã lần đầu tiên được nêu ra với tính cách là khái niệm trung tâm của chính sách về môi trường. Theo đó, phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện nay nhưng không đe dọa đến nhu cầu của các thế hệ tương lai[18]. Trên cơ sở đó, các văn kiện của Liên hợp quốc, đặc biệt là của Hội nghị quốc tế về môi trường tại Rio de Janeiro, Brazil năm 1992 đã lần lượt đưa ra các văn kiện mới như “Tuyên ngôn về môi trường và phát triển” (Rio Declaration on Enviroment and Development), Tuyên bố về các nguyên tắc đồng thuận toàn cầu về quản lý, duy trì và phát triển bền vững các loại rừng (UN Statement of Principles for a management, Conservation and Sustainable Development of all Types of Forests). Những văn kiện quốc tế quan trọng này về môi trường đã đưa ra các nguyên tắc về trách nhiệm của các quốc gia và cộng đồng quốc tế về môi trường, xác định những định hướng chính yếu cho hoạt động bảo vệ thiên nhiên của các quốc gia, làm rõ địa vị pháp lý về môi trường của con người, hay là phạm vi các quyền và nghĩa bụ về môi trường của cá nhân từng con người. Đây chính là căn cứ quan trọng để phát triển hệ thống các thiết chế, cơ chế bảo vệ môi trường và hệ thống pháp luật về môi trường của các quốc gia.

Quan điểm toàn cầu về phát triển bền vững có nội dung cốt lõi là giải quyết đúng đắn, cân bằng mối quan hệ giữa các lợi ích về kinh tế, lợi ích về sinh thái và lợi ích xã hội. Nói khác đi, đây chính là đòi hỏi về sự kết hợp giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội trong điều kiện phải bảo tồn và khôi phục điều kiện môi trường theo hướng thân thiện nhất. Vì vậy, có thể hiểu phạm trù phát triển bền vững theo một cách cụ thể hơn, đó là sự phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở bảo vệ môi trường. Hai yếu tố quan trọng nhất của phát triển bền vững cần được hiểu như sau:

Một là, các yếu tố của mô hình phát triển bền vững cần được xác định trên nền tảng một chiến lược, với vị trí hoàn toàn bình đẳng giữa lợi ích về sinh thái hiện tại với lợi ích về sinh thái của các thế hệ mai sau.

Hai là, pháp luật cần ghi nhận đầy đủ chế độ trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm xã hội của người dân, của các tổ chức, cơ quan, đơn vị và của Nhà nước; bảo đảm lợi ích lâu dài cho các thế hệ tương lai.

  1. Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa

Một trong những mặt trái nổi bật nhất của quá trình toàn cầu hóa là tội phạm xuyên quốc gia. Khái niệm tội phạm xuyên quốc gia được sử dụng và mô tả trong Công ước của Liên hợp quốc ngày 15-11-2000 về Chống tội phạm xuyên quốc gia. Theo đó, tội phạm xuyên quốc gia là tội phạm có liên quan đến lãnh thổ của từ hai quốc gia trở lên, cụ thể là một trong những trường hợp sau đây:

  1. Tội phạm được gây ra trong một quốc gia, nhưng việc chuẩn bị phạm tội, các kế hoạch phạm tội, chỉ đạo hoạt động phạm tội được thực hiện tại một quốc gia khác.
  2. Tội phạm được gây ra trong một quốc gia nhưng với sự tham gia của một tổ chức tội phạm có hoạt động trong nhiều quốc gia.
  3. Tội phạm xảy ra trong một quốc gia nhưng hậu quả của tội phạm và nạn nhân của nó lại ở một quốc gia khác[19]

Theo các nhà nghiên cứu tội phạm học của Mỹ thì trong phạm vi toàn thế giới nói chung, số tội phạm xuyên quốc gia thuộc loại thứ nhất chiếm đa số (khoảng 67,25%)[20].

Xét theo tính chất của tội phạm, các tội phạm xuyên quốc gia có chung những đặc trưng sau đây:

  • Có phạm vi toàn cầu.
  • Bao gồm nhiều loại tội phạm, nếu xét theo khách thể phạm tội.
  • Có hạ tầng rộng lớn và rất phức tạp
  • Có cơ cấu tổ chức và tính chất hoạt động giống như hoạt động kinh doanh thông thường hoặc núp bóng các doanh nghiệp.
  • Có hoạt động liên tục trong thời gian dài.
  • Hoạt động trong phạm vi quốc tế và có mối liên hệ giữa các tổ chức tội phạm khác nhau.
  • Khai thác, lợi dụng sự khác biệt trong quy định pháp luật của các quốc gia, nhất là pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.
  • Có sự cấu kết với các thượng tầng chính trị, hành pháp và tư pháp của các quốc gia, nhất là với bộ phận công chức tham nhũng, hủ bại.
  • Có âm mưu sử dụng hỗ trợ từ phía các định chế tài chính quốc tế.

Như vậy, theo những đặc trưng này thì tội phạm xuyên quốc gia chủ yếu là tội phạm có tổ chức. Chính vì vậy, khi đề ra các giải pháp chống các tội phạm xuyên quốc gia, Liên hợp quốc đã gắn chúng với tội phạm có tổ chức. Trong đó, việc vươn tầm hoạt động ra khỏi phạm vi lãnh thổ của một quốc gia là yếu tố cơ bản của tội phạm xuyên quốc gia.

Tội phạm xuyên quốc gia cần được hiểu theo nghĩa rộng và theo nghĩa hẹp. Ở nghĩa rộng, đó là các tội phạm như: tội gây chiến tranh xâm lược, tội diệt chủng, tội diệt sinh; hủy hoại môi trường sống; sử dụng vũ khí giết người hàng loạt; tội gián điệp; tội phân biệt chủng tộc; tội khủng bố. Ở nghĩa hẹp, đó chính là các tội rất phổ biến hiện nay, gồm: tội buôn bán ma túy; buôn lậu vũ khí; tổ chức xuất nhập cảnh trái pháp; tội buôn người; tội trộm cắp, buôn lậu cổ vật và văn hóa phẩm quý; tội rửa tiền; các tội phạm trên không gian mạng v.v..

Xét theo phạm vi và cấu trúc tổ chức và hoạt động, tội phạm xuyên quốc gia chủ yếu là những tổ chức tội phạm có phạm vi lớn và cấu trúc chặt chẽ, chẳng hạn như mafia Ý, Hội Tam hoàng ở Trung Quốc, Tổ chức Yakudza ở Nhật, mafia ma túy ở Colombia; nhóm Hồi giáo vũ trang Algeria (GIA) và một số tổ chức tội phạm ở Nam Mỹ, châu Phi. Một số tổ chức tội phạm xuyên quốc gia là các tổ chức khủng bổ quốc tế như Al-Qaeda, các nhóm vũ trang cách mạng Colombia, nhóm vũ trang Aden-Abyan, tổ chức Jamaat Ansan-al-Sunxa Tehrik-i-Taliban, Hezbolah, Hamas v.v..

Có thể khẳng định rằng, toàn cầu hóa là tác nhân đầu tiên và quan trọng nhất của sự xuất hiện, tồn tại và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia. Trong số đó có cả các yếu tố đã góp phần thúc đẩy toàn cầu hóa, làm nên diện mạo của toàn cầu hóa hiện đại, như: quá trình toàn cầu hóa các quan hệ quốc tế; trước hết là các quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế; sự phát triển rộng rãi các dòng chảy tài chính và tiền tệ quốc tế, đặc biệt là khả năng chu chuyển với tốc độ nhanh và với khối lượng tài chính lớn nhờ các phương tiện điện tử. Cùng với đó là các quá trình như di dân bất hợp pháp; xung đột sắc tộc, tôn giáo, xung đột vũ trang khu vực; tình trạng tham nhũng ở các quốc gia, sự kiểm soát kém hiệu quả của bộ máy công quyền ở nhiều quốc gia như trong xuất nhập khẩu hàng hóa, biên phòng, hải quan, thuế v.v..

Một trong những biểu hiện nguy hiểm nhất của tội phạm xuyên quốc gia trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 là việc sử dụng các phương tiện công nghệ mới – công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ hóa học vào mục đích phạm tội.

Xét từ góc độ về mối liên hệ giữa toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ thông tin, có thể nói rằng, quá trình toàn cầu hóa hiện nay có những đặc điểm cơ bản như: đã hình thành một không gian thông tin toàn cầu và thống nhất trong thời đại ngày nay; sự hợp tác, liên kết giữa các quốc gia và khu vực ngày càng trở nên thuận lợi hơn, dễ dàng và nhanh chóng hơn trong quá trình toàn cầu hóa; việc sử dụng các công nghệ tính toán điện tử và công nghệ viễn thông đã trở nên rất phổ biến trong các hoạt động kinh doanh-thương mại, trong đời sống xã hội, trong các hoạt động văn hóa, giáo dục v.v. nhờ khả năng chuyển tải, trao đổi thông tin qua Internet; các quốc gia đều có mục đích chiếm lĩnh vị trí xứng đáng và lợi thế cho mình trong quá trình phát triển và sử dụng các công nghệ cao; việc sử dụng các công nghệ thông tin điện tử, công nghệ điện tử-sinh học vào những mục đích phi nhân đạo và phi pháp ngày càng trở nên phổ biến và nguy hiểm hơn. Có thể thấy điều đó khi mà sự phát triển các mạng vệ tinh viễn thông quốc tế đã tạo thuận lợi cho các tổ chức tội phạm tiến hành các hành vi tội phạm của chúng chỉ trong vài giây đối với những mục tiêu ở cách xa nhiều nghìn dặm, trong khi đó, việc điều tra các hành vi tội phạm loại này có thể mất nhiều thời gian và quá trình đó thường cần đến sự phối hợp của nhiều quốc gia.

Sự phát triển của công nghệ hiện đại đã tạo ra khả năng sử dụng các công nghệ đó để tác động vào hệ thống quản trị: quản trị chính quyền, quản trị xã hội và quản trị con người, tạo thuận lợi hơn nhiều cho các hoạt động gián điệp chính trị và kinh tế, khủng bố và các tội phạm khác. Trong số đó, đặc biệt nguy hiểm là việc sử dụng công nghệ cao vào việc chiếm đoạt hệ thống điều hành các nhà máy điện nguyên tử, nhà máy sản xuất hóa chất, điều khiển các trạm do thám vũ trụ, tàu vũ trụ; điều khiển hàng không dân dụng v.v.. Các phương tiện Internet, Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang được sử dụng vào các mục đích chiếm đoạt tài sản, mua bán ma túy, vũ khí, vật liệu nổ và phổ biến các công nghệ cao, quy trình tự sản xuất và sử dụng các sản phẩm bị cấm, tuyên truyền các tư tưởng phản động; tổ chức các hoạt động lật đổ, chống chính quyền v.v..

Tội phạm trên không gian mạng và đấu tranh chống tội phạm trên không gian mạng đã và đang trở thành vấn đề toàn cầu phức tạp nhất hiện nay của cộng đồng quốc tế và của các quốc gia.

Thời đại ngày nay là thời đại khi mà số hóa và toàn cầu hóa hiện hữu và gắn liền với mọi mặt đời sống hàng ngày của con người ở khắp mọi ngõ ngách. Nhưng, cùng với sự phổ biến rộng khắp của máy tính, của các chương trình mạng xã hội và Internet thì tội phạm trong lĩnh vực không gian mạng cũng trở nên rất phổ biến. Việc sử dụng các nền tảng công nghệ thông tin vào mục đích tội phạm đe dọa nghiêm trọng đến đời sống xã hội, hoạt động của Nhà nước và các hoạt động kinh tế.

Khái niệm “tội phạm mạng (Cyber Crimes) hay là tội phạm trên không gian mạng lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1980 trong Báo cáo của B. Cellin thuộc FBI, Mỹ[21]. Những đặc điểm chính của tội phạm mạng bao gồm:

  1. Tính quốc tế cao, theo đó, những kẻ phạm tội cũng như các nạn nhân của tội phạm có thể ở những quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau.
  2. Khả năng bị phát hiện rất thấp.
  3. Điều kiện phạm tội dễ hơn các tội phạm thông thường bởi không đòi hỏi chi phí nhiều cho các hoạt động phạm tội.
  4. Hậu quả, tác hại và tổn thất do các tội phạm mạng gây ra lại rất lớn.
  5. Là hệ quả của tiến bộ khoa học và công nghệ, tuy nhiên, chính sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã tạo ra khó khăn lớn cho việc xác lập hệ thống kiểm soát tội phạm mạng một cách hiệu quả. Tính toàn cầu, tính quốc tế của tội phạm mạng đòi hỏi phải áp dụng các biện pháp đấu tranh khác so với các tội phạm truyền thống.
  6. Tính chất toàn cầu, tính quốc tế của tội phạm trên không gian mạng đòi hỏi sự hợp tác cao độ giữa các quốc gia. Tuy nhiên, đây lại chính là lĩnh vực có những yếu tố nhạy cảm nhất liên quan đến quan điểm về chủ quyền quyền quốc gia của mỗi nước cũng như phương pháp mà mỗi quốc gia áp dụng để bảo vệ nguồn thông tin của mình. So với nhiều lĩnh vực dấu tranh chống tội phạm quốc tế khác, lĩnh vực chống tội phạm trên không gian mạng đòi hỏi sự tin cậy chính trị cao giữa các quốc gia. Thực tế cũng đã cho thấy rằng, hiệu quả của các hoạt động chống tội phạm trên không gian mạng ở những khu vực mà sự liên kết giữa các quốc gia được đặt trên nền tảng của sự tin cậy như vậy đã cao hơn so với các khu vực khác.

Đấu tranh chống tội phạm trên không gian mạng trong phạm vi quốc tế đã đặt ra nhu cầu về một hệ thống quy chuẩn quốc tế thống nhất đối với an ninh mạng. Năm 2015, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Bộ quy tắc ứng xử về an ninh thông tin[22] với hai mục đích cơ bản là:

  • Xác định trách nhiệm và thẩm quyền của các quốc gia trên không gian thông tin số toàn cầu.
  • Thúc đẩy hợp tác quốc tế với mục đích ngăn chặn những mối đe dọa trên không gian thông tin số.

Cùng với Liên hợp quốc, nhiều tổ chức hợp tác và liên kết khu vực như Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng đã có các văn kiện tương tự về đấu tranh chống tội phạm trên không gian mạng. Năm 2001, Hội đồng châu Âu đã ban hành Công ước về tội phạm trên không gian mạng[23] và Nghị định thư năm 2006 bổ sung Công ước về tội phạm mạng. Mặc dù là của EU, nhưng Công ước này đã thu hút gần 50 thành viên từ nhiều quốc gia khác trong và ngoài khu vực như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Nam Phi, Indonesia v.v.. Năm 2017. ASEAN cũng đã ban hành Tuyên ngôn ASEAN ngày 28-7-2006 về phòng và chống tội phạm và Tuyên bố ASEAN về hợp tác trong đấu tranh chống tấn công mạng và các hành vi khủng bố trên không gian mạng[24].

Về mặt tổ chức, sự phối hợp hành động trong việc xây dựng chính sách, thể chế và thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm mạng trước hết thuộc về Liên hợp quốc và các tổ chức chống tội phạm như Interpol và các cơ quan cảnh sát quốc tế khu vực. Năm 2013 tại La Hay, một Trung tâm quốc tế về chống tội phạm mạng đã được Europol thành lập với chức năng chính là nghiên cứu và cung cấp các phương pháp điều tra các tội phạm mạng cho các quốc gia tham gia Công ước năm 2001.

Biểu hiện nguy hiểm nhất trong thời đại công nghệ 4.0 là chủ nghĩa khủng bố quốc tế với việc thực hiện các hành vi khủng bố bằng các phương tiện thông tin điện tử. Khủng bổ bằng các phương tiện thông tin điện tử là những hành vi nhằm gây hoang mang và sợ hãi cho người dân với mục đích gây áp lực đối với các quốc gia chấp nhận những yêu cầu, những đòi hỏi nào đó, gây thiệt hại về người và tài sản thông qua các nền tảng mạng. Những hành vi khủng bố bằng các phương tiện thông tin điện tử bao gồm hành vi xâm nhập các dữ liệu thông tin điện tử, chiếm đoạt và sử dụng các thông tin đó vào mục đích khủng bố bằng cách tiếp xúc trực tuyến với thông tin chuyển tải qua mạng hoặc phương tiện công nghệ khác, tiêu hủy, làm hư hại, thay thế, chỉnh sửa hoặc phong tỏa hoạt động của mạng thông tin điện tử; hủy hoại hoặc làm sai lệch hệ thống điều khiển và hệ thống bảo vệ an toàn cho máy tính; làm giả hoặc đánh cắp ID, passwords v.v..

Để phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các hành vi sử dụng mạng thông tin điện tử và các dữ liệu vào mục đích khủng bố, đồng thời để đảm bảo sự cân bằng cần thiết giữa yêu cầu bảo đảm trật tự pháp luật với yêu cầu về tôn trọng và bảo đảm các quyền cơ bản của con người trên môi trường mạng thì sự hợp tác quốc tế là cần thiết hơn bao giờ hết. Trong sự hợp tác đó cần có những quy định chung về trách nhiệm của mỗi quốc gia phải đặt ra các quy định pháp luật để tội phạm hóa đầy đủ những hành vi nêu trên; đồng thời quy định mỗi quốc gia có quyền đăt ra yêu cầu về tội phạm hóa các hành vi đó một khi chúng xâm phạm lợi ích của mình trên lãnh thổ quốc gia khác.

Kết luận

Toàn cầu hóa không chỉ là công việc của một quốc gia riêng rẽ, cũng không phải như là một hoặc một loạt các hiện tượng xẩy ra nhất thời dù có tầm ảnh hưởng lớn. Toàn cầu hóa là một quá trình và có tầm ảnh hưởng toàn cầu và cả cộng đồng nhân loại. Từ một góc dộ khác, toàn cầu hóa có thể được hiểu là một quá trình khi mà các rào cản truyền thống về lãnh thổ, văn hóa, xã hội và về quản trị bị suy giảm những chỗ cho sự liên kết càng ngày càng nhiều hơn và đầy đủ hơn trên tất cả các phương diện kinh tế - xã hội, văn hóa và chính trị vào trong một hệ thống quy chuẩn chung và phổ quát.

Trong thời đại toàn cầu hóa, trên những vấn đề cốt lõi của chính sách phát triển quốc gia cần tăng cường ảnh hưởng của các hệ thống thể chế quốc tế, trong đó có thể chế toàn cầu, thể chế khu vực, các liên kết về kinh tế - chính trị, quân sự, an ninh, theo đó, các quốc gia tham gia ủy quyền ở những mức độc khác nhau thẩm quyền quốc gia của mình cho thiết chế liên kết hoặc tạo ra những ưu thế cho việc tìm kiếm các giải pháp, lợi ích và sự đồng thuận cần thiết.

Trong bối cảnh liên kết, quốc tế hóa thì những vấn đề này luôn hàm chứa hai sắc thái: quốc gia – dân tộc và quốc tế - toàn cầu, không thể tách rời. Các cấu trúc chính trị của quốc gia, bằng cách này hay cách khác, ở mức độ này hay mức độ khác, buộc phải can dự vào các quá trình chính trị toàn cầu nhằm giải quyết những vấn đề nêu trên.

* Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) trong Đề tài mã số 505.01-2021.06

** GS.TSKH Đào Trí Úc, Viện trưởng Viện Chính sách công và Pháp luật

                                 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Anne – Marie Slaughter. A New World Order, Princeton: Princeton University Press, 2004, p 200-290
  2. ASEAN Declaration to Prevent and Combat Cybercrime, November 14, 2017. ARF-Statement on Cooperation in Fighting Cyber Attacks and Terrorist Misuse of Cyberspace, July 28, 2006
  3. Hart J and J.E.Spero. Globalization and Global Governance in the 21st Century. Working Paper No. 27 Conference on International Security and Political Economy. Montreal, Canada, September 26, 2003, pp. 9-12.
  4. Maastricht Guidelines on Violations of Economic, Social and Cultural Rights, Clause 3, 26 January 1997
  5. The United Nations Convention against Transnational Organized Crime – General Assembly Resolution 55/25 of 15 November 2000
  6. United Nation Department of Economic and Social Affairs, Population Division, 2005: World Population Prospects: The 2004 Revision
  7. 7.    United Nations General Assembly, International Code of Conduct on Information Security 2015, A/69/723
  8. Waldman, Ronald. “Global Health Governance”, in Global Governance Reform: Breaking the Stalemate. Washington: Brooking Institution Press, 2007, pp. 100-107
  9. World Commission in Environment and Development: Our Common Future- Oxford University Press, 1987, p. 1075

[1] Hart J and J.E.Spero. Globalization and Global Governance in the 21st Century. Working Paper No. 27 Conference on International Security and Political Economy. Montreal, Canada, September 26, 2003, pp. 9-12. Barnet, Michael N. Pevehouse, Jon C.W. Raustiala Kal (2021). Global Governance in a World of Change. Cambridge University Press, p.1-47

[2] Thomas G.Weiss, and Ramesh ThakurThe UN and Global Governance: an idea and its prospects. Bloomington: University of Indiana Press, 2004, pp.82-88.

[3] Our Global Neighborhood. Report of the Commission in Global Governance, 1995

[4] United Nation Department of Economic and Social Affairs, Population Division, 2005: World Population Prospects: The 2004 Revision

[5] James M. Boughton and Colin I. Bradford; Global Governance. New Players, New Rules, International Monetary Fund, Finance and Development. December 2007, Vol. 44, No.4

[6] Waldman, Ronald. “Global Health Governance”, in Global Governance Reform: Breaking the Stalemate. Washington: Brooking Institution Press, 2007, pp. 100-107

[7] European Council: EU Security Strategy: a Secure Europe in a Better World: http://consullium.eropa.eu/uedocs/ Zhao Chen. China – EU Relations in the Perspective of Global Governance//The Institute of European Studies, Chinese Academy of Social Science, 2012

[8] Hart J and J.E.Spero. Globalization and Global Governance in the 21st Century. Working Paper No. 27 Conference on International Security and Political Economy. Montreal, Canada, September 26, 2003, pp. 9-12. Barnet, Michael N; Pevehouse, Jon C.W. Raustiala Kal (2021). Global Governance in a World of Change. Cambridge University Press, p.1-47

[9] Keohane, Robert O; Nye Joseph . S. Transgovernmental Relations and International Organizations//World Politics, 1974, c.242

[10] Slaught, A-M. Sovereignty and Power in a Networked World Order//Stanford Journal of International Law, 2004, Vol. 40, No. 1, p.285

[11] Anne – Marie Slaughter. A New World Order, Princeton: Princeton University Press, 2004, p 200-290

[12] Keohane, Robert. Governance in Partially Globalized World. Presidential Address, American Political Science Association, 2000//America Political Science Review, 2001, Vol.95, No.1, p.1

[13] Nghị quyết của Liên đoàn Y tế Thế giới số 57 ngày 22 tháng 5 năm 2004 về ghép tạng, mô của con người (WHA 57.18); Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới tại Hội nghị Madrid ngày 9 tháng 10 năm 2003 về đạo đức, tiếp cận và sự an toàn của việc cấy ghép tạng, mô: Những vấn đề cần quan tâm toàn cầu

[14] Maastricht Guidelines on Violations of Economic, Social and Cultural Rights, Clause 3, 26 January 1997

[15] World Commission in Environment and Development: Our Common Future- Oxford University Press, 1987, p. 1075

[16] World Commission in Environment and Development: Our Common Future- Oxford University Press, 1987, p. 1075

[17] United Nation Conference on the Human Environment, 5-16 June 1972, Stockholm.

[18] Report of the World Commission on Environment and Development: Our Common Future, Oxford University Press, 1987.

[19] The United Nations Convention against Transnational Organized Crime – General Assembly Resolution 55/25 of 15 November 2000.

[20] Servadio, G., Mafioso: A History of the Mafia from its Origins to the Present Day. New York, 1978

[21] Cellin B. The Future of Cyberterrorism; The Physical and Virtual worlds converge. Crime and Justice International, No. 13(2), 1980m p.15-18.

[22] United Nations General Assembly, International Code of Conduct on Information Security 2015, A/69/723

[23] Budapest Convention on Cybercrime, 23 November 2001, Additional Protocol to the Convention on Cybercrime, 1 March, 2006.

[24] ASEAN Declaration to Prevent and Combat Cybercrime, November 14, 2017. ARF-Statement on Cooperation in Fighting Cyber Attacks and Terrorist Misuse of Cyberspace, July 28, 2006