Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa giới thiệu Quỹ đổi mới đầu tư phát triển các công nghệ mới có tiềm năng ứng dụng trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, với ý nghĩa tránh nguy cơ tụt hậu so với các đối thủ.
Quỹ sẽ hỗ trợ các công ty khởi nghiệp phát triển các công nghệ tiên tiến, có tiềm năng ứng dụng cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Một trong những hướng đi từng được đề cập là thiết lập một trung tâm chuyển đổi công nghệ mới, phối hợp giữa các quân nhân và ngành công nghiệp để thúc đẩy các công ty khởi nghiệp quốc phòng kỹ thuật số.
Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, quỹ này sẽ bảo đảm để các đồng minh của NATO không bỏ lỡ các công nghệ và năng lực tân tiến nhất, vốn là những yếu tố rất quan trọng đối với an ninh của khối.
Việc khởi động quỹ này chỉ còn là vấn đề thời gian sau khi bộ trưởng quốc phòng 17 nước thành viên bao gồm Bỉ, Cộng hòa Séc, Estonia, Đức, Hy Lạp, Hungary, Italy, Latvia, Litva, Luxembourg, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Slovakia, Slovenia và Vương quốc Anh cùng đặt bút ký kết thỏa thuận.
Cũng nằm trong mục tiêu tăng cường năng lực phòng thủ, NATO tuyên bố cho ra đời Sáng kiến DIANA. Qua đó, NATO cam kết cung cấp mạng lưới các trung tâm thử nghiệm công nghệ và các cơ sở máy gia tốc trên khắp liên minh để khai thác tốt hơn những đổi mới cho lĩnh vực bảo mật.
Dự án quỹ đổi mới và sáng kiến DIANA nói trên được trông đợi sẽ giúp các đồng minh NATO sử dụng và vận hành các công nghệ mới một cách thông suốt giữa các lực lượng của mình và giữa các lực lượng của chính NATO.
Nhằm chứng tỏ quyết tâm hành động, các bộ trưởng quốc phòng NATO cũng đã nhất trí về chiến lược AI đầu tiên của liên minh quân sự này. Trong dịp trả lời báo chí tuần trước, Nicolas Chaillan, cựu Giám đốc phần mềm của Lực lượng Không quân Mỹ đã ví von, Mỹ “không có cơ hội chiến đấu cạnh tranh chống lại Trung Quốc” trong vòng 15 đến 20 năm tới.
Ông cho rằng, đặc trưng của AI và cơ chế phòng thủ mạng trong một số cơ quan chính phủ Mỹ là ở "cấp mẫu giáo".