Nếu muốn bảo vệ an toàn cho hành khách ở ghế sau trong tai nạn, hãy tránh mua 9 mẫu SUV này

14/12/2022 22:39

Theo dõi trên

Trong số 9 mẫu xe này, có một số cái tên rất quen thuộc với thị trường Việt Nam như Honda CR-V, Honda HR-V, Hyundai Tucson hay Mazda CX-5.

Viện Bảo hiểm An toàn Giao thông Đường bộ Mỹ (IIHS) đã công bố kết quả thử nghiệm va chạm trực diện nâng cấp của mình. Thử nghiệm này nhằm tập trung vào hậu quả của những vụ va chạm đối với hành khách ngồi trên hàng ghế sau. IIHS cho rằng thử nghiệm này là sự bổ sung đặc biệt khẩn thiết vì hành khách ngồi trên ghế sau chủ yếu là trẻ nhỏ và người lớn tuổi - những đối tượng vốn dễ bị tổn thương hơn cả.

Theo nghiên cứu gần đây của IIHS, trong nhiều vụ va chạm ngoài đời thực, hành khách ngồi trên ghế sau bị thương nặng hơn người ngồi phía trước. Trước đây, hành khách ngồi phía sau thường ít có nguy cơ tử vong hơn trong những vụ va chạm trực diện nhờ yếu tố lớn nhất là vùng biến dạng ở khoang lái phía trước. Tuy nhiên, hiện nay, khoang hành khách phía trước lại ít khi bị biến dạng trong những vụ va chạm trực diện ở tốc độ trung bình. Ngoài ra, các nhà sản xuất ô tô còn thường bổ sung túi khí và dây đai an toàn nâng cao cho hàng ghế trước thay vì hàng ghế sau. Hậu quả là kể từ năm 2007 đến nay, nguy cơ tử vong của hành khách ngồi trên hàng ghế sau cao hơn 46% so với người ngồi ghế trước. Để thúc đẩy các hãng ô tô thu hẹp tỷ lệ này, IIHS đã đưa thử nghiệm va chạm trực diện mới.

Trong thử nghiệm này, IIHS đã đánh giá 15 mẫu SUV cỡ nhỏ đời mới, bao gồm Ford Escape, Volvo XC40, Toyota RAV4, Audi Q3, Nissan Rogue, Subaru Forester, Buick Encore, Chevrolet Equinox, Honda CR-V, Honda HR-V, Hyundai Tucson, Jeep Compass, Jeep Renegade, Mazda CX-5 và Mitsubishi Eclipse Cross.

new-crash-test-spotlights-back-seat-safety-iihs-news-1671032176.mp4

IIHS thử nghiệm va chạm trực diện đối với 15 mẫu SUV cỡ nhỏ đời mới

Kết quả mà IIHS tung ra khá đáng báo động. Nguyên nhân là vì chỉ có đúng 2 mẫu SUV đạt kết quả "Tốt" về khả năng bảo vệ hành khách ngồi trên ghế sau trong va chạm trực diện, bao gồm Ford Escape và Volvo XC40.

Để đạt kết quả đánh giá "Tốt", hình nộm ngồi ở hàng ghế sau phải không có nguy cơ bị thương nghiêm trọng ở đầu, cổ, ngực, bụng hoặc đùi. IIHS sẽ dùng cảm biến trên hình nộm để xác định điều này. Ngoài ra, túi khí cũng phải ngăn đầu của hình nộm va đập vào những bề mặt cứng như cửa sổ hay lưng ghế trước.

iihs-3-db91-1671032014.jpg

Volvo XC40 là 1 trong đúng 2 mẫu xe được IIHS đánh giá "Tốt" trong thử nghiệm va chạm trực diện mới

Quan trọng hơn, dây đai an toàn của xe phải ngăn hình nộm rơi vào tình trạng trượt về phía trước. Nếu không, dây an toàn có thể gây chấn thương cho vùng bụng. Trong thử nghiệm va chạm trực diện nâng cấp, IIHS cũng lắp thêm cảm biến áp lực vào ngực của hình nộm để theo dõi nguy cơ chấn thương thân người.

"Trong va chạm ngoài đời thực, chấn thương nặng nhất mà người trưởng thành thường bị là ở vùng ngực. Do đó, chúng tôi cần tập trung vào khu vực này", ông Sushant Jagtap, kỹ sư nghiên cứu của IIHS kiêm người hỗ trợ quá trình phát triển thử nghiệm mới giải thích.

Đây cũng là lý do vì sao Toyota RAV4 không được đánh giá "Tốt" trong thử nghiệm va chạm trực diện mới của IIHS như Ford Escape hay Volvo XC40 mà chỉ nhận kết quả "Chấp nhận được". Tương tự 2 đối thủ, Toyota RAV4 cũng đáp ứng tốt phần lớn các tiêu chí mà IIHS đưa ra. Tuy nhiên, dây đai an toàn vắt ngang bụng ở hàng ghế sau của Toyota RAV4 lại dịch chuyển khỏi vị trí lý tưởng. Hậu quả là dây đai an toàn đã trượt xuống dưới và đầu của hình nộm không được túi khí rèm bảo vệ, gây nguy cơ chấn thương nặng.

Trong khi đó, bộ ba Audi Q3, Nissan Rogue và Subaru Forester chỉ được đánh giá ở mức "Trung bình" về khả năng bảo vệ vùng ngực của hành khách ngồi trên ghế sau. Với mẫu xe Subaru Forester, hình nộm trên hàng ghế sau có nguy cơ cao bị chấn thương ở ngực. Đầu của hình nộm cũng tiến quá sát đến lưng ghế trước khi tai nạn xảy ra.

9 mẫu SUV cỡ nhỏ còn lại là Buick Encore, Chevrolet Equinox, Honda CR-V, Honda HR-V, Hyundai Tucson, Jeep Compass, Jeep Renegade, Mazda CX-5 và Mitsubishi Eclipse Cross đều bị đánh giá "Kém" ở thử nghiệm va chạm trực diện mới của IIHS. Với cả 9 mẫu SUV cỡ nhỏ này, hành khách ngồi trên ghế sau có nguy cơ cao bị chấn thương ở đầu, cổ và ngực. Ngoài ra, dây đai an toàn còn tạo ra lực ép quá mạnh lên ngực của hình nộm.

Với hai mẫu xe Honda CR-V và Mazda CX-5, dây đai an toàn trên vai hình nộm ở vị trí quá cao, làm giảm hiệu quả của hệ thống hạn chế va đập. Với Hyundai Tucson, hình nộm trên hàng ghế sau suýt chút nữa thì va đập vào lưng ghế trước. Ngoài ra, đầu của hình nộm còn đập vào khu vực giữa túi khí rèm và cửa sổ.

iihs-1-a86e-1671032014.jpg

Hình nộm trên ghế sau của Mazda CX-5

Trong khi đó, hình nộm trên ghế sau của Mazda CX-5 và Honda HR-V rơi vào tình trạng dây đai an toàn vắt ngang bụng bị trượt từ khu vực khung chậu lên bụng, tăng nguy cơ chấn thương vùng bụng. Riêng với trường hợp của Jeep Renegade, đầu của hình nộm còn đập vào cột C.

iihs-1-af11-1671032014.jpg

Kết quả đánh giá trong thử nghiệm va chạm trực diện mới của IIHS (Lưu ý: G là "Tốt", A là "Chấp nhận được", M là "Trung bình" và P là "Kém")

Sở dĩ IIHS chọn 15 mẫu xe kể trên vì những cái tên này từng được đánh giá "Tốt" trong thử nghiệm va chạm trực diện cũ của họ. Thử nghiệm nâng cấp của IIHS vẫn được tiến hành như trước, trừ việc có thêm 2 hình nộm ở hàng ghế sau. Với thử nghiệm mới, nhược điểm của một số mẫu xe đã bị lộ ra. Cuối cùng là chỉ có 2 mẫu xe bảo toàn được kết quả như cũ.

Bạn đang đọc bài viết "Nếu muốn bảo vệ an toàn cho hành khách ở ghế sau trong tai nạn, hãy tránh mua 9 mẫu SUV này" tại chuyên mục Công nghệ. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com