Ngăn chặn sử dụng khí cười trái phép

Khí N2O hay còn gọi là khí cười được sử dụng trong ngành y tế, có tác dụng gây mê, an thần, giảm đau và được các bác sĩ chỉ định trong một số trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khí N2O được không ít người, nhất là giới trẻ lạm dụng, sử dụng như một trào lưu, bất chấp những nguy hiểm, tác hại ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
mot-kho-tap-ket-cac-binh-chua-khi-cuoi-n2o-o-thanh-pho-ha-long-tinh-quang-ninh-bi-luc-luong-cong-an-phat-hien-pld-1683905131.jpg
Một kho tập kết các bình chứa khí cười N2O ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh bị lực lượng công an phát hiện.

Vào khoảng 0 giờ 15 phút ngày 27/4, Tổ công tác Đội Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Hạ Long phối hợp Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh tiến hành kiểm tra xe ô-tô biển kiểm soát 14A-666.16 đang đỗ tại cửa nhà kho địa chỉ tổ 15, khu 4B, phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong xe ô-tô có tổng số 10 bình kim loại, nghi là khí N2O.

Quyết liệt ngăn chặn

Tiếp tục kiểm tra nhà kho và cũng là phòng trọ của Đặng Tuấn Long, sinh năm 1995, lực lượng chức năng phát hiện thêm 72 bình kim loại có đặc điểm giống như trên nghi có chứa khí N2O. Đặng Tuấn Long là lái xe đồng thời là chủ của số bình khí nêu trên không xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan. Đội Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Hạ Long đã lập biên bản, tạm giữ tang vật và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, vào chiều 25/4, Công an thị xã Quảng Yên tiến hành kiểm tra hành chính tại nhà của Vũ Văn Anh, sinh năm 1993, trú tại khu 4, phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên, phát hiện, lập biên bản tạm giữ 21 vỏ bình kim loại hình trụ tròn bên trong chứa khí N2O đã sử dụng hết, 210 vỏ bóng cao-su chưa qua sử dụng, một bộ sang chiết khí N2O.

Điều tra mở rộng xác định, Vũ Văn Anh còn có cơ sở khác tại thôn Cẩm Lũy, xã Cẩm La, thị xã Quảng Yên. Tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng đã tạm giữ 66 bình kim loại các loại, trong đó có 38 bình bên trong có khí N2O và các dụng cụ sang chiết gồm một bình gas kèm khí lửa, hai cân điện tử, hai cân đồng hồ lò xo, một máy khò, túi nilon để niêm miệng bình khí và một ô-tô tải để vận chuyển đi tiêu thụ.

Tại thời điểm kiểm tra, Vũ Văn Anh không xuất trình được giấy phép kinh doanh, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ loại khí nêu trên và khai nhận đã tự sang chiết số khí N2O nhằm mục đích bán cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke và người dân có nhu cầu sử dụng để bơm vào bóng hút (bóng cười) để thu tiền chênh lệch kiếm lời.

Trước thực trạng nêu trên, Công an tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường kiểm tra và liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh và sử dụng trái phép khí cười.

Thiếu tá Trần Vũ Hải, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an thành phố Hạ Long cho biết: Các đối tượng đặt mua khí cười qua các mạng xã hội để kinh doanh, sử dụng; sử dụng số điện thoại không chính chủ, dùng tài khoản Facebook, Zalo ảo, lai lịch, nhân thân không rõ ràng, cho nên khó khăn trong công tác xác minh, xử lý.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý hàng chục vụ với nhiều đối tượng kinh doanh bóng cười, Shisha, thuốc lá điện tử... trái phép, thu giữ hàng nghìn bình khí N2O.

Điển hình là vụ Công an thành phố Hạ Long phát hiện Cao Văn Tùng, sinh năm 1992, trú tại phường Yết Kiêu, thành phố Hạ Long kinh doanh khí cười trái phép, thu giữ 111 bình chứa khí cười không có hóa đơn chứng từ hợp pháp. Công an thị xã Đông Triều phát hiện và điều tra, bắt giữ nhóm đối tượng kinh doanh khí cười trái phép, thu giữ tổng số 529 bình khí N2O tại nhiều địa điểm khác nhau.

Tăng cường giáo dục, tuyên truyền

Em N.T.M hiện đang là học sinh lớp 12 tại một trường trung học phổ thông ở thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Sau một lần đi sinh nhật bạn, được rủ rê, mời chào em đã sử dụng “bóng cười” để thử cảm giác mới lạ. Từ cảm giác thích thú, thỏa mãn khi sử dụng lần đầu, em N.T.M tiếp tục sử dụng nhiều lần khác, rồi sau đó, em tự liên lạc để đặt mua bình “khí cười” sử dụng. N.T.M chia sẻ: “Lần đầu em sử dụng “bóng cười” cảm giác mọi thứ chung quanh quay cuồng và rất là rung, nghe bạn bè nói chuyện bình thường cũng thấy buồn cười. Khi không sử dụng cái bóng cười đấy thì em thấy rất bứt rứt, nhớ cái cảm giác “phê” đấy”. Từ việc sử dụng trong suốt hai năm học cấp III khiến ngón tay em bị tê và mất dần cảm giác, cùng với đó là những rối loạn cảm xúc, cáu gắt, lo âu không thể kiểm soát được.

Đỉnh điểm là sau khi cùng với một người bạn dùng khí cười trong vòng ba tiếng cộng với tinh dầu cần sa, em N.T.M bị choáng ngất tại chỗ và được gia đình đưa vào Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh Quảng Ninh. Sau thời gian tích cực điều trị, sức khỏe, tinh thần em đã ổn định.

Tại Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh Quảng Ninh, những năm gần đây, số bệnh nhân nhập viện điều trị do ngộ độc “khí cười” liên tục tăng, phần lớn là người trẻ, nhiều em mới chỉ là học sinh lớp 6, lớp 7. Bác sĩ Cao Thị Xuân Thủy, Trưởng khoa Rối loạn tâm thần do sử dụng chất gây nghiện, cho biết:

Khí cười khi sử dụng nhiều sẽ dẫn đến trạng thái nhiễm độc tức thì, người bệnh có thể có những trạng thái ngây ngất, vui vẻ, hưng phấn, cũng có thể có những rối loạn về nhịp tim, sau đó có những ảo giác tức thời và mất đi tức thời, nhưng các biểu hiện để lại lâu dài là tê bì chân tay và mất nhận thức. Nếu sử dụng kéo dài liên tục sẽ dẫn đến trạng thái nhiễm độc mãn tính, lo âu, trầm cảm. Rất nhiều thanh, thiếu niên chủ quan chỉ nghĩ sử dụng bóng cười, khí cười là trò giải trí, không gây hại đến sức khỏe.

Việc sử dụng khí cười dường như đã trở thành thú tiêu khiển trong giới trẻ khi mà bóng cười là mặt hàng có thể dễ dàng mua được ở bất cứ cuộc vui nào. Anh Nguyễn Văn Hưng, trú tại phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long cho biết: “Bình thường, tôi với bạn bè vào bar, pub chơi thì cũng gọi bóng cười để vui vẻ. Mua bóng cười dễ lắm, gọi cái là họ phục vụ tận nơi.

Còn anh N.T.S, chủ một bar kinh doanh khí cười trái phép bị xử phạt hành chính tại thành phố Hạ Long, cho biết: Bình to 27kg nhập về có giá từ 150 nghìn đồng đến 170 nghìn đồng/bình, nếu lấy với số lượng ít thì khoảng từ 200 nghìn đồng đến 210 nghìn đồng/bình. Khi bơm vào bóng để bán cho khách thì tùy số lượng mà giá dao động trong khoảng 150 nghìn đồng đến 180 nghìn đồng/quả. 1kg sẽ bơm được 9 đến 10 quả bóng”.

Với số liệu này, nhập bình khí cười về bơm vào bóng để bán, các chủ cơ sở này có thể thu lãi gấp tới 40 lần. Vì lợi nhuận, nhiều đối tượng đã bất chấp quy định của pháp luật, thậm chí chấp nhận việc bị xử phạt hành chính để kinh doanh khí N2O.

Việc kinh doanh khí N2O ngày càng nở rộ, trong khi khí N2O không phải là ma túy hay tiền chất, thuộc danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành công nghiệp và được chỉ định trong một số lĩnh vực y tế. Đối với người sử dụng khí này chưa có chế tài xử lý.

Còn hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh N2O không bị xử lý hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính. Từ sử dụng “khí cười”, người sử dụng hưng phấn, họ tìm đến những chất kích thích đem lại cảm giác mạnh hơn, trong đó có ma túy, đây là nguồn gốc phát sinh tội phạm, tiềm ẩn gây ra phức tạp về an ninh, trật tự.

Để dẹp bỏ nạn kinh doanh khí cười, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của lực lượng công an thì gia đình, nhà trường cần có sự giám sát, tuyên truyền, giáo dục cho con em, học sinh. Bên cạnh đó, các đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội mà lực lượng nòng cốt là đoàn thanh niên các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để giới trẻ hiểu rõ tác hại và tự bảo vệ mình trước loại khí nguy hiểm này.