Ngân hàng Nhà nước “tiếp sức” 30.000 tỷ đồng vào thị trường

Tiên Nguyễn

10/11/2021 07:08

Theo dõi trên

Trong tuần đầu tháng 11, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào một lượng lớn ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại. Giá trị tương đương khoảng hơn 30.000 tỷ đồng.

Theo số liệu của Công ty Chứng khoán SSI, trong tuần đầu tiên của tháng 11, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào một lượng lớn ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại. Thông qua việc mua ngoại tệ, một lượng lớn nội tệ (khoảng 30.000 tỷ) đã được bơm đối ứng vào thị trường.

2

Ảnh minh họa 

Động thái trên được diễn ra trong bối cảnh Tổng cục Hải quan công bố thặng dư thương mại tháng 10 ở mức 2.94 tỷ USD, cao hơn so với mức ước tính 2.2 tỷ USD của Tổng cục Thống kê đưa ra trước đó, tổng thặng dư thương mại 10 tháng được đưa lên mức kỷ lục mới là gần 20 tỷ USD.

“Nguồn cung ngoại tệ dồi dào, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua vào lượng lớn ngoại tệ, dự trữ ngoại hối hướng gần hơn đến mục tiêu 100 tỷ USD vào cuối 2020 mà Chính phủ đã đưa ra”, nhóm nghiên cứu tại SSI đánh giá.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục mua vào một lượng lớn ngoại tệ trong quý 3. Số liệu cập nhật của SSI Research cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào khoảng 5,5 tỷ USD (tương đương gần 130.000 tỷ đồng) trong tháng 7 và tháng 8, thấp hơn so với lượng đăng ký do có một số hợp đồng bị hủy ngang.

Lượng tiền kể trên là số ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng được Ngân hàng Nhà nước mua từ các ngân hàng thương mại hồi đầu năm với giá trị gần 7 tỷ USD, ở tỷ giá 23.125 đồng/USD. Giá trị quy đổi tương đương theo tỷ giá khi mua vào khoảng 157.000 tỷ đồng. Các hợp đồng này đã đến hạn thanh toán từ tháng 7 và tiếp tục trong tháng 8.

Nhờ được bổ sung lượng lớn thanh khoản từ Ngân hàng Nhà nước thông qua kênh đáo hạn ngoại tệ kể trên, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn duy trì trạng thái dồi dào. Đồng thời, dự trữ quốc gia qua đó cũng liên tục được làm dày thêm, góp phần hạn chế các cú sốc từ thị trường quốc tế và ổn định kinh tế vĩ mô.

Tại báo cáo vĩ mô tháng 10 mới công bố, Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết giá trị dự trữ ngoại hối Việt Nam đã đạt mốc 105 tỷ USD. Đây là mức dự trữ ngoại hối cao kỷ lục của Việt Nam.

Báo cáo cập nhật vào tháng 3/2021 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) riêng về Việt Nam cho biết quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã gia tăng mạnh mẽ trong năm 2020 và dự báo tiếp tục vượt xa mốc 100 tỷ USD trong năm 2021.

Dữ liệu của IMF cho thấy, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đến cuối năm 2020 đã đạt 94,8 tỷ USD, đánh dấu chuỗi gia tăng mạnh mẽ kể từ năm 2016. Và theo dự báo của tổ chức này, quy mô đó sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2021 với dự kiến đạt 113,7 tỷ USD.

Trước đó, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với Mỹ về vấn đề tiền tệ vào trung tuần tháng 7. Việt Nam cam kết không phá giá tiền đồng nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại không công bằng trong thương mại quốc tế, cũng như minh bạch hơn trong chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái.

Ngay sau khi đạt được những bước tiến tích cực trong thoả thuận trên, Ngân hàng Nhà nước đã ngưng hoạt động mua ngoại tệ kỳ hạn. Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước quay trở lại sử dụng công cụ mua giao ngay để có thể tác động tức thời và hiệu quả lên thị trường tiền tệ, như ổn định tỷ giá, hỗ trợ thanh khoản, bình ổn lãi suất liên ngân hàng, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại hạ lãi suất.

Khi ấy, nhận định về động thái này, Chứng khoán KB cho rằng nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tích cực hoạt động mua vào ngoại tệ trong thời gian tới, thay vì dè dặt như trong 7 tháng đầu năm (chỉ mua vào khoảng 7 - 8 tỷ USD). Điều này có thể giúp giảm tải khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Và thực tế đến 12/8/2021, Ngân hàng Nhà nước đã thay đổi phương thức mua ngoại tệ, từ kỳ hạn 6 tháng sang mua bán giao ngay, kèm bước giảm mạnh giá mua USD. Động thái này được đánh giá là chủ ý của Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo nguồn tiền cung ứng mới và tức thời cho thị trường, thêm điều kiện tạo nguồn vốn dồi dào và bình ổn lãi suất, hoặc tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại hạ được tiếp lãi suất.

Đến ngày 5/11, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ mạnh giá mua vào USD, tới 100 đồng xuống còn 22.650 đồng/USD. Đây là bước giảm mạnh thứ 2 sau ngày 11/8 từ 22.975 đồng xuống 22.750 đồng áp dụng từ 12/8 đến 4/11.

Bạn đang đọc bài viết "Ngân hàng Nhà nước “tiếp sức” 30.000 tỷ đồng vào thị trường" tại chuyên mục Kinh tế. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com