Tao bị bắt vào năm 2019, và được cho là nhà khoa học đầu tiên bị bắt theo Sáng kiến Trung Quốc- một chương trình của chính phủ Mỹ nhằm chống gián điệp kinh tế, do chính quyền của cựu tổng thống Donald Trump khởi xướng vào năm 2018 và vẫn đang gây nhiều tranh cãi. Những người phản đối cho rằng sáng kiến này phân biệt chủng tộc nhằm vào các nhà nghiên cứu gốc Hoa.
Ngày 7/4 vừa qua, bồi thẩm đoàn của tòa án quận Kansas kết luận Tao có hành vi lừa đảo và khai báo gian dối, cụ thể là không thông báo về việc đang giữ một vị trí ở Đại học Phúc Châu, Trung Quốc, cho Bộ Năng lượng Mỹ và Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ - các tổ chức tài trợ cho nghiên cứu của Tao tại KU.
Bằng chứng chính của cơ quan công tố là các hợp đồng chưa ký giữa Tao và Đại học Phúc Châu mà FBI đã tìm thấy trong tài khoản e-mail của Tao, cùng với các e-mail cho thấy Tao đã tuyển dụng sinh viên Đại học Phúc Châu vào làm việc trong phòng thí nghiệm ở đó và yêu cầu Đại học Phúc Châu mua thiết bị phòng thí nghiệm.
Tao cho biết sở dĩ có những tài liệu này vì đã cân nhắc chuyển sang làm việc tại Đại học Phúc Châu, nhưng cuối cùng quyết định không chuyển.
Nhóm luật sư của Tao lập luận rằng bằng chứng này đến từ một nguồn không đáng tin cậy: một trong những cộng sự nghiên cứu cũ của Tao, Humin Liu. Có các email cho thấy trước khi tố cáo Tao với KU và FBI, Liu đã tống tiền Tao 300.000 USD và cáo buộc Tao làm tổn hại đến triển vọng nghề nghiệp của mình. Sau đó Liu mới gửi tố cáo Tao bằng tên giả, và có vẻ như đã xâm nhập vào tài khoản e-mail của Tao để có được các hợp đồng (chưa ký) giữa Tao và Đại học Phúc Châu.
Các bằng chứng này cũng không thể hiện rằng Tao đã làm việc tại Đại học Phúc Châu - theo Peter Zeidenberg, luật sư của Tao. Và sự việc thực chất chỉ là những sai sót nhỏ của Tao về mặt hành chính, bị các cơ quan điều tra liên bang thổi phồng. Zeidenberg cũng cho rằng không có bằng chứng về việc KU hoặc bất kỳ ai khác đã bị hại hoặc bị lừa dối. “Bởi vì nó liên quan đến Trung Quốc, chính phủ Mỹ đã biến nó thành một vụ án liên bang," Zeiderberg nói trước tòa.
Phiên tòa kéo dài hai tuần, và bồi thẩm đoàn đã nghị án hơn một ngày trước khi đưa ra kết luận Tao phạm ba trong sáu tội danh lừa đảo từ xa và một trong hai tội danh khai báo gian dối.
Mặc dù bồi thẩm đoàn đã có kết luận, thẩm phán chưa tuyên án cũng như chưa xác định ngày tuyên án và đang yêu cầu xem xét lại các bằng chứng của bên truy tố. Nếu bị tuyên án, Tao có thể phải đối mặt với hàng chục năm tù và phạt tiền lên tới 250.000 USD cho mỗi hành vi phạm tội.
“Hầu hết mọi người sẽ không tiết lộ với cơ quan chủ quản rằng họ đang tìm kiếm một công việc mới - đó không phải là một tội,” Gang Chen, một kỹ sư cơ khí tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ở Cambridge, nói về trường hợp của Tao. Chen từng bị bắt vào năm 2021 vì tội danh tương tự như Tao, che giấu mối quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ) đã bỏ cáo buộc đối với Chen vào tháng 1/2022. Chen cho rằng trường hợp của Tao một lần nữa cho thấy chính phủ Mỹ đánh giá các nhà khoa học gốc Hoa theo một tiêu chuẩn khác với các nhà nghiên cứu khác.
Gang Chen và Feng Tao là hai trong số hàng chục nhà khoa học gốc Hoabị truy tố vì cáo buộc có quan hệ với Trung Quốc. Một phân tích của MIT Technology Review, công bố tháng 12/2021, cho thấy trong số 77 trường hợp đã biết của Sáng kiến Trung Quốc, chỉ có 19 trường hợp liên quan đến hoạt động gián điệp kinh tế, các trường hợp còn lại liên quan đến liêm chính trong nghiên cứu, chẳng hạn như việc công khai nguồn tài trợ nước ngoài trong các đơn xin tài trợ liên bang. Và hầu hết các trường hợp được trắng án hoặc giảm nhẹ tội so với cáo buộc ban đầu. Hai trường hợp được minh oan gần đây là Gang Chen và Anming Hu, công dân Canada gốc Hoa và là nhà nghiên cứu công nghệ nano tại Đại học Tennessee. Hu bị bắt năm 2019 cũng với cáo buộc che giấu quan hệ với Trung Quốc, và được tuyên trắng án tháng 2/2022.
Chen nói thêm rằng các hành động của chính phủ Mỹ đang làm các nhà khoa học và sinh viên quốc tế né tránh nước Mỹ. “Nước Mỹ được xây dựng dựa trên tài năng. Nếu nhân tài ra đi và không đến Mỹ nữa, điều đó giúp ích gì cho an ninh quốc gia?" Chen nói. Và mặc dù được MIT chào đón trở lại sau cuộc điều tra, Chen cho biết ông và gia đình vẫn sống trong sợ hãi.
Một khảo sát năm 2021 cho thấy các nhà khoa học gốc Hoa lo sợ bị giám sát sau khi Sáng kiến Trung Quốc khởi động. “Khi biết tin, tôi rất ngạc nhiên, thất vọng và bối rối về hàm ý của kết luận này đối với các trường hợp trong tương lai," Jenny Lee, nhà khoa học xã hội tại Đại học Arizona ở Tucson, người thực hiện cuộc khảo sát nói trên, cho biết.
Trong một bài phát biểu ngày 23/2, trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Matthew Olsen nói rằng mặc dù Sáng kiến Trung Quốc sẽ kết thúc, chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục điều tra các vụ án gián điệp theo một chương trình mới gọi là Chiến lược chống lại các mối đe dọa an ninh quốc gia, nhằm vào Trung Quốc, Iran và Nga. Olsen nói thêm, DoJ sẽ tiếp tục theo đuổi các vụ việc mà họ hiện đang truy tố.
Nguồn: