Ngày 13/8/2022 tại buổi thăm và làm việc với Đạm Ninh Bình, Thủ tướng nêu rõ một số vấn đề cần giải quyết gồm tại Nhà máy Đạm Ninh Bình gồm: Giải quyết tranh chấp hợp đồng EPC; tổ chức sản xuất kinh doanh để không thua lỗ (như tái cơ cấu tài chính, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất lao động…), giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh; vấn đề giải quyết vấn đề môi trường trong và ngoài nhà máy, cả về nước thải, khí thải, chất thải rắn; ổn định việc làm, nâng cao đời sống người lao động; ổn định nguồn cung than cho nhà máy.
Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình công bố tình hình sản xuất kinh doanh 9 tháng năm 2022 với nhiều kết quả tích cực |
Theo đó, 9 tháng đầu năm 2022, Công ty Đạm Ninh Bình báo cáo lãi xấp xỉ 850 tỷ đồng, sản lượng sản xuất Urê đạt 72% kế hoạch năm; sản lượng tiêu thụ Urê đạt 68% kế hoạch năm. Doanh thu 9 tháng đầu năm 2022 của Đạm Ninh Bình đạt hơn 4.300 tỷ đồng, bằng 96% kế hoạch năm và bằng 162% cùng kỳ năm 2021;
Đạt được kết quả trên là do các chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam và sự quyết liệt trong chỉ đạo của đồng chí Tổng Giám đốc Nguyễn Viết Hiến, tập thể ban lãnh đạo trong điều hành hoạt động sản xuất - kinh doanh chủ trương “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, giúp hoạt động sản xuất - kinh doanh được khôi phục, thông suốt trong điều kiện giá phân bón duy trì ở mức cao.
Từ đầu năm 2022 đến nay, giá than cám 4A.1 và 5A.1 tăng bình quân gần 45% khiến chi phí đầu vào sản xuất phân bón tăng cao. Trong các thời điểm nhu cầu nội địa giảm sút, lượng tiêu thụ nội địa chậm, tồn kho tăng, Công ty đã linh hoạt triển khai các phương án xuất khẩu. Kết quả, sản lượng Urê xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2022 đạt 41.000 tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 24 triệu USD.
Bên cạnh đó, nhà máy tích cực triển khai nghiên cứu và phát triển thêm sản phẩm đạm màu nhằm đa dạng hoá sản phẩm, đưa ra các dòng sản phẩm phân bón mới có giá trị cao hơn, giá thành cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của người nông dân cũng như hệ thống phân phối, đảm bảo hiệu quả kinh tế và quy mô kinh doanh ở từng thị trường.
Đặc biệt, Đạm Ninh Bình đã chú trọng môi trường làm việc, đã có nhiều cây xanh được trồng, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho khoảng 1.000 công nhân của Nhà máy với thu nhập bình quân xấp xỉ 11,2 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận sự nỗ lực và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh gần đây của Nhà máy, tạo niềm tin để tiếp tục tìm phương án, giải pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc của dự án. Các ý kiến tại cuộc làm việc cũng thống nhất đánh giá, dự báo sắp tới, nhà máy có thị trường tiêu thụ sản phẩm cả trong và ngoài nước khi nhu cầu Urê tăng cao.
Đạm Ninh Bình đã tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho khoảng 1.000 công nhân của Nhà máy |
Đồng thời, nhà máy đã tích lũy được các kinh nghiệm vận hành, sản xuất, kinh doanh nên cần phải chủ động hơn nữa các giải pháp, nỗ lực để duy trì sản xuất kinh doanh hiệu quả, đảm bảo thu nhập tốt cho gần 1.000 người lao động.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, điều này cũng góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, trong đó có phát triển nền công nghiệp hóa chất, phát triển nền nông nghiệp, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong nước.
Các bộ, ngành tích cực cùng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam để hoàn thành Đề án tái cơ cấu dự án. UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Nhà máy xử lý các vấn đề liên quan tới môi trường, các kiến nghị của cử tri về môi trường, lao động. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam bảo đảm nguồn than ổn định cho nhà máy.