Nhà mới mua đã bắt dân đóng phí bảo trì, chuyên gia kiến nghị gì?

Chuyên gia đề nghị xem xét lại việc có nhất thiết người mua nhà, thuê mua nhà phải nộp 2% giá trị căn hộ không và người thuê mua nhà có phải nộp một khoản kinh phí như người mua nhà không.
dong-phi-bao-tri-nha-moi-mua-pld-1678767321.jpg
Ảnh minh hoạ

Quan tâm góp ý vào Dự thảo Sửa đổi Luật Nhà ở, ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng quy định tại Điều 150 và Điều 151 là không hợp lý, sẽ tạo nên khó khăn cho người mua nhà, thuê mua nhà và phức tạp trong quản lý kinh phí.

Ông Luyến cho rằng nhà mới được xây dựng, bắt đầu bán, cho thuê mua đã bắt người mua, thuê mua nhà phải nộp kinh phí bảo trì, mà cũng chưa biết khi nào phải sử dụng đến số kinh phí này. Nhà mới xây dựng nên phải sau nhiều năm mới có thể bảo trì, sửa chữa. Trong khi đó số tiền này lại lưu giữ tại tài khoản của chủ đầu tư hoặc Ban quản trị nhà chung cư.

Trong những năm qua, việc quản lý số tiền này thường xảy ra các tiêu cực, sử dụng không đúng mục đích, thất thoát, thậm chí chiếm đoạt.

Theo ông Luyến, việc quản lý khoản kinh phí này rất phức tạp, như việc chuyển quản lý tiền từ chủ đầu tư sang Ban quản trị nhà chung cư quy định tại Điều 151 và 152 của dự thảo luật và sẽ phát sinh bất cập trong quá trình quản lý, sử dụng sau này.

Vì vậy, vị này đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, sửa lại các quy định nêu tại các điều 150, 151 và 152 của dự thảo luật hợp lý, bảo đảm quyền, lợi ích của người dân; có nhất thiết người mua nhà, thuê mua nhà phải nộp 2% giá trị căn hộ không và người thuê mua nhà có phải nộp một khoản kinh phí như người mua nhà không.  

Về quy định cưỡng chế phá dỡ nhà ở tại Điều 152, ông Luyến cũng cho rằng quy định của dự thảo luật tại Điều 152 là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, không có tính khả thi, vì số lượng nhà chung cư ở các tỉnh, thành phố rất nhiều.

Chẳng hạn như trên địa bàn thành phố lớn Hà Nội và TPHCM có số lượng nhà chung cư rất lớn, Ủy ban nhân dân thành phố không có đủ thời gian, nhân lực để xử lý vấn đề này. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nên quy định giao cho cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện, quận thực hiện các công việc nêu tại Điều 152 là phù hợp, không nên giao cho Ủy ban nhân dân, nhất là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện.

Cũng liên quan đến quy định về cải tạo xây dựng nhà chung cư, một số ý kiến chuyên gia đề nghị: Bên cạnh phân loại theo chất lượng, luật sửa đổi lần này cần bổ sung thêm nội dung phân loại theo sở hữu nhằm đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu khi tháo dỡ công trình nhất là trong điều kiện tính chất sở hữu rất khác nhau giữa các chủ sở hữu.

Trình tự triển khai các dự án cải tạo khu chung cư khá dài và phức tạp, để có thể rút ngắn được thời gian, dự án luật hoặc nghị định cần quy định thêm các yêu cầu thời gian để không bị động về tiến độ triển khai.

TS.Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, đề nghị định nghĩa rõ khái niệm “hư hỏng nặng và có nguy cơ sập đổ” và “hư hỏng nặng và xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ kết cấu chịu lực chính” là như thế nào?

Ngoài ra, ông Dũng cũng đề nghị điều chỉnh lại nội dung khoản 3, 4 Điều 25. Các nhà chung cư sau khi có kết luận kiểm định mà không đảm bảo quy định an toàn về chịu lực, cháy, nổ thì phải phá dỡ.

Việc cải tạo, xây dựng nhà chung cư có tính đặc thù và không có tính phổ biến, đề xuất trong dự thảo luật cần đưa các quy định thuận lợi để thu hút nguồn lực bên ngoài tham gia vào quá trình cải tạo, xây dựng nhà chung cư như ban hành các tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, làm cơ sở cho các nhà đầu tư căn cứ vào năng lực, kinh nghiệm triển khai dự án của mình để tham gia đăng ký làm chủ đầu tư dự án.