Nhận diện tranh chấp hợp đồng hoạt động thương mại và tranh chấp hợp đồng dân sự trong thực tiễn áp dụng

Vấn đề phân biệt hai loại hợp đồng trong hoạt động thương mại và hợp đồng dân sự đã được nhiều tác giả nghiên cứu. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ nêu khái quát một số nội dung chủ yếu trong việc phân biệt hai loại hợp đồng này và từ đó làm cơ sở phân biệt tranh chấp dân sự hay tranh chấp thương mại, áp dụng qua một vụ việc thực tế xảy ra.

1. Khái quát chung về Hợp đồng dân sự và Hợp đồng trong hoạt động thương mại
Hợp đồng dân sự: là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự.[1] Về mặt khoa học có thể hiểu, hợp đồng dân sự là sự thoả thuận pháp lý, dựa trên sự tự nguyện giữa hai hay nhiều bên về quyền và nghĩa vụ trong các lĩnh vực khác nhau giữa cá nhân, tổ chức mà không liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, thương mại. Ví dụ về hợp đồng dân sự có thể là hợp đồng mua bán nhà, hợp đồng chuyển giao tài sản trong hôn nhân, hợp đồng tặng cho, thừa kế tài sản, v.v…Có thể nói hợp đồng dân sự, giao dịch dân sự có phạm vi đối tượng rộng và đa dạng.

Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.[2] Từ cơ sở đó về mặt khoa học, có thể hiểu, Hợp đồng thương mại là: sự thoả thuận pháp lý, dựa trên sự tự nguyện giữa hai hay nhiều bên về quyền và nghĩa vụ trong hoạt động kinh doanh, thương mại nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Ví dụ về hợp đồng thương mại có thể là hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng cung ứng dịch vụ, hợp đồng hợp tác kinh doanh trong đầu tư, hợp đồng cung ứng nguyên vật liệu, hợp đồng góp vốn nhằm tìm kiếm lợi nhuận v.v...

tranh-chap-hop-dong-1015-1724136798.jpg

Ảnh minh hoạ

Điểm khác biệt cơ bản giữa hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh doanh, thương mại (có thể viết tắt là hợp đồng thương mại):

- Thứ nhất, khác nhau về mục đích của hợp đồng: Hợp đồng dân sự được thiết lập với mục tiêu thỏa thuận các giao dịch dân sự, mục đích hướng tới của hợp đồng dân sự là mục đích tiêu dùng, có thể sinh lời hoặc không. Hợp đồng dân sự không có mục đích kinh doanh, thương mại, không có mục đích tìm kiếm lợi nhuận.

Trong khi đó Hợp đồng thương mại có liên quan đến các giao dịch kinh doanh, mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, hợp tác kinh doanh và các hoạt động thương mại khác. Mục tiêu của các hợp đồng này là tạo ra lợi nhuận và phục vụ mục đích kinh doanh và hướng tới mục đích tìm kiếm lợi nhuận.

Hai là, khác nhau về chủ thể giao kết hợp đồng: khi giao kết hợp đồng dân sự, đối tượng sẽ rộng hơn. Đó có thể là các cá nhân, tổ chức có hoặc không có tư cách pháp nhân. Đối với hợp đồng kinh doanh, thương mại thì chủ thể phải là cá nhân hoặc tổ chức có tư cách pháp nhân, có đăng ký kinh doanh và có người đại diện hợp pháp. Trong hợp đồng kinh doanh thương mại, bắt buộc các bên phải là thương nhân. Nếu không đáp ứng điều kiện về chủ thể, hợp đồng kinh doanh thương mại sẽ vô hiệu, không có giá trị pháp lý.

Ba là, khác nhau về cơ quan giải quyết tranh chấp: Đối với hợp đồng dân sự, các bên chỉ có thể thoả thuận, hoà giải hoặc giải quyết tại tòa án có thẩm quyền.

Trong khi đó, nếu là tranh chấp hợp đồng kinh doanh, thương mại các bên có thể tự thỏa thuận, hoà giải để giải quyết hoặc giải quyết tại Trung tâm trọng tài thương mại hoặc Toà án, tùy theo sự lựa chọn của các bên tham gia giao kết hợp đồng.

Như vậy, tranh chấp dân sự thì Trung tâm trọng tài thương mại sẽ không có thẩm quyền để giải quyết các vụ việc về dân sự.

Bốn là, khác nhau về cơ sở pháp lý: Hợp đồng dân sự chỉ dựa trên cơ sở pháp luật dân sự. Tính đa dạng của pháp luật dân sự rộng hơn, phức tạp hơn. Bản chất hợp đồng kinh doanh, thương mại cũng là những thoả thuận của các bên tham gia hợp đồng giống như hợp đồng dân sự, nhưng hợp đồng kinh doanh, thương mại dựa chủ yếu trên cơ sở pháp luật về thương mại và một phần pháp luật về dân sự.

Có thể nói mối quan hệ giữa hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh doanh, thương mại là mối quan hệ giữa cái chung và các riêng, cái đặc thù, trong đó hợp đồng dân sự là cái chung và hợp đồng thương mại là cái riêng, cái đặc thù.

Tóm lại, điểm khác biệt chính giữa hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh doanh thương mại nằm ở mục tiêu, tính chất, chủ thể ký kết hợp đồng, các quy định của pháp luật áp dụng. Cả hai loại hợp đồng đều có vai trò quan trọng trong việc định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia.

2. Thực tiễn áp dụng trong vụ việc cụ thể
Vấn đề phân biệt về mặt lý thuyết giữa hợp đồng kinh doanh, thương mại và hợp đồng dân sự đã được nhiều tác giả nghiên cứu, xong việc áp dụng vào thực tiễn các vụ án cụ thể với cách nhìn nhận từ các khía cạnh khác nhau, thì có thể có những quan điểm khác nhau, do đó, hướng giải quyết cũng khác nhau. Diễn biến thực tế tranh chấp có sự đan xen giữa tính chất hợp đồng kinh doanh, thương mại và hợp đồng dân sự trong nhiều trường hợp rất phức tạp. Vụ án sau đây là một ví dụ [3]:

Công ty TNHH Thương mại Thanh Hoa - SĐ (sau đây được viết tắt là công ty SĐ) do ông Nguyễn Thanh H làm giám đốc, có trụ sở công ty và văn phòng giao dịch tại địa chỉ số 25 đường Lê Lợi - tp TH - Việt Nam.

Công ty TNHH một thành viên Toàn Th (sau đây gọi tắt là công ty T.TH) do ông Phạm văn N làm giám đốc, có trụ sở công ty và văn phòng giao dịch tại địa chỉ tại 32 phường Đông Thọ tp TH - Việt Nam.

Ngày 01 tháng 01 năm 2015 Công ty SĐ ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá với công ty T.TH.

Trong nội dung hợp đồng nguyên tắc có thoả thuận: “công ty TNHH thương mại SĐ là bên bán hàng hoá (Bên A) cho công ty TNHH Thương mại T.TH là bên mua (Bên B.) Khi bên B nhận được hàng hoá phải thanh toán 100% số tiền mua hàng hoá cho bên A ngay sau khi nhận hàng (trả tiền mặt hoặc chuyển khoản). Nếu chậm trả tiền có thể bị phạt 150% số tiền chậm trả. Bên A có trách nhiệm vận chuyển giao hàng hoá giao cho bên B tại địa chỉ số 32 phường Đông Thọ, Tp TH.

Về giá cả các bên sẽ thoả thuận theo thời điểm giao hàng và từng loại mặt hàng điện tử, điện lạnh cụ thể khác nhau.

Mọi tranh chấp hợp đồng giữa các bên nếu không thoả thuận được, thì có thể đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật”.

Quá trình thực hiện hợp đồng và vấn đề tranh chấp:
Công ty SĐ (Bên A) đã giao hàng theo tại địa chỉ số 32 phường Đông Thọ tp TH là địa chỉ cửa hàng do bà Lê Thị Minh L thuê để kinh doanh. (Bà L là vợ của ông Nguyễn Xuân N giám đốc công ty TNHH thương mại T.TH).

Khi nhận hàng đợt 1, 2, 3…từ tháng 01.01.2015 đến tháng 30.9.2015 công ty TNHH TM SĐ đã bán hàng cho công ty TNHH T.TH (do bà L nhận hàng và thanh toán). Số tiền đã thanh toán là 3 tỷ đồng, số tiền bà L còn nợ, chưa thu được là 330 triệu đồng ( Chưa tính lãi phát sinh).

Việc giao hàng hoàn toàn có hoá đơn của bên A xuất hàng ( hoá đơn bán bán hàng của công ty SĐ có ghi địa chỉ giao hàng là Cty T.TH số 32 phường Đông Thọ Tp Th H. Các lần giao hàng thì người nhận và thanh toán tiền hàng là bà L hoặc nhân viên của bà L có ký nhận loại hàng và số tiền phải thanh toán.

Quá trình mua bán hàng hoá, đã có nhiều lần đối chiếu công nợ, thanh toán giữa đại diện công ty SĐ với bà L . Các lần đối chiếu thanh toán đều do bà L trực tiếp thực hiện và ký xác nhận trong các biên bản thanh toán công nợ và có đóng dấu của Công ty TNHH T. TH trên chữ ký của bà L (nhưng bà L không ghi chức danh trong các biên bản thanh toán).

Việc thanh toán tiền hàng chủ yếu là tiền mặt do bà L thanh toán trực tiếp cho nhân viên giao hàng của công ty SĐ và có ký nhận vào sổ của bà L.

Đến tháng 11.2015, công ty TNHH T.TH đóng cửa. Công ty SĐ yêu cầu công ty TNHH T. TH, thanh toán dứt điểm công nợ số tiền 330 triệu đồng. Công ty SĐ với nhiều công văn đề nghị thanh toán, gửi giám đốc công ty TNHH - T.TH, nhưng Ông N là giám đốc Công ty TNHH - T.TH không trả lời.

Ngày 25 tháng 11 năm 2016 Công ty SĐ khởi kiện và bị đơn là Công ty TNHH - T.TH. ra Toà án nhân dân Tp TH thuộc tỉnh TH để đòi số nợ 330 triệu đồng cùng số lãi là 66 triệu đồng (tổng cộng là 396 triệu đồng).

Ngày 11.9.2017 bản án số 15/2017 KDTM – ST Toà án nhân dân Tp T.TH (cấp sơ thẩm) đã bác yêu cầu của công ty SĐ không chấp nhận yêu cầu của công ty SĐ đòi số tiền nợ 396 triệu đồng.

Toà án sơ thẩm cho rằng, Bà L chỉ là nhân viên của công ty TNHH - T.TH ký nhận nợ, không có xác nhận nợ do người đại diện theo pháp luật của công ty T.TH ký nhận nợ…tại phiên toà sơ thẩm người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan – Bà Lê Thị Minh L vắng mặt…

Ông N giám đốc công ty TNHH - T.TH không thừa nhận trách nhiệm thanh toán, không thừa nhận có tranh chấp thương mại với công ty TNHH SĐ nên không phải là bị đơn, do đó công ty TNHH - T.TH không phải chịu trách nhiệm số tiền nợ 396 triệu đồng. Từ trên cơ sở đó Toà án cấp sơ thẩm bác yêu cầu đòi nợ của công ty SĐ.

Ngày 20.9.2017 công ty SĐ kháng cáo bản án sơ thẩm.

Ông N giám đốc công ty T.TH có văn bản trả lời công ty SĐ và giải trình tại Toà án: Việc mua bán hàng hoá với công ty T.TH và thanh toán công nợ do bà L thực hiện, ông N không biết, không tham gia mua bán hàng hoá. Việc bà L kinh doanh như thế nào, ông N không biết, hoàn toàn do bà L tự thực hiện.

Bản thân ông không có giấy uỷ của công ty TNHH – T.TH cho bà L và bà L chỉ là nhân viên của công ty. Con dấu của công ty TNHH thương mại T.TH do bà L tự lấy và tự ký tên và tự đóng dấu vào hoá đơn khi giao dịch và bản thanh toán với công ty SĐ. Ông N nhận khuyết điểm có sơ xuất về việc quản lý con dấu của công ty T.TH do ông làm giám đốc. Do đó, ông N không thừa nhận số nợ 396 triệu đồng là số nợ của Công ty T.TH và đề nghị công ty SĐ đòi nợ từ phía bà L. Vấn đề quyết toán thuế của công ty TNHH T.TH chưa thực hiện.

Hiện thời điểm công ty SĐ khởi kiện công ty T.TH thì bà L tuyên bố ly hôn ông N (chưa có quyết định ly hôn) và đã bỏ nhà đi từ tháng 12.2015. Ông N khai với cơ quan chức năng, từ tháng 12.2015 bà L không còn là nhân viên của công ty TNHH - T.TH và ông N hiện không biết bà L đi đâu, ở đâu.

Trên đây là nội dung cơ bản của hợp đồng và quá trình thực hiện hợp đồng, cùng các tình tiết có liên quan đến vụ tranh chấp giữa công ty SĐ và công ty T.TH.

Vụ án nêu trên đây có nhiều ý kiến khác nhau:

+ Đây là tranh chấp hợp đồng kinh doanh, thương mại

+ Đây là tranh chấp hợp đồng dân sự

+ Đây có thể là vụ án hình sự, Bà T phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

a/ Quan điểm cho rằng đây là tranh chấp hợp đồng kinh doanh, thương mại, bởi vì:
Thứ nhất, việc mua bán hàng hoá dựa trên cơ sở hợp đồng nguyên tắc giữa các chủ thể tham gia ký kết là các pháp nhân thương mại, hướng tới tìm kiếm lợi nhuận. Căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005, hai bên xác lập hợp đồng vì mục đích sinh lợi. Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng thương mại được xác lập bởi hai pháp nhân thương mại thì theo quy định của khoản 1 Điều 30 BLTTDS năm 2015 nên được coi là tranh chấp kinh doanh, thương mại.

Thứ hai, khi giao hàng hoá – thực hiện hợp đồng thì công ty TNHH SĐ đã dựa trên các thoả thuận có tính nguyên tắc để giao hàng hoá và yêu cầu thanh toán như cam kết trong hợp đồng giữa hai công ty TNHH SĐ và Công ty TNHH - T.TH

Thứ ba, trong quá trình thanh toán và đối chiếu công nợ có con dấu của Công ty T.TH nên có thể coi giao dịch của công ty SĐ với công ty T. TH là dựa trên hợp đồng thương mại đã ký kết. Hai bên đã tiến hành giao và nhận hàng hoá nhiều đợt khác nhau. Từ tháng 1/2015 đến tháng 9/2015, mỗi lần giao hàng đều có hoá đơn của công ty SĐ xuất hàng, phía công ty T.TH có bà L nhận hàng và thanh toán tiền hàng, khi đối chiếu công nợ có đóng dấu của công ty T.TH xác nhận. Do đó, công ty T.TH, trong đó giám đốc công ty – ông N không thể chối bỏ giao dịch với lý do là không biết việc bà L nhận hàng, trả tiền như thế nào.

Thứ tư, ông N là Giám đốc công ty T.TH không thể nói lý do bà L không có quyền hạn, không được uỷ quyền của giám đốc công ty T.TH, cũng không được phân công nhiệm vụ nhận hàng… để chối bỏ trách nhiệm thanh toán. Bởi vì một người không có quyền hạn, không được sự cho phép, thì tại sao có con dấu và sử dụng con dấu trong việc đối chiếu thanh toán và diễn ra trong một thời gian dài. Việc uỷ quyền hay không đó là vấn đề nội bộ của công ty không có cơ sở xác nhận vấn đề này. Đặc biệt, bà L là vợ ông N nên công ty SĐ tin tưởng bà L là thành viên công ty, đại diện cho công ty T.TH nên mới giao hàng hoá và yêu cầu thanh toán như thoả thuận trong hợp đồng giữa hai công ty.

Thứ năm, Công ty SĐ chỉ cần căn cứ đúng địa điểm giao hàng, các hoá đơn giao hàng cho Cty T.TH đều ghi địa chỉ số 32 phường Đông Thọ theo hợp đồng và có người nhận hàng nhân danh công ty T.TH, có con dấu xác nhận. Do vậy, số nợ 396 triệu đồng còn lại theo các biên bản giao nhận hàng và biên bản thanh toán có hiệu lực pháp luật khi có đóng dấu của công ty T.TH xác nhận.

Thứ sáu, Trong hợp đồng không quy định rõ người có thẩm quyền của công ty TNHH – T.TH nhận hàng, không quy định tại thời điểm giao hàng bên nhận hàng phải có nghĩa vụ xuất trình giấy uỷ quyền, mà chỉ quy định bên công ty T.TH cử người ra nhận hàng và ký vào biên bản, sổ giao hàng và thanh toán tiền.

Thứ bảy, tại thời điểm giao nhận hàng, bà L là vợ của Giám đốc N, cho nên việc bà L dùng con dấu đóng và ký tên vào các biên bản đối chiếu công nợ với đại diện công ty SĐ mà ông N nói không biết, ông không trao quyền thì sao bà L có thể thực hiện nhiều lần như vậy được. Hơn nữa, ông N không phản đối, thì dù ông N không có văn bản uỷ quyền cho bà L, nhưng ông N không phản đối hành động của bà L đã thể hiện ông N đồng ý, chấp thuận với hành vi của bà L và ngầm thừa nhận trao quyền cho bà L trong mua bán hàng hoá theo hợp đồng. Hơn nữa, trong thực tế chỉ các trường hợp khi làm hồ sơ giao dịch với các cơ quan pháp luật hoặc phía đối tác yêu cầu thủ tục cần thiết, thì mới có văn bản uỷ của chồng là giám đốc cho vợ thực hiện những công việc nhất định.

Với cơ sở phân tích nêu trên cho thấy, bà L thực hiện nhân danh công ty T.TH có sự chấp thuận của giám đốc công ty T.TH, do đó đây là tranh chấp giữa các bên có đăng ký kinh doanh.

Như vậy, theo khoản 1 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 có cơ sở cho thấy, đây là tranh chấp hợp đồng kinh doanh, thương mại và công ty T.TH phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền hàng còn thiếu chưa trả cho Công ty SĐ.

b/ Quan điểm cho rằng, đây chỉ là tranh chấp dân sự trong hợp đồng mua bán hàng hoá, bởi vì:
Bà L chỉ là nhân viên của Công Ty TNHH - T.TH.

Bà L không được ông N giám đốc Công ty TNHH - T.TH uỷ quyền trong giao dịch, trong mua bán hàng hoá.

Tuy công ty T.TH ký hợp đồng mua bán hàng hoá nhưng chỉ là hợp đồng nguyên tắc và mọi hoạt động mua bán hàng hoá không cụ thể loại hàng và giá trị hàng hoá. Việc này hoàn toàn do bà L quyết định.

Việc sử dụng con dấu của công ty T.TH là do bà L tự lấy sử dụng khi đối chiếu công nợ. Công ty T.TH có khuyết điểm trong quản lý con dấu của Công ty, hoàn toàn không phải từ đó mà suy luận là công ty T.TH tham gia giao dịch với công ty SĐ.

Bà L nhận hàng hoá không phải dựa trên hợp đồng ký kết giữa công ty SĐ và Công ty T.TH. Quá trình giao dịch về hàng hoá và giá cả đều do bà L thoả thuận thanh toán với công ty SĐ với từng loại hàng hoá cụ thể và không sử dụng tài khoản của Công ty T.TH để thanh toán.

Việc giao dịch hàng hoá giữa công ty SĐ và bà L có thể coi là hình thức giao dịch dựa trên có sở thoả thuận bằng lời nói và dựa trên hành vi giao dịch thực tế.

Theo Điều 119 Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015. Hình thức giao dịch dân sự: giữa công ty SĐ và bà L là dựa trên lời nói và hành vi mua bán, thanh toán hàng hoá. Bà L đã vi phạm nghĩa vụ khi mua hàng hoá phải trả tiền. Theo Điều 440 BLDS năm 2015 nhận hàng nhưng người nhận hàng đã vi phạm nghĩa vụ không trả tiền, nên công ty SĐ cần khởi kiện dân sự đối với bà L. Nếu bà L vắng mặt… thì theo Điều 381 công ty SĐ làm đơn yêu cầu Toà án và theo Điều 383, 385 BLTTDS năm 2015 Toà án ra quyết định truy tìm người vắng mặt… Do đó, việc nợ lại 396 triệu đồng của công ty SĐ thì bà L chịu trách nhiệm cá nhân, chứ không liên quan gì đến công ty TNHH -T.TH.

Với căn cứ nêu trên, thì việc bà L không thanh toán tiền mua hàng không coi đây là tranh chấp kinh doanh, thương mại vì bà L không là thương nhân – không có đăng ký kinh doanh. Công ty SĐ khởi kiện bà L với tư cách là tranh chấp dân sự đòi nợ tiền mua bán hàng hoá, buộc bà L phải có trách nhiệm, nghĩa vụ thanh toán…..Theo Điều 440 BLDS năm 2015.

c/ Quan điểm cho rằng, có thể xử lý hình sự đối với bà L nếu bà L cố tình trốn tránh trả nợ nhằm chiếm đoạt số tiền của công ty SĐ.
Với nội dung mua bán hàng hoá nêu trên, bà L cố tình trốn tránh, do việc kinh doanh khó khăn hoặc tuy có điều kiện hoàn trả số tiền 396 triệu đồng mà cố tình bỏ trốn để chiếm đoạt, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) theo Điều 175 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Điều 175 BLHS quy định:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;…

Quan điểm của tác giả, căn cứ theo khoản 1 và khoản 8 Điều 3; Điều 24; khoản 1 Điều 50 và khoản 1 Điều 55 Luật Thương mại năm 2005; khoản 1 Điều 30, khoản 1 Điều 35 BLTTDS năm 2015 thì tranh chấp trên đây phải coi là vụ tranh chấp kinh doanh, thương mại như các cơ sở lập luận nêu trên. Do đó, công ty TNHH – T.TH có trách nhiệm trả số tiền 396 triệu đồng cho công ty TNHH SĐ.

Trên đây là quan điểm cá nhân chúng tôi, rất mong được trao đổi cùng bạn đọc nhằm nâng cao nghiệp vụ trong quá trình giải quyết các tranh chấp kinh doanh thương mại và tranh chấp dân sự trong thực tiễn.

Tài liệu tham khảo
1. Bộ Luật Dân sự số 91/2015/QH13 – Ban hành ngày 24/11/2015

2. Bộ Luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 - Ban hành ngày 25/11/2015

3. Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH13 - Ban hành ngày 27/11/2015

4. Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 - Ban hành ngày 17/6/2020 (sửa đổi bổ sung năm 2022)

5. Luật Thương mại số 36/2005/QH11 - Ban hành ngày 14/6/2005

6. Trường Đại học Luật Hà Nội – Giáo trình Luật Thương Mại Việt Nam tập 2. Nxb Tư pháp HN (2022)

7. Lưu Thị Bích Hạnh, Một số bất cập của Luật Doanh nghiệp năm 2020 Về người đại diện theo pháp luật, Tạp chí Toà án,11, 6 (2022)

8. Nguyễn Ngọc Khánh – Chế độ hợp đồng trong BLDS Nxb Tư Pháp tr 224 (2007)

9. Đỗ Văn Quân, Nhận diện một số sai sót trong xét xử các tranh chấp kinh doanh, thương mại, Tạp chí Toà án, 8, tháng 4 (2023)

10. Nguyễn Minh Quốc Việt, Một số vướng mắc bất cập khi giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại và kiến nghị hoàn thiện, Tạp chí Toà án, 13, tháng 7 (2022)

11. Bản án số 15/2017 ngày 11/9/2018 KDTM/ST của TAND tp Thanh Hoá

12. Bản án số 12/2018/KDTM/PT ngày 6/11/2018 của TAND tỉnh Thanh Hoá về tranh chấp hợp đồng thương mại

* LS.TS Lê Đăng Doanh - Nguyên giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội. Email: ledoanhhs@gmail.com

[1] Điều 385 BLDS năm 2015

[2] Khoản 1 Điều 3 Luật thương mại năm 2005

[3] Vụ án này đã được xét xử sơ thẩm và phúc thẩm năm 2018 mà cá nhân chúng tôi là người đại diện uỷ quyền.