Những tác động “nặng nề” của dịch COVID-19 tới thị trường bất động sản nghỉ dưỡng
Sự phát triển nhanh và mạnh các dự án bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian qua đã đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch, với tốc độ tăng trưởng du khách lên đến khoảng 30%/năm đối với khách du lịch nội địa và khoảng 15%/năm đối với khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, giờ đây, khi đại dịch COVID-19 quét qua, không chỉ ngành du lịch chịu ảnh hưởng tiêu cực mà bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Vì dịch bệnh mà cả nước gần như “trắng” khách quốc tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 chỉ đạt 3,8 triệu lượt người, giảm 78,7% so với năm 2019. Tính chung 10 tháng của năm 2021, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 125.000 lượt người, giảm 96,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh đó, khách nội địa là nguồn thu quan trọng nhất để duy trì hoạt động của các khách sạn, khu du lịch. Song, cứ mỗi lần có chút tín hiệu vui thì lại gặp phải đợt bùng phát COVID-19 khiến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng chưa kịp hồi sức lại nguội lạnh.
Cùng với đó, hoạt động du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác (MICE) và kinh doanh sự kiện ở các khu du lịch cũng bị tạm dừng do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Từ thực tế khó khăn trên, cộng với các vướng mắc về pháp lý cho bất động sản nghỉ dưỡng chưa được tháo gỡ nên tâm lý người mua còn e dè, chưa tin tưởng để xuống tiền đầu tư. Nhiều khách sạn, khu du lịch đã và đang phải đóng cửa. Một số thì hoạt động cầm chừng với công suất trung bình là 20-30%. Lượng dự án khách sạn, bất động sản nghỉ dưỡng cần bán rất nhiều. Bởi vậy, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đã kém hiệu quả lại càng thêm yếu sức trong việc thu hút nhà đầu tư.
Thống kê của Hội Môi giới bất động sản cho thấy, trong năm 2020, lượng condotel bán trên thị trường sản phẩm chủ yếu là hàng tồn với hơn 18.000 sản phẩm. Thị trường giao dịch gần như đóng băng, cả năm mới tiêu thụ được khoảng 120 sản phẩm. Lượng cung biệt thự nghỉ dưỡng, villas, shophouse năm 2020 đạt gần 15.000 căn. Tỷ lệ hấp thụ cũng chỉ xấp xỉ 8%, trong những tháng đầu năm 2021, sức cầu chung của thị trường tiếp tục thấp.
Từ cuối quý 3 đến nay, khi giãn cách xã hội được nới lỏng, thị trường đã có nhiều tín hiệu khả quan hơn. Mặc dù gần như tê liệt vì giãn cách, nhiều cơ sở du lịch không có doanh thu, song lượng sản phẩm đang chào bán trên thị trường trong quý 3 đạt 7.206 sản phẩm, giao dịch đạt 2.280 sản phẩm, tương đương tỉ lệ hấp thụ 31,6%. Một số tỉnh, thành ghi nhận có sản phẩm chào bán nhiều gồm: Đà Nẵng, Phú Quốc, Quảng Nam, Quảng Ninh, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Thanh Hóa…
Kiến tạo các dự án nghỉ dưỡng độc đáo để thu hút khách hàng
Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và phát triển DKRA Việt Nam, giao dịch tập trung chủ yếu ở các dự án có hệ sinh thái, đầy đủ tiện ích, tạo ra được sự độc đáo, khác biệt đang trong quá trình chuẩn bị bàn giao; những dự án có tiến độ xây dựng tốt, sắp sửa được đưa vào hoạt động và những dự án được vận hành bởi các thương hiệu quốc tế. Với những dự án như vậy, người mua cảm giác an toàn hơn do có tiềm năng về triển vọng trong việc khai thác, tạo sức hút du khách. Những dự án này thường nằm ở các địa phương có thế mạnh vượt trội về du lịch như: Phú Quốc, Quảng Nam, Khánh Hoà, Quảng Ninh…
Nhiều ý kiến cũng cho rằng tạo dựng những yếu tố độc đáo, đa dạng hoá tiện ích là xu hướng tất yếu của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. “Trên thực tế, dù phần lớn các dự án bất động sản nghỉ dưỡng đều nằm ở vị trí ven biển hoặc những nơi có view đẹp, nhưng nếu chỉ dừng lại ở yếu tố địa lợi này thì dự án giờ đây sẽ không đủ sức hấp dẫn du khách cũng như các nhà đầu tư. Yêu cầu của khách hàng, nhất là khách quốc tế nhìn chung ngày càng cao, đặc biệt là qua các đợt bùng phát của dịch bệnh COVID-19. Họ có xu hướng ít lựa chọn đầu tư, hay sử dụng sản phẩm tại một dự án chỉ đơn thuần là địa điểm nghỉ ngơi, ngắm cảnh, mà sẽ tìm đến những nơi vừa được nghỉ dưỡng, đáp ứng nhu cầu khám phá, vui chơi giải trí, mua sắm, chăm sóc sức khoẻ, sắc đẹp, tìm hiểu văn hoá bản địa…”, chị Lê Lan, một nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết.
Trước xu hướng này, nhiều chủ đầu tư cũng đã linh hoạt chuyển đổi nhằm thích ứng với bối cảnh mới, đồng thời khai thác hiệu quả những quỹ đất đẹp cũng như thu hút đầu tư, níu chân du khách ở lại dài ngày và chi tiêu nhiều hơn. Các dự án ngày càng chú trọng vào thiết kế, cung cấp đa dạng dịch vụ, bao gồm: vui chơi giải trí, chăm sóc sức khoẻ, sắc đẹp, đáp ứng nhu cầu khám phá, trải nghiệm văn hoá bản địa…
Nhờ đó, đã thu hút đông đảo người mua ngay khi nới lỏng giãn cách xã hội. Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư khác trên thị trường cũng đã chủ động áp dụng các giải pháp thực hiện kế hoạch kinh doanh để thích ứng với hình thức mới. Thúc đẩy và tập trung phát triển nội địa, chuẩn bị mọi điều kiện, nguồn lực để đảm bảo sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế khi dịch bệnh được kiểm soát.
“Có thể nói, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn là dòng sản phẩm được các nhà đầu tư quan tâm và tìm kiếm đầu tư. Đặc biệt là các sản phẩm đa tiện ích, có pháp lý đầy đủ, rõ ràng, đáp ứng được các điều kiện và tiêu chuẩn về môi trường du lịch, nghỉ dưỡng, được đầu tư tốt về hạ tầng, vị trí giao thông thuận lợi và được đầu tư bởi các chủ đầu tư có uy tín cao trên thị trường. Bên cạnh đó, dù khó khăn đang hiện hữu nhưng nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng đang tìm cách tiếp cận vào lĩnh vực này vì kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc trở lại. Người mua phục vụ nhu cầu thật cũng vẫn luôn tin tưởng vào sự phát triển kinh tế du lịch ở Việt Nam sẽ cất cách và thăng hoa vào những năm tới”, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản nhận định.