“Bắt mạch” thị trường qua lời đồn
Vào cuối tháng 3.2022, trong cơn thoái trào của cơn sốt đất tại Quảng Trị, chị Nguyễn Thị Nhị, (huyện Hải Lăng) đã quyết định xuống tiền mua một lô đất tại xã Cam Thành, huyện Cam Lộ với giá 1,56 tỉ đồng với lời khẳng định của môi giới rằng đây là lô đất cực kỳ tiềm năng và mức giá này là hoàn toàn hợp lý để đầu tư. Và cũng vì những lời hứa hẹn của của môi giới, chưa đầy 15 ngày sau, chị tiếp tục đầu tư thêm một lô đất cách đó tầm 100m, với giá “cắt lỗ” là 1,48 tỉ đồng.
Cả hai lô đất này đều được môi giới đảm bảo “mua là có lời”, chỉ cần đợi hệ thống ngân hàng giải ngân nguồn vốn vay trở lại thì sẽ bán được với giá rất cao. Tuy nhiên, đến nay, sau 3 tháng gồng mình gánh lãi, chị không thấy tiềm năng ở đâu, lời lãi ở đâu, chỉ có những khoản lãi chồng lãi hàng tháng là điều có thật.
“Lúc vay tiền đầu tư, tôi có tham khảo qua một số bạn bè làm bất động sản. Người ta nói với tôi, chỉ cần tới tháng 6, khi hệ thống ngân hàng nới lỏng tín dụng, thị trường đất đai sẽ lại nóng sốt. Đây là thời điểm vàng để tôi đầu tư với giá rẻ hơn từ 100-200 triệu đồng mỗi lô”, chị Nhị chia sẻ thêm.
Trường hợp của chị Nhị không phải là cá biệt. Vào thời điểm đất đai rớt giá, nhiều người đã “chớp thời cơ” để được mua rẻ và siêu rẻ. Bên cạnh những nhà đầu tư có tiềm lực cũng có rất nhiều người chấp nhận chịu lãi để chờ thời cơ.
Thế nhưng, đời thực sự không như là mơ, nhất là khi các nhà đầu tư tay ngang thiếu kinh nghiệm bước vào cuộc thoái trào của thị trường bất động sản nóng sốt bất thường. Việc chờ đợi sự hồi phục của giá nhà đất thời điểm này là hết sức mông lung, đặc biệt là với những khu vực đã xuất hiện bong bóng.
Quan sát và nghiên cứu kỹ thị trường
Trên thực tế, với diễn biến thị trường bất động sản thời gian vừa qua thì hiện tượng bán cắt lỗ đang diễn ra ngày một nhiều hơn. Tình trạng này diễn ra chủ yếu từ những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính lớn, ôm đất vị trí xấu và lo thị trường sẽ còn giảm sâu.
Đơn cử như trường hợp của anh Nguyễn Thái Dương, nhà đầu tư từ Hà Nội. Tháng 4.2022, cầm trong tay 2 tỉ đồng, anh đã xuống tiền mua mảnh đất rộng 200m2 tại huyện Quảng Trạch. Thời điểm đó, thị trường đất đai khu vực này trở nên nóng bỏng, thu hút nhiều nhà đầu tư.
“Lúc tôi mua thị trường vẫn đang rất sôi động, thậm chí tăng giá mạnh. Nghĩ rằng sẽ trúng mánh lớn từ mảnh đất này nên dù có người trả cao nhưng tôi vẫn không bán. Vậy mà chỉ chưa đầy 20 ngày sau, thị trường nguội lạnh dần, tôi bắt đầu lo sợ và rao bán với mức chênh lệch không lớn”, anh Dương nói.
Đáng tiếc, đến thời điểm này, dù đã chấp nhận bán lỗ tới gần 200 triệu đồng nhưng mảnh đất “tiềm năng” ấy vẫn chưa có người mua.
Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc EZ, cho biết những nhà đầu tư lướt sóng hiện nay đang gặp khó vì không có thanh khoản. Thị trường bất động sản trong những tháng vừa qua lộ rõ sự lao dốc và sẽ càng ngày càng rõ ràng hơn.
Theo ông Toản, nếu các ngân hàng không nới room tín dụng cho bất động sản thì thị trường sẽ còn khó khăn từ nay đến cuối năm. Dòng tiền chảy vào bất động sản sẽ co hẹp lại.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng sẽ không có chuyện nới lỏng, bởi từ trước đến nay, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đều có cảnh báo nhiều lần về câu chuyện sử dụng đòn bẩy tài chính quá nhiều để đầu tư bất động sản.
Ông Thịnh cũng chỉ ra rằng, việc nhiều người hy vọng giá bất động sản sẽ quay đầu tăng trở lại là rất khó bởi một số phân khúc hiện nay giá đã neo ở mức cao. Và cơ quan quản lý sẽ phải có những biện pháp tích cực để làm thị trường lành mạnh hơn.
Chính vì lẽ đó, thời điểm này, nhà đầu tư bên cạnh việc cân nhắc về tài chính, tránh phải ôm nợ lâu dài, cũng cần nghiên cứu thật kỹ thị trường để có quyết định đầu tư đúng đắn, ít “đau thương” nhất.