Ông cho rằng, hiện có 4 xu hướng chính trong chuyển đổi số du lịch. Đầu tiên là xu hướng du lịch thông minh đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa, trải nghiệm sâu, đặt ra yêu cầu số hóa hệ thống dữ liệu lớn về điểm đến và sản phẩm du lịch và các cơ sở cung ứng dịch vụ theo chuỗi giá trị. Đồng thời đòi hỏi những ứng dụng số thông minh và các hiệu ứng độc đáo để có lời giải tối ưu nhất cho từng nhóm nhu cầu rất riêng của từng khách du lịch.
Thứ hai là xu hướng du lịch chủ động từ phía khách du lịch. Du khách chủ động tham gia và thụ hưởng chuỗi giá trị du lịch, điều này tạo ra sự tương tác nhiều chiều với nhiều đối tượng, chủ thể trong ngành du lịch. Vì vậy cần tạo ra những ứng dụng, giải pháp thân thiện, dễ sử dụng, mang tính ứng dụng cao để du khách tham gia.
Thứ ba là xu hướng liên minh, liên kết, phát huy cơ chế kinh tế chia sẻ đang nổi lên trong ngành du lịch. Nhu cầu liên kết giữa các bên cung ứng là rất lớn, xuất phát từ nhu cầu liên kết chia sẻ chi phí, doanh thu, dịch vụ… tạo ra các giải pháp ứng dụng số trong cung ứng, tiêu dùng dịch vụ du lịch như các loại thẻ du lịch thông minh, ứng dụng chia sẻ kỳ nghỉ…
Thứ tư là xu hướng khuếch trương cực đại cảm xúc trong trải nghiệm du lịch. Đây là một trong những nhu cầu tự nhiên của con người khi đi du lịch, mong muốn có những trải nghiệm độc đáo, vượt trên thực tế. Đó chính là công nghệ thực tế ảo, chuyển đổi số cần hướng tới ứng dụng tương tác hiệu quả giữa thế giới thực và thế giới ảo.
Để hướng tới sự phát triển du lịch sau dịch COVID-19, công nghệ số giữ vai trò quan trọng. Về phía cơ quan quản lý ngành Du lịch, Tổng cục Du lịch đang chuẩn bị triển khai Dự án chuyển đổi số trong ngành Du lịch, mục tiêu hình thành trục liên thông kết nối thông tin quản lý từ Trung ương đến địa phương và cơ sở dịch vụ, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch, sàn giao dịch điện tử kết nối doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và khách du lịch.