Nóng: Khởi tố vụ án và khám xét “Tịnh thất Bồng Lai”

Ngày 4/1, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Long An đã đến khám xét và tống đạt quyết định khởi tố vụ án liên quan đến những lùm xùm tại "Tịnh thất Bồng Lai".

Trao đổi với PV, lãnh đạo Công an tỉnh Long An cho biết, cơ quan này đã ra quyết định khởi tố vụ án lợi dụng hoạt động tôn giáo, từ thiện để trục lợi xảy ra tại "Tịnh thất Bồng Lai" và sau này được đổi thành "Thiền am bên bờ vũ trụ".

"Hiện cơ quan điều tra đang phong tỏa Tịnh thất Bồng Lai để lấy lời khai những người liên quan, đồng thời thu giữ những tài liệu liên quan. Vụ việc đang được điều tra, hiện chưa khởi tố ông Lê Tùng Vân và những cá nhân có liên quan như thông tin trên mạng xã hội" - lãnh đạo công an tỉnh Long An thông tin.

11

Hình ảnh cơ quan chức năng rời đi sau khi làm việc với người của "Tịnh thất Bồng Lai". 

 "Tịnh thất Bồng Lai" (sau tự đổi tên là "Thiền am bên bờ vũ trụ"), tọa lạc xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Một địa điểm tâm linh tự xưng làm xôn xao dư luận trong vùng thời gian qua. Cơ sở này gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của tổ chức Phật giáo và an ninh trật tự tại địa phương.

Qua xác minh, cơ sở "Tịnh thất Bồng Lai" thực chất là cơ sở gia đình riêng, do bà Cao Thị Cúc (hộ khẩu thường trú tại ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) xây dựng, sau đó tự ý chuyển tượng Phật, đồ thờ cúng vào, biến nơi này thành cơ sở thờ tự bất hợp pháp.

Chủ trì tại nơi tự xưng là "Tịnh thất Bồng Lai" này là ông Lê Tùng Vân (SN 1932; hộ khẩu thường trú tại phường 10, quận 6, TP Hồ Chí Minh, chuyển về đây sinh sống cùng nhà với bà Cúc từ năm 2015), người tự xưng là Hòa Thượng, nhưng theo các cơ quan chức năng tỉnh Long An, đây chỉ là hình thức giả sư.

Ông Lê Tùng Vân tự nhận là Hoà thượng Thích Tâm Đức hay “thầy ông nội”. Tại ngôi nhà có căn thờ Phật như một chánh điện của tu viện Phật giáo. Phần lớn người sinh sống ở đây cắt tóc ngắn, mặc áo tương tự nhà sư, tự xưng là thầy, sư cô, hoà thượng, chú tiểu… Họ tổ chức sinh hoạt như một tu viện Phật giáo; làm nhiều clip đăng tải trên mạng tự nhận là chùa, tịnh thất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đầu tháng 11/2021, chính quyền tỉnh Long An có kết luận khẳng định: "Tịnh thất Bồng Lai" không phải là tu viện hợp pháp do Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An quản lý. Những người đang sống và sinh hoạt tại đây không phải là tu sĩ Phật giáo và có dấu hiệu lợi dụng hình thức tu sĩ Phật giáo để kêu gọi lòng tốt của của tín đồ Phật giáo.

12

Cơ quan Công an nhiều lần làm việc với những người trong hộ gia đình bà Cúc về việc làm mất an ninh trật tự. 

Hiện tại “Tịnh thất Bồng Lai” có 18 người sinh sống như đại gia đình. Nuôi 8 trẻ em, trong đó có 6 trẻ sống cùng mẹ ruột, 2 trẻ nhận nuôi từ năm 2019 đến nay. Tuy nhiên, việc lập hồ sơ nhận con nuôi còn nhiều tình tiết chưa đảm bảo quy định pháp luật.

Thời gian qua, nơi đây lợi dụng danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi, cơ nhỡ không nơi nương tựa để kêu gọi lòng tốt của mọi người trong và ngoài nước giúp đỡ, trục lợi cá nhân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, dư luận xã hội.

Trong nhiều năm qua, "Tịnh thất Bồng Lai" nhận rất nhiều khoản hỗ trợ từ thiện của bà con trong và ngoài nước dành cho những đứa trẻ mang danh mồ côi, dù những người ở đây sống chung nhà nhưng không nhận làm mẹ con, cha con, ông cháu. "Tịnh thất Bồng Lai" liên tục cho những em nhỏ được nuôi dưỡng tại đây đi tham gia các cuộc thi thi hát Bolero, "Thách thức danh hài"… Tất cả đều giới thiệu là trẻ mồ côi.

Trao đổi với báo chí vào tháng 11/2021, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Tiến Trọng khẳng định, vụ việc cơ sở tịnh thất Bồng Lai có dấu hiệu của việc lợi dụng tôn giáo để trục lợi./.