Phát triển tài sản trí tuệ ở địa phương: Những lời giải mới

Việc áp dụng sáng kiến của địa phương, kết hợp với hoàn thiện các chính sách mới về SHTT được nhiều người kỳ vọng sẽ giải quyết “điểm nghẽn” trong khai thác tài sản trí tuệ - bài toán lớn mà các địa phương đang phải đối mặt.

Đây là một trong những nội dung được bàn thảo trong Hội nghị Sở hữu trí tuệ (SHTT) toàn quốc diễn ra ngày 17/3 vừa qua tại Bắc Giang. Điểm đặc biệt đầu tiên của hội nghị có lẽ nằm ở chính nơi tổ chức. “Bắc Giang là địa phương có hoạt động SHTT tích cực, hiệu quả, là điểm sáng của ngành trong nhiều năm qua với nhiều tài sản trí tuệ có giá trị lớn gắn liền với các đặc sản địa phương như vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, rượu làng Vân,...”, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt trong hội nghị. Điều này cũng thể hiện rõ qua số lượng văn bằng bảo hộ các tài sản trí tuệ mà tỉnh Bắc Giang đạt được: “Hiện tại, tỉnh Bắc Giang có 2288 đơn đăng ký và đã được Cục SHTT (Bộ KH&CN) cấp 1180 văn bằng bảo hộ độc quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ - được xem là nhiều nhất cả nước”, ông Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang báo cáo.

c45a1-hoi-thao-shtt-bac-giang-1648179286.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang giới thiệu với Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt sản phẩm trà hoa vàng – một trong những thương hiệu tiêu biểu của Bắc Giang trong khuôn khổ hội nghị SHTT toàn quốc 2022. Ảnh: TA

Việc có được tài sản trí tuệ đã khó, song để thương mại hóa thành công lại càng gian nan hơn. Bài toán trên không chỉ đặt ra với Bắc Giang mà nhiều địa phương khác, ngay cả những vùng trung tâm như TP HCM cũng đang loay hoay tìm lời giải. “Trong giai đoạn 2016-2019, Sở KH&CN TP. HCM nghiệm thu khoảng hơn 40 nhiệm vụ/năm, trung bình tiềm năng của mỗi nhiệm vụ có ít nhất một tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, việc ứng dụng các kết quả vào thực tế còn gặp rất nhiều khó khăn”, theo bài trình bày của bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung, quyền trưởng phòng quản lý SHTT (Sở KH&CN TP. HCM).

Tình trạng này không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn ảnh hưởng đến việc phát triển thị trường KH&CN ở Việt Nam. “Lâu nay chúng ta cứ đau đáu về việc nghiên cứu xong để ngăn kéo, trong khi thực tế, chỉ có gần 14% doanh nghiệp tìm đến viện trường khi cần đổi mới công nghệ, còn 86% chạy đến chỗ khác (theo kết quả khảo sát đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp thuộc dự án FIRST-NASATI thực hiện năm 2018)”, TS. Tạ Bá Hưng, Chủ nhiệm Ban điều hành Chương trình Phát triển thị trường KH&CN (2075) nhận xét trong hội thảo tổng kết Chương trình 2075 vào cuối năm 2020.

Gỡ nút thắt trong chuyển giao kết quả nghiên cứu

Thực ra vướng mắc trong thương mại hóa tài sản trí tuệ đã tồn tại từ lâu. Một trong những nguyên nhân chính là do quy định về quyền đăng ký bảo hộ các kết quả từ đề tài sử dụng ngân sách nhà nước chưa tạo động lực cho thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Cụ thể, các đơn vị chủ trì chỉ có thể tiến hành đăng ký bảo hộ (dưới dạng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí) khi được nhà nước giao quyền. Thủ tục này phức tạp và tốn nhiều thời gian, nên “các nhóm nghiên cứu không thiết tha mặn nồng gì với chuyện này”, bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung giải thích. “Khi chúng tôi yêu cầu đăng kí sáng chế, họ làm rất sơ sài, ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng đơn. Bởi lẽ họ cho rằng bí quyết công nghệ nằm trong đầu họ rồi, trong khi đó quyền sở hữu lại do cơ quan nhà nước đứng tên”.

Những phản ánh của các địa phương đã được các cơ quan quản lý SHTT ở Trung ương lắng nghe, và tìm cách giải quyết thông qua dự thảo Luật SHTT sửa đổi dự kiến trình Quốc hội thông qua vào tháng năm tới. “Một trong những nội dung sửa đổi quan trọng trong dự thảo Luật SHTT có nhiều tác động đến các địa phương chính là chuyển giao tự động quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí”, Phó Cục trưởng Cục SHTT Trần Lê Hồng cho biết. “Về nguyên tắc, các đối tượng này sẽ được chuyển giao miễn phí, tự động, không cần bất cứ thủ tục nào theo Luật KH&CN, chỉ cần xác định là những đối tượng có khả năng đăng kí thì lập tức được chuyển giao cho đơn vị chủ trì nghiên cứu”.

Có thể thấy rõ sức lan tỏa của quy định này qua sự tán thành của các đại biểu có mặt trong hội thảo. “Đây là hướng đi đúng đắn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Ngay khi biết thông tin trên, các nhà khoa học đều rất phấn khởi, họ cho rằng đây là việc phải làm từ lâu”, bà Nhung nói.

Mặc dù khơi thông điểm nghẽn giao quyền, song liệu quy định mới có thể dẫn đến tình trạng “lạm quyền” trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu? Để giải quyết những lo ngại này, một số địa phương đã có những sáng kiến riêng, tiêu biểu như Sở KH&CN TP.HCM đã xây dựng một quy trình quản lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học. “Đây vốn là tài sản công, nếu không có cơ chế quản lý chặt chẽ có thể dẫn đến tình trạng không tôn trọng quyền SHTT, tự ý sử dụng kết quả nghiên cứu để xin kinh phí hỗ trợ từ nơi khác - trên thực tế đã xảy ra rồi, hoặc có trường hợp tự ý đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ thành của riêng mình”, bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung nói. Do vậy, “chúng tôi đã xây dựng quy trình chín bước, từ đăng ký thực hiện nhiệm vụ cho đến những bước cuối cùng là nghiệm thu, thanh lý hợp đồng và quản lý tài sản trí tuệ, và bám sát từng bước để hỗ trợ kịp thời cũng như tránh rủi ro thất thoát”.

Nhiều địa phương khác từng gặp phải vấn đề tương tự cũng mong muốn học hỏi mô hình này. “Tôi rất tán thành giải pháp của Sở KH&CN TP HCM. Theo tôi, chúng ta cần có quy chế hướng dẫn các địa phương thực hiện theo mô hình điểm này. Bởi lẽ Sở KH&CN Thừa Thiên Huế, cũng như nhiều địa phương khác cũng đang gặp lúng túng trong việc quản lý tài sản trí tuệ hình thành từ kết quả nghiên cứu”, ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN Thừa Thiên Huế bày tỏ.

Tăng cường khai thác sản phẩm chủ lực của địa phương

Bên cạnh những điểm sáng về thương mại hóa kết quả nghiên cứu, bức tranh về phát triển tài sản trí tuệ gắn với sản phẩm địa phương - chủ yếu là chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, lại có phần ảm đạm hơn. Với lợi thế phát triển nông nghiệp, hầu như tỉnh thành nào ở Việt Nam cũng có những sản phẩm đặc trưng riêng, thậm chí trở thành thương hiệu nổi tiếng như vải thiều Lục Ngạn, cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc,... Để khai thác giá trị của những sản phẩm này, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình quốc gia như Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chương trình phát triển tài sản trí tuệ,...

Mặc dù là yếu tố cốt lõi song “SHTT vẫn là điểm yếu trong phát triển các sản phẩm chủ lực”, TS. Đào Đức Huấn, Trưởng phòng quản lý quốc gia về chương trình OCOP nhận xét trong hội nghị. “Chẳng hạn như với các sản phẩm OCOP, các tiêu chí đánh giá đều liên quan trực tiếp SHTT. Thứ nhất, sản phẩm phải gắn với câu chuyện để tiếp cận thị trường. Một trong những điều quan trọng nhất để tạo nên giá trị của các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận là phải hình thành các câu chuyện, khai thác những giá trị văn hóa bản địa, văn hóa cộng đồng để đưa vào sản phẩm. Tiêu chí thứ hai là ghi nhãn sản phẩm, liên quan đến nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp. Thứ ba là việc áp dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo để phát triển các sản phẩm mới, hoặc nâng cao giá trị sản phẩm, đây là phần về sáng chế hoặc giải pháp hữu ích. Tuy nhiên, khi tham gia đánh giá phân hạng các sản phẩm OCOP, chúng tôi thấy rằng yếu tố SHTT không được quan tâm đến nhiều, đây là một trong những điểm yếu có thể gây ra hậu quả rất lớn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã khi tiếp cận thị trường”.

Sự thờ ơ của những người trong cuộc đã dẫn đến tình trạng nhiều nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ xong rồi “để đấy”. “Rất nhiều câu chuyện xảy ra, chẳng hạn giữa thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột, dù đã có chỉ dẫn địa lý cho cà phê nhưng nhiều doanh nghiệp nơi đây không quan tâm, họ chỉ sử dụng nhãn hiệu riêng của mình, vừa gây lãng phí chỉ dẫn địa lý, vừa dẫn đến xung đột về thị trường”, ông Huấn nói. Đây cũng là vấn đề khiến nhiều địa phương “đau đầu” bấy lâu nay: “Khi khảo sát tình hình phát triển các nhãn hiệu nông sản địa phương, chúng tôi thấy rằng hơn ⅔ các nhãn hiệu này không còn được sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả”, bà Hoàng Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh An Giang chia sẻ trong một hội thảo về khai thác thương hiệu nông sản từ năm 2019.

Làm thế nào để thoát khỏi quyết tình trạng này là câu hỏi mà tất cả địa phương đang muốn tìm câu trả lời. Theo các chuyên gia trong hội thảo, một trong những giải pháp mấu chốt là tăng cường sự tham gia của người sản xuất. “Các hợp tác xã, doanh nghiệp,... là chủ thể trực tiếp khai thác các tài sản này, do vậy đây là đối tượng chúng ta cần phải hướng đến, thông qua việc đẩy mạnh các chương trình đào tạo tập huấn về SHTT, cũng như xây dựng kế hoạch hỗ trợ họ khai thác các giá trị văn hóa để phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP”, TS. Đào Đức Huấn nói.