Thông tin tới báo chí, ông Dương Viết Roãn, Giám đốc PMU Thăng Long cho biết, hiện Bộ Kế hoạch và đầu tư đang chủ trì thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 Tp. Hà Nội, trong đó có công trình cầu Hồng Hà bắc qua sông Hồng nối huyện Đan Phượng và huyện Mê Linh (Tp Hà Nội).
Do Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 Tp Hà Nội có quy mô lớn, vốn đầu cao nên việc đầu tư công trình bằng nhiều nguồn vốn như vốn đầu tư công, ODA, PPP để Dự án được xây dựng đồng bộ, sớm đưa vào khai thác đem lại hiệu quả về kinh tế xã hội là rất cần thiết.
“Qua trao đổi, PMU Thăng Long được biết hiện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản – JICA và một số nhà tài trợ khác rất quan tâm tới Dự án thành phần cầu Hồng Hà”, ông Roãn thông tin.
PMU Thăng Long là một trong số 8 ban quản lý dự án chuyên nghiệp thuộc Bộ GTVT. PMU Thăng Long đã từng quản lý một loạt các dự án hạ tầng lớn trên địa bàn Hà Nội như: cầu Thăng Long, Thanh Trì, đường vành đai 3, cầu Vĩnh Thịnh… bằng các nguồn vốn ODA Nhật Bản và Hàn Quốc.
Cầu Hồng Hà là một trong những mắt xích quan trọng trong tuyến đường Vành đai 4 Hà Nội. Quy hoạch vị trí cầu Hồng Hà nằm phía Bắc cầu tại xã Văn Khê, huyện Mê Linh; phía Nam cầu tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng.
Cầu có tổng chiều dài khoảng 6 km (bao gồm cả đường dẫn 2 đầu cầu), tổng mức đầu tư ước khoảng 10.000 tỷ đồng. Sau khi cầu Hồng Hà được thực hiện sẽ giảm tải trực tiếp mật độ qua lại của cầu Thăng Long và cầu Thượng Cát, rút ngắn thời gian kết nối, tăng cường việc giao thương của Phía Tây Hà Nội và các tỉnh tiếp giáp.
Vào cuối tháng 8/2021, UBND Tp Hà Nội đã có Tờ trình số 173/TTr – UBND về việc trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội.
Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 111,2 km, gồm 102,2 km đường vành đai 4 và 9 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài – Hạ Long. Dự án đi qua địa phận Tp Hà Nội (58,2 km); Hưng Yên (dài 19,8 km); Bắc Ninh (24,2 km và tuyến nối 9 km). UBND Tp Hà Nội đề nghị chia Dự án thành 3 dự án thành phần.
Trong đó, Dự án thành phần 1 – công tác GPMB với tổng mức đầu tư khoảng 24.242 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và ngân sách địa phương; Dự án thành phần 2 – xây dựng đường đô thị, đường song hành với tổng mức đầu tư khoảng 9.399 tỷ đồng, dự kiến sử dụng ngân sách địa phương; Dự án thành phần 3 – đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc đi trên với tổng mức đầu tư khoảng 60.486 tỷ đồng, dự kiến đầu tư theo hình thức PPP (vốn Nhà nước góp 55%, vốn tư nhân góp 45%).