Quảng Ninh: Giải ngân đầu tư công không như dự kiến, có chủ đầu tư đạt 0%

Mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của Quảng Ninh đến ngày 31.8 đạt 50% kế hoạch đã không hoàn thành như dự kiến. Do đó, đến ngày 30.9, mục tiêu đạt 80% kế hoạch vốn năm 2023 là khó đạt được.
giai-ngan-dau-tu-cong-khong-nhu-du-kien-pld-1695137414.jpg
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Báo Đầu tư

Tính đến ngày 8.9.2023, tổng vốn đầu tư công toàn tỉnh mới giải ngân đạt trên 5.580 tỷ đồng, đạt 36% so với số kế hoạch đã phân khai chi tiết, đạt 40,4% so với kế hoạch giao đầu năm, tương đương với tỷ lệ giải ngân bình quân cả nước và cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương đạt 68%; ngân sách tỉnh giải ngân đạt 30%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (41,2%); ngân sách huyện, xã giải ngân đạt 39%.

Có 10/13 chủ đầu tư cấp tỉnh không đạt kế hoạch UBND tỉnh giao, trong đó một số chủ đầu tư đạt rất thấp, dưới mức trung bình giải ngân của tỉnh, bao gồm: Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh 30%; Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT 17,5%; Công an tỉnh 9,5%; Ban Quản lý KKT tỉnh, Trường Đại học Hạ Long và Sở Xây dựng 0%.

Có 11/13 địa phương có tỷ lệ giải ngân không đạt theo kế hoạch của UBND tỉnh, trong đó có 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40% là: Đông Triều 35%, Hải Hà 36%, Uông Bí 38%.

Như vậy, kịch bản tăng trưởng kinh tế đề ra đối với giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31.8 đạt 50% kế hoạch vốn đã không hoàn thành như kế hoạch. Theo BQL Khu Kinh tế Quảng Ninh, điều này ảnh hưởng nhiều đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong quý 3, khi tỉnh xác định đạt tốc độ tăng trưởng 9,93% so với cùng kỳ và 9 tháng tăng 9,63% so với cùng kỳ năm 2022.

Nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân chủ yếu do vướng mắc tồn tại nhiều năm gần đây, tuy nhiên vì cơ chế, chính sách quản lý ngày một chặt chẽ, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, nên không được giải quyết kịp thời, còn kéo dài. Đặc biệt, liên quan đến công tác hỗ trợ đền bù, GPMB, thủ tục cấp nguồn vật liệu san lấp, vị trí đổ thải, xử lý tài sản công, PCCC, chuyển đổi mục tiêu sử dụng đất.

Rất nhiều dự án do vướng mắc các thủ tục này mà đến nay không đạt mục tiêu hoàn thành, đưa vào sử dụng như kế hoạch, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, làm giảm hiệu quả nguồn lực đầu tư, đặc biệt là những dự án được tỉnh xác định động lực, trọng điểm, có tính chất liên kết vùng, mở ra không gian phát triển mới, thu hẹp khoảng cách chênh lệch vùng miền.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở KH&ĐT, cho biết, với tỷ lệ giải ngân như hiện tại, mục tiêu giải ngân đến ngày 30.9 đạt 80% kế hoạch vốn năm 2023 là khó đạt được.

Trước mục tiêu đề ra đến ngày 31.12 giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn, trong nhiều cuộc họp gần đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, chủ đầu tư, địa phương phối hợp chặt chẽ, tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn và giải quyết triệt để yếu kém do nguyên nhân chủ quan trong tổ chức thi công và giải ngân của từng dự án; tăng cường vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng các sở, ngành, ban quản lý dự án; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, “lợi ích nhóm” trong đầu tư, giải ngân vốn.