Quy hoạch nhân sự: Công khai, minh bạch là liều thuốc rất mạnh

Nếu có đội ngũ cán bộ cấp chiến lược thực sự tinh hoa thì sẽ thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Ngược lại, đội ngũ cán bộ này yếu kém sẽ làm giảm, thậm chí kéo lùi sự phát triển của đất nước.
z47949348840427961f3f7c60af20f7283ef8828bb82c2-1697618908741619920377-1697682956.jpg
PGS.TS. Lê Văn Chiến, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công - Ảnh: VGP/Phương Liên

Đó là khẳng định của PGS.TS. Lê Văn Chiến, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).

Ông nhấn mạnh, cán bộ nói chung, cán bộ cấp chiến lược nói riêng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành, bại của cách mạng Việt Nam. Xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ then chốt của Đảng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng".

Quy hoạch nhân sự triển khai nghiêm túc theo đúng kế hoạch, lộ trình

Về vấn đề nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XIV nhiệm kỳ 2026-2031, PGS.TS. Lê Văn Chiến khẳng định, quy hoạch nhân sự nói riêng, công tác cán bộ nói chung là một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị Trung ương 8.

Công tác cán bộ nói chung, quy hoạch nhân sự nói riêng cho nhiệm kỳ đại hội tiếp theo của Đảng luôn được quan tâm, chú trọng thực hiện và triển khai nghiêm túc theo đúng kế hoạch, lộ trình.

Đảng luôn cẩn trọng lựa chọn những cán bộ đủ tiêu chuẩn về đức và tài, xứng đáng để quy hoạch, bồi dưỡng và khi điều kiện chín muồi, sẽ bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo đáp ứng yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ cách mạng.

Đảng và nhân dân luôn cần những cán bộ, nhất là cán bộ trẻ có phẩm chất đạo đức, năng lực trí tuệ, ý chí, bản lĩnh chính trị kiên trung và tầm nhìn xa, trông rộng, "dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm" để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và tin tưởng giao phó trọng trách.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết sẽ đào tạo, bồi dưỡng và thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát đối với những cán bộ đã được đưa vào quy hoạch khóa XIV.

Tổng Bí thư cho biết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo đã công phu, nghiêm túc chuẩn bị có chất lượng tờ trình và dự kiến quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV với sự kế thừa, bổ sung, phát triển đúng đắn, phù hợp về cách làm và bài học kinh nghiệm có được từ các nhiệm kỳ trước, đặc biệt là khóa XIII.

Ngay sau hội nghị, căn cứ vào kết quả giới thiệu của Trung ương, sự rà soát, thẩm định của Ban Chỉ đạo, các ban Đảng Trung ương và các cơ quan chức năng, Bộ Chính trị sớm xem xét, quyết định một bước quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026-2031.

Đây là cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng và thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát đối với những cán bộ đã được đưa vào quy hoạch; nếu phát hiện có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì phải kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch.

Đồng thời tiếp tục xem xét, phân tích kỹ lưỡng chất lượng, cơ cấu, thành phần trên các lĩnh vực công tác để kịp thời phát hiện, kiến nghị, giới thiệu bổ sung quy hoạch báo cáo Bộ Chính trị trình Trung ương xem xét ở các hội nghị sau.

Đây là bước khởi đầu quan trọng của quá trình xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ khóa XIV với tinh thần là phải làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ; quy hoạch xong Ban Chấp hành Trung ương mới làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sau đó mới đến quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt.

Trong quá trình này, Tổng Bí thư lưu ý, phải quán triệt và triển khai thực hiện thật tốt Kế hoạch số 17 của Bộ Chính trị, xác định quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là công việc rất hệ trọng của Đảng được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và tuyệt đối của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Tổng Bí thư cũng yêu cầu thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, các cấp uỷ, tổ chức đảng và người đứng đầu theo đúng quy định; bảo đảm quy trình chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.

Ngoài ra, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh đến việc coi trọng chất lượng gắn với cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng; tạo sự đồng bộ, tổng thể, liên thông trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; gắn kết với công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ và công tác chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ tới.

Công khai, minh bạch quy hoạch - bước đột phá trong công tác cán bộ

PGS.TS. Lê Văn Chiến nhận định: "Qua theo dõi, tôi thấy công tác quy hoạch từ cấp dưới đến cấp trên, đặc biệt là cấp Trung ương, trong những nhiệm kỳ gần đây được thực hiện ngày càng bài bản, cẩn thận hơn. Nhưng với nhiệm kỳ 2026-2031 có thêm điểm rất mới là thông tin về công tác quy hoạch được công khai. Tôi cho rằng đây là bước đột phá trong công tác cán bộ của Đảng nói chung và công tác quy hoạch nói riêng".

Khi Đảng công khai thì toàn dân sẽ được giám sát. Đây là bước tiến rất quan trọng, theo đúng lời dạy của Bác Hồ về công tác kiểm tra, giám sát "phải nhờ cậy vào nhân dân, không có gì qua được tai mắt nhân dân".

Nếu chúng ta công khai thì sẽ đảm bảo chất lượng. Rút kinh nghiệm những lần trước, mặc dù chúng ta làm rất đúng quy trình, rất đúng bài bản, nhưng vẫn xảy ra những trường hợp sau khi quy hoạch hoặc thậm chí sau khi được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương lại mắc những lỗi lớn.

Lần này Đảng công khai minh bạch để các tầng lớp nhân dân giám sát. Có những trường hợp dân có thể sẽ phát hiện ra và có ý kiến với Đảng. Như vậy thì chất lượng quy hoạch sẽ tốt hơn.

Cũng theo PGS.TS Lê Văn Chiến, "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn luôn chú trọng về công tác cán bộ, đặc biệt là quy hoạch cán bộ. Trong lãnh đạo học, một trong những yêu cầu của người lãnh đạo là phải đào tạo, bồi dưỡng được thế hệ lãnh đạo kế cận. Quy hoạch là để đào tạo, bồi dưỡng, đây là cách để gây dựng, nuôi dưỡng đội ngũ cán bộ tương lai".

Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công phân tích thêm: Lãnh đạo quản trị là liên quan đến con người. Đây luôn là lĩnh vực rất khó khi nhìn nhận đúng bản chất một người. Có nhiều người cá nhân chủ nghĩa, tham vọng quyền lực, chỉ muốn có được vị trí quan trọng để vun vén cho lợi ích cá nhân chứ không phải để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Vì vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã căn dặn mọi người trong Đảng là "đừng có nhìn thấy đỏ mà tưởng chín".

Để lựa chọn cán bộ đúng, trúng thì bộ phận chọn lựa quy hoạch phải rất tỉnh táo. Và việc công khai, minh bạch cũng để cho mọi người nhìn nhận, giám sát người cán bộ quản lý. Người lãnh đạo quản lý càng ở cấp cao thì càng phải nêu gương, càng phải đề cao lợi ích của xã hội, của tập thể lên trên lợi ích của bản thân mình.

Về lâu dài, chúng ta phải xây dựng một thể chế - như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói "để không thể tham nhũng" – khi đó luật lệ của chúng ta phải chặt chẽ để không bị lợi dụng, không thể "lách luật" để tham nhũng. Và trong thể chế đó, cán bộ cũng "không dám tham nhũng" bởi khi đó hình thức xử phạt phải đủ để răn đe.

Còn để "không cần phải tham nhũng" thì các chế độ đãi ngộ phải xứng đáng. Cải cách tiền lương mà chúng ta đang triển khai cũng là để hướng tới thu nhập của cán bộ xứng đáng với những đóng góp của họ.

Công khai, minh bạch là liều thuốc rất mạnh. Hoạt động của những người hưởng lương nhà nước được công khai để dân giám sát sẽ hạn chế được rất nhiều tình trạng tham nhũng.

Nhấn mạnh lại trong những bước quy hoạch cán bộ, Đảng đã công khai nhiều thông tin để nhân dân giám sát, PGS.TS. Lê Văn Chiến cho rằng đây là điều rất đúng đắn và cần phải được phát huy mạnh mẽ hơn nữa.

Để làm tốt hơn công tác quy hoạch trong nhiệm kỳ mới, theo Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, quy trình là điều rất quan trọng. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ các khoá trước, có những trường hợp quy trình đúng nhưng ra kết quả về cán bộ lại không đúng, chúng ta cần xem xét kỹ hơn những khía cạnh "ngoài quy trình" để nhìn nhận xác đáng, đánh giá đúng về cán bộ được quy hoạch. Quy trình chỉ là công cụ thôi, phải kết hợp nhiều chỉ số, nhiều cách khác nhau để đánh giá một cán bộ lãnh đạo thay vì dựa hẳn vào quy trình. 

Phương Liên