Sau khi nghe các đơn vị liên quan báo cáo, ý kiến thảo luận, ngày 26/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc của ngôi biệt thự cổ hay còn gọi "nhà lầu ông Phủ" này. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan liên quan có giải pháp triển khai tuyến đường ven sông Đồng Nai theo đúng kế hoạch đề ra, bảo đảm các quy định của pháp luật.
Được biết, ngôi biệt thự 100 tuổi được ông Võ Hà Thanh (sinh năm 1876, quê gốc Quảng Ngãi) khởi công xây dựng năm 1920, hoàn thành năm 1924.
Theo đánh giá từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai, ngôi biệt thự có kiến trúc Pháp những năm đầu thế kỷ 20, có giá trị về mặt kiến trúc - nghệ thuật, thể hiện được vẻ đẹp của sự giao thoa văn hóa giữa hai nước và lịch sử đất nước vào thời kỳ Pháp thuộc.
Với những nét đặc trưng là kiến trúc đối xứng, nền móng ngôi biệt thự xây bằng đá xanh, tường xây gạch nung bằng đất sét, quét sơn màu vàng, cột đổ bê tông cốt thép, mái nhà lợp ngói xếp lớp, cửa phòng và các ô cửa sổ theo kiểu lá sách gỗ màu nâu; hoa văn trang trí trên trần nhà, đầu cột chủ yếu là các họa tiết hoa lá đơn giản theo trong phong cách châu Âu.
Cách đây 8 (năm 2016), Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai giao Ban Quản lý di tích - danh thắng tỉnh Đồng Nai (hiện sáp nhập vào Bảo tàng Đồng Nai - PV) nghiên cứu, đánh giá sơ bộ và đề nghị bổ sung vào danh mục đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh do đây là ngôi nhà cổ có giá trị về mặt kiến trúc - nghệ thuật.
Tháng 3/2016, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định phê duyệt danh mục thay đổi, bổ sung quy hoạch lộ trình xếp hạng di tích - danh thắng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2020. Trong danh sách này, có ngôi biệt thự cổ của ông Võ Hà Thanh.
Sau đó, Ban Quản lý di tích - danh thắng tỉnh Đồng Nai nhiều lần liên hệ chủ nhân ngôi nhà, đề nghị phối hợp lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích. Tuy nhiên, thời điểm đó (năm 2016) người trực tiếp quản lý căn nhà không đồng ý xếp hạng di tích. Vì vậy Ban Quản lý di tích - danh thắng đã dừng thực hiện lập hồ sơ di tích và đưa ra khỏi danh mục lập hồ sơ xếp hạng di tích.
Do đó, quyết định giữ lại ngôi biệt thự cổ này, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai cũng lưu ý phải thận trọng trong công tác quản lý, khai thác, bởi đây là tài sản sở hữu cá nhân nên phải có sự thống nhất của đại diện hợp pháp ngôi nhà với các cơ quan chức năng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của nó.
Trong trường hợp cần thiết, nhà nước có thể tính toán phương án trưng mua, sau đó tiến hành tu bổ, tôn tạo toàn diện để ngôi biệt thư cổ này trở thành một điểm du lịch, hoặc thành bảo tàng nghề gốm, bảo tàng nghề đá…
Thời gian qua, ngôi biệt thự 100 năm tuổi ở Đồng Nai nhận được nhiều sự quan tâm từ chính quyền tỉnh Đồng Nai, giới chuyên gia, kiến trúc sư, nhà sử học và người dân trước quyết bảo tồn hay phá bỏ, do vị trí ngôi biệt thư cổ này nằm trong phạm vi dự án đường ven sông Đồng Nai có tổng kinh phí đầu tư 2.000 tỷ đồng đang được triển khai xây dựng.
Từng cứu 100 người trong trận lụt.
Thông tin từ gia đình và người dân địa phương cho biết, trong trận lụt năm Nhâm Thìn (1952) ở Biên Hòa, ngôi biệt thự của ông Võ Hà Thanh trở thành nơi lánh nạn cho hơn 100 người dân địa phương. Vào năm 1996, nơi đây được chọn làm bối cảnh chính để quay bộ phim Người đẹp Tây Đô.