Sáng 8/10, Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng khuyến nghị liên quan đến Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).
Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngày 7/10/2022, trên mạng xã hội lan truyền thông tin tiêu cực về Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) dẫn đến hiện tượng một số người dân rút tiền trước hạn.
Về việc này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định sẽ theo dõi sát tình hình để ngân hàng hoạt động bình thường và có giải pháp, chính sách theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền, giữ vững ổn định của SCB nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung.
NHNN khuyến cáo người gửi tiền không nên rút tiền trước hạn, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền.
Thị trường trong hai ngày qua đang rộ lên tin đồn liên quan đến nhóm Ngân hàng SCB, Công ty Vạn Thịnh Phát và Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI).
Trước đó, Công ty CP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) công bố thông tin bất thường về việc Chủ tịch Hội đồng quan trị Nguyễn Tiến Thành đột ngột qua đời vào ngày 6/10. Ông Thành là Chủ tịch Hội đồng quản trị của TVSI và là thành viên HĐQT độc lập của Ngân hàng SCB.
Trong khi đó, SCB là ngân hàng được cấp phép thành lập trên cơ sở hợp nhất tự nguyện 3 ngân hàng: Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank). Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Ngân hàng hợp nhất) chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2012.
SCB là ngân hàng tư nhân lớn nhất tại Việt Nam với tổng tài sản lên đến 762.000 tỉ đồng, tính đến hết quý 2/2022, chỉ đứng sau các BIDV, VietcomBank, VietinBank và AgriBank. Ngân hàng hiện có vốn chủ sở hữu hơn 23.000 tỉ đồng và hệ thống mạng lưới rộng khắp cả nước.