Theo nghị quyết, đơn từ nhiệm chức vụ thành viên độc lập HĐQT của ông Nguyễn Công Phú sẽ được xem xét thông qua ĐHĐCĐ năm 2023 của công ty.
Trong thời gian này, ông Phú ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải tham dự, thảo luận, biểu quyết tất cả cuộc họp, lấy ý kiến biểu quyết bằng văn bản hoặc hình thức khác của HĐQT.
Trước khi ra quyết định rút khỏi HĐQT HBC, ông Phú và ông Hải đã xảy ra tranh chấp vị trí Chủ tịch công ty.
Cụ thể, ngày 14/12/2022, HĐQT HBC ban hành Nghị quyết số 50 trong đó có nội dung ông Hải từ nhiệm vị trí chủ tịch nhằm đảm bảo tính pháp lý cho con trai đảm nhận chức Tổng giám đốc... Nghị quyết số 51 cùng ngày bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú làm Chủ tịch HĐQT thay ông Hải.
Tuy nhiên, đến ngày 31/12/2022, Nghị quyết số 53 được ban hành hoãn thông qua đơn từ nhiệm tư cách thành viên Hội đồng quản trị của ông Hải, đồng thời công ty chưa bầu ông Nguyễn Công Phú vào chức Chủ tịch.
Các thành viên HĐQT của HBC gồm ông Phú, ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng và ông Albert Antoine đã bác bỏ và khẳng định nghị quyết này không hợp lệ.
Liên quan tới những mâu thuẫn nhân sự cấp cao của HBC, Cục thi hành án dân sự TP.HCM đã có văn bản buộc HBC tạm dừng thi hành Nghị quyết số 50, 51 ngày 14/12/2022 và Nghị quyết số 53 ngày 31/12/2022 của HĐQT cho đến khi vụ việc được giải quyết bằng quyết định hay phán quyết của Hội đồng Trọng tài.
Khi những tranh cãi về chiếc ghế Chủ tịch HĐQT giữa nhóm cổ đông ông Lê Viết Hải và nhóm ông Nguyễn Công Phú chưa có hồi kết, HBC cho biết quyết định thi hành án chủ động số 1561 này đồng nghĩa với việc ông Lê Viết Hải sẽ tiếp tục giữ chức chủ tịch HĐQT và người đại diện pháp luật của công ty.
Trong cơ cấu cổ đông hiện nay của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, gia đình ông Lê Viết Hải là nhóm cổ đông lớn nhất nắm giữ tổng cộng hơn 21% cổ phần. Ngoài ra, Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình còn có hai cổ đông lớn khác là Huyndai Elevator Co., Ltd (nắm 10,2% vốn điều lệ), Sanei Architecture Planning (nắm 1,8% vốn điều lệ), gần 67% cổ phần còn lại do các cổ đông khác nắm giữ.