Sẽ có “trọng tài” giám sát giao dịch trực tuyến

27/06/2023 10:52

Theo dõi trên

Trước tốc độ phát triển nhanh của thương mại điện tử và các giao dịch trực tuyến, năm 2023 Bộ Công Thương dự kiến vào hoạt động hệ thống trung gian đảm bảo giao dịch giữa người bán và người mua.

Hơn 80% khách hàng sẵn sàng thanh toán điện tử

Ông Lê Đức Anh – Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) cho biết: thanh toán trực tuyến gắn liền với sự phát triển của công nghệ và thương mại điện tử. Trong báo cáo mới nhất về thương mại điện tử năm 2022 của Bộ Công Thương, hơn 80% khách hàng sẵn sàng sử dụng thanh toán điện tử. Trong đó, thanh toán bằng QR code và chuyển khoản tăng trưởng cao (hơn 45%), trong khi thanh toán sử dụng thẻ thanh toán, thẻ nội địa, thẻ quốc tế, ví điện tử trong giao dịch trực tuyến thương mại điện tử chiếm khoảng 10%.

mua-hang-qua-mang-va-giao-dich-truc-tuyen-pld-1687837783.jpeg
Mua hàng qua mạng và giao dịch trực tuyến đã trở thành thói quen của nhiều người dân, kể cả giao dịch nhỏ

Theo thống kê đến năm 2021, đã có 980 triệu giao dịch trực tuyến được thực hiện nhưng đến quý 4 năm 2022 tăng lên 2,1 tỷ giao dịch với quy mô giao dịch trung bình khoảng 80 USD. Với tốc độ phát triển trên, Việt Nam được xếp thứ 3 trên thế giới về độ phổ cập với 29% dân số sử dụng công cụ thanh toán trực tuyến. “Thanh toán điện tử nói riêng và thanh toán không tiền mặt nói chung dự kiến phát triển bùng nổ trong thời gian tới. Hiện nay, kể cả giao dịch nhỏ như mua xăng, mua thực phẩm tại chợ, siêu thị, khách hàng đều đã quen với thanh toán không tiền mặt” – ông Lê Đức Anh cho biết thêm.

Với sự phổ dụng rộng, khách hàng lớn, thời gian qua, các đơn vị như ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán, doanh nghiệp đã nâng cấp đưa hoạt động thanh toán điện tử lên cấp độ cao. Ngân hàng đầu tư nâng cấp biến app của mình ngày càng tiện ích hơn, lấn sang lĩnh vực khác: gọi tắc xi, đặt hàng… Ngược lại, các ứng dụng khác khi ra mắt không phải với mục đích là thanh toán nhưng dần dần đã chuyển sang tiện ích này.

Các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: sự cạnh tranh mạnh mẽ đã mang lại lợi ích lớn hơn cho khách hàng và thị trường, giảm bớt chi phí. Đặc biệt, không chỉ thu hút đầu tư của ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán mà từng người dân có ý thức đầu tư về thiết bị, đầu tư kiến thức tài chính để thực hiện giao dịch an toàn… Sự phát triển này gián tiếp thúc đẩy tăng trưởng của thương mại điện tử và mở rộng hình thức thanh toán không tiền mặt tới những người dân không có tài khoản ngân hàng ở khu vực nông thôn, miền núi (mobile banking).

“Thanh toán trực tuyến hiện nay không còn là sản phẩm dịch vụ mà đã trở thành hệ sinh thái giữa các dịch vụ, lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Khách hàng, người dân được hưởng lợi từ các chương trình thúc đẩy tiêu dùng giữa các nhãn hàng hỗ trợ lẫn nhau hoặc nhiều trải nghiệm khác như tích điểm nhận quà giảm giá, khuyến mại…”  – ông Phan Trọng Lê, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển và thương hiệu của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết.

Hướng đến giao dịch điện tử chuyên nghiệp

Dù thương mại điện tử phát triển nhanh nhưng một số bất cập tồn tại như chất lượng hàng hoá không đảm bảo, hàng giả hàng nhái vẫn còn khiến tỷ lệ chuyển hoàn đơn hàng còn cao, gây khó khăn trong thúc đẩy thanh toán điện tử, không ít người tiêu dùng có xu hướng thích thanh toán trực tiếp thay vì thanh toán trực tuyến.

Ông Lê Đức Anh thông tin thêm: Bộ Công Thương đã có đề án quốc gia phát triển thương mại điện tử, trong đó thanh toán trực tuyến là chỉ số quan trọng đánh giá sự thành công của đề án. Trong giai đoạn 2021 – 2025, Bộ Công Thương sẽ xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, hạ tầng công nghệ, dự kiến trong năm nay đưa phương thức bảo đảm giao dịch trong thương mại (Escrow) đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến phát triển chuyên nghiệp hơn, lành mạnh hơn, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.

giao-dich-thuong-mai-dien-tu-pld-1687837783.jpeg
Giao dịch thương mại điện tử trong thời gian tới sẽ không chỉ có quan hệ giữa người bán và người mua mà còn được xác thực bởi bên thứ 3

Đây là hoạt động được Bộ Công Thương “thai nghén” từ lâu. Theo ông Lê Đức Anh, phương thức này có thể xem như trọng tài ở vị trí trung gian giữa người bán và người mua, bên trung gian tạm giữ tiền, giấy tờ hoặc các tài sản khác trước khi giao dịch được hoàn tất. Khi người mua nhận đúng hàng hoá mà mình chọn mua, bên trung gian sẽ thanh toán, chuyển tiền cho người bán. Phương thức này bảo vệ người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng yên tâm mua sắm.

Phương thức trung gian thanh toán này được triển khai phổ biến tại Mỹ, Trung Quốc. Tại Việt Nam, một số ví điện tử cũng cung cấp dịch vụ thanh toán tương tự. Theo đó, sau khi xác nhận mua hàng, số tiền thanh toán của người mua sẽ bị “treo”. Tiền thanh toán tuy chưa chuyển sang tài khoản của người bán song người mua cũng không dùng số tiền này để thực hiện một giao dịch khác. Người mua và người bán có một khoảng thời gian nhất định để chuyển hàng, kiểm tra hàng, nhận hàng. Chỉ khi nào người mua phê duyệt – đồng ý chuyển tiền thì tiền mới thực sự được chuyển đi.

“Trong năm 2023, chúng tôi cố gắng phối hợp với ngân hàng cũng như hy vọng có sự tham gia của các trung gian thanh tán để triển khai hình thức bảo đảm giao dịch này trên nền tảng hợp đồng điện tử” – ông Lê Đức Anh chia sẻ.

Bạn đang đọc bài viết "Sẽ có “trọng tài” giám sát giao dịch trực tuyến" tại chuyên mục Dịch vụ - Thị trường. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com