#kỷ nguyên mới

Sóc Trăng: 3 nhà máy điện gió hòa lưới điện quốc gia      

Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) vừa tổ chức đóng điện nghiệm thu vận hành 3 nhà máy điện gió tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.

Vào lúc 21h45 ngày 01/10/2021, với sự chỉ huy thao tác của Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Nam, 3 nhà máy điện gió đầu tiên ở Sóc Trăng bắt đầu thao tác đóng điện nghiệm thu vận hành. Theo đó, 3 nhà máy điện gió vừa được hòa lưới điện quốc gia gồm: Nhà máy số 5, Nhà máy số 6 và Nhà máy số 7, với tổng công suất 90MW.

Theo Công ty Điện lực Sóc Trăng, sau khi nghiệm thu kỹ thuật các trạm biến áp 110kV của các nhà máy điện gió trên, từ ngày 14/9/2021 đến ngày 20/9/2021 đều đạt yêu cầu, đủ điều kiện đóng điện vận hành, ngày 26/6/2021 Công ty Điện lực Sóc Trăng đã giải quyết cắt điện đấu nối các ngăn lộ 110kV 172, 173, 174, 176 tại trạm 110/22kV Vĩnh Châu, đây là điểm hòa lưới 110kV.

Đến gần 6 giờ ngày 02/10/2021, kết thúc đóng điện nghiệm thu vận hành 3 Nhà máy Điện gió 5, 6 và 7 với kết quả thành công tốt đẹp. Như vậy, từ ngày 2/10/2021 có 3 dự án điện gió đầu tiên trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng chính thức hòa vào lưới điện thuộc hệ thống điện quốc gia.

dien gio 1

Từ ngày 2/10/2021, 3 dự án điện gió đầu tiên trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng chính thức hòa vào lưới điện thuộc hệ thống điện quốc gia.

Nhà máy Điện gió Lạc Hòa (NMĐG số 5) đặt tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng do Công ty CP Năng lượng Tái tạo Vĩnh Châu - TDC làm chủ đầu tư, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 có công suất 30MW.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng trên diện tích quy hoạch 5,6 ha trên đất liền, với khu nhà quản lý vận hành, nhà ở cán bộ công nhân viên và các công trình phụ trợ. Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp điện năng cho hệ thống điện Quốc gia với sản lượng bình quân hàng năm khoảng 93 triệu kWh.

Nhà máy Điện gió Quốc Vinh (NMĐ số 6) đặt tại thị xã Vĩnh Châu do Công ty TNHH Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng làm chủ đầu tư, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 có công suất 30MW.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.420 tỷ đồng trên diện tích quy hoạch 7,5ha trên đất liền, với khu nhà quản lý vận hành, nhà ở cán bộ công nhân viên và các công trình phụ trợ. Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp điện năng cho hệ thống điện Quốc gia với sản lượng bình quân hàng năm khoảng 95 triệu kWh.

Nhà máy Điện gió số 7 tỉnh Sóc Trăng cũng đặt tại thị xã Vĩnh Châu do Công ty CP Năng lượng Sóc Trăng - Công ty TNHH Xuân Cầu làm chủ đầu tư, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 có công suất 30MW. Các hạng mục xây dựng bao gồm 7 trụ turbine gió, mỗi turbine có công suất 4,2MW.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng trên diện tích dự kiến quy hoạch cả 2 giai đoạn là 3.100 ha, gồm khu nhà quản lý vận hành, nhà ở cán bộ công nhân viên và các công trình phụ trợ. Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp điện năng cho hệ thống điện Quốc gia với sản lượng bình quân hàng năm khoảng 108 triệu kWh.

Theo Công ty Điện lực Sóc Trăng, sau khi nghiệm thu kỹ thuật các Trạm biến áp 110kV của các nhà máy điện gió trên (từ ngày 14/9/2021 đến ngày 20/9/2021) đều đạt yêu cầu, đủ điều kiện đóng điện vận hành.

dien gio 2

Các dự án nhà máy điện gió có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng.

Sóc Trăng là địa phương có 72km bờ biển với nhiều lợi thế để phát triển điện gió. Toàn tỉnh Sóc Trăng có 21 dự án điện gió ưu tiên thu hút đầu tư và đang được triển khai. Để tiếp tục những công việc trong thời gian tới, chủ đầu tư, các nhà thầu đang gấp rút thực hiện nghiêm túc theo hợp đồng và quy định của pháp luật Việt Nam; triển khai đúng tiến độ, đảm bảo an toàn lao động và chất lượng các công trình; các ban, ngành liên quan cũng như chủ đầu tư tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong thi công, vận chuyển, lắp đặt thiết bị, giữ vững an toàn, an ninh. Trong quá trình thực hiện, cần đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn về môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành, đánh giá tác động môi trường.

Các dự án nhà máy điện gió có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng. Khi đi vào hoạt động sẽ góp phần thực hiện an ninh năng lượng cho hệ thống lưới điện quốc gia; giải quyết việc làm cho người lao động và đóng góp cho ngân sách địa phương.