Sống trên đất vàng ven biển Bài 1: Nhiều dự án bất động sản bị “trói chân”

Lưu Bang

01/03/2023 23:06

Theo dõi trên

Nằm dọc theo tuyến đường du lịch ven biển Đà Nẵng – Điện Bàn - Hội An, khu vực Điện Bàn hiện nay như một đại công trường với hàng loạt dự án bất động sản đang triển khai đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, các dự án ven biển đang gặp phải khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là 20m vệt cây xanh ven biển.

du-an-ven-bien-pld-1677686603.jpg
Hai bên tuyến đường du lịch ven biển Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An hiện có nhiều dự án bất động sản. Ảnh: Lưu Bang

Tập trung nhiều dự án

Nhờ có đắc địa với phía bắc giáp quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng và phía nam giáp với đô thị cổ Hội An, lại có hạ tầng giao thông kết nối thông suốt, khu vực ven biển thị xã Điện Bàn đang có nhiều dự án bất động sản triển khai đầu tư xây dựng.

Thống kê của UBND thị xã Điện Bàn tại Báo cáo số 372/BC-UBND cho biết, hiện nay, từ ranh giới phía tây của Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đến Biển Đông có tổng cộng 26 dự án. Trong đó có 17 dự án khu nghỉ dưỡng du lịch, thương mại - dịch vụ và 9 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, tái định cư.

Trong số 26 dự án nêu trên, có 5 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng gồm Sân golf Montgomerie Link của Công ty CP Indochina Hội An; Khu du lịch Kim Vinh - Le Belhamy của Công ty TNHH DCDL XDDD - TT nội thất và TM Kim Vinh; Khu du lịch Nam Hải của Công ty TNHH Indochina Resort Hội An; Khu du lịch sông Hàn của Công ty TNHH Thương mại Du lịch và Dịch vụ Sông Hàn; Câu lạc bộ biển Blush Hội An của Công ty TNHH Blush Hội An.

Bên cạnh đó, có 20 dự án đang thực hiện thủ tục hồ sơ pháp lý và đang triển khai thi công thực hiện, gồm Khu du lịch Trung Kỳ Viêm Đông của Công ty CP Kinh doanh Quản lý BĐS Trung Kỳ - Viêm Đông; Khu nghỉ mát Malibu Hội An của Công ty TNHH Indochina Hội An Beach Villas; Khu du lịch nghỉ dưỡng và sân gôn cao cấp Mai House Hội An của Công ty TNHH Indochina Thế kỷ 21.

Dự án Công viên chuyên đề vui chơi giải trí cổ cò của Công ty CP Thiên đường Cổ Cò; Khu du lịch biển cao cấp của Công ty Cổ phần Mbland Tonkin; Khu nghỉ dưỡng biển Vina Capital Hội An của Công ty TNHH Vina Capital Hội An; Khu du lịch tại phường Điện Dương của Công ty CP Đầu tư và xây dựng Xuân Phú Hải;….

Ngoài ra, tại khu vực ven biển này còn có 1 dự án bị thu hồi là Khu du lịch Phước Minh của Công ty TNHH Phước Minh.

cong-tac-gpmb-pld-1677686603.jpg
Một dự án bất động sản gặp phải khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Ảnh: Lưu Bang

Vướng giải phóng mặt bằng

UBND thị xã Điện Bàn cho biết, các dự án ven biển trên địa bàn thị xã đều gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là 20m vệt cây xanh ven biển.

Đơn cử như, tại Khu nghỉ mát Malibu Hội An, Khu nghỉ dưỡng biển Vina Capital Hội An, Khu du lịch tại phường Điện Dương, Khu du lịch Trung Kỳ Viêm Đông có một số hộ dân không thống nhất về chế độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nên không đồng ý nhận tiền, bàn giao mặt bằng.

Tại Khu du lịch nghỉ dưỡng và sân gôn cao cấp Mai House Hội An có tuyến cảnh quan cây xanh và lối tiếp cận trước dự án xuất hiện trình trạng các hộ dân cắm cọc không cho chủ đầu tư triển khai một đoạn dài 100m với lý do đất chưa được nhà nước đền bù.

Tại dự án Tổ hợp khách sạn và dịch vụ du lịch CYAN, do quy định về chế độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có sự thay đổi nên gây khó khăn trong quá trình áp dụng thực hiện. Bên cạnh đó, dự án chưa có quỹ đất để bố trí tái định cư nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ công tác giải phóng mặt bằng dự án.

Ngoài ra, công tác quản lý hiện trạng và trật tự xây dựng chưa chặt chẽ nên đã dẫn đến việc lấn chiếm, xây dựng trái phép của các hộ dân; việc điều chỉnh quy hoạch dự án nhiều lần; hồ sơ pháp lý dự án thay đổi; tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Tương tự, tại dự án Khu dân cư Thống Nhất - giai đoạn 1 cũng gặp phải vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, các phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ GPMB đã được phê 5 duyệt năm 2016 (có 4 đợt) nhưng đến nay công tác GPMB chưa hoàn thành để bàn giao mặt bằng sạch cho Chủ đầu tư.

Lý do là vì các hộ dân không thống nhất theo phương án GPMB, nên chưa nhận tiền đền bù và không bàn giao mặt bằng.

Tại Khu đô thị Ngọc Dương River mở rộng, hiện nay giá đất tái định cư của dự án đã hết hiệu lực và các quy định của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng đã thay đổi. Do đó, việc triển khai dự án cũng gặp phải khó khăn vì phải trình lại phê duyệt giá đất tái định cư và họp xét tái định cư.

Bạn đang đọc bài viết "Sống trên đất vàng ven biển Bài 1: Nhiều dự án bất động sản bị “trói chân”" tại chuyên mục Quy hoạch. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com