Tai nạn lao động trong khai thác than: Đến bao giờ không còn là nỗi ám ảnh?

Khai thác than là một trong những ngành công nghiệp quan trọng bậc nhất trong sự phát triển kinh tế của đất nước song nó cũng là nghề nguy hiểm, luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao. Chỉ trong 10 tháng vừa qua, trên cả nước đã xảy ra 17 vụ tai nạn lao động trong hoạt động khai thác than làm 21 người thiệt mạng.

Người lao động còn chủ quan, lơ là

Những năm gần đây, các vụ tai nạn lao động chết người trong ngành than liên tục xảy ra bởi các sự cố trong các mỏ hầm lò. Theo thống kê từ đầu tháng 6/2020 đến ngày 15/5/2021, trên cả nước đã xảy ra 17 vụ tai nạn liên quan đến hoạt động khai thác than làm 21 người tử vong.

Cụ thể: Hải Dương có 1 vụ tai nạn lao động làm 4 người tử vong; Hòa Bình xảy ra 1 sự cố nổ khí hầm lò than khiến 2 người tử vong; Quảng Ninh có 15 vụ tai nạn lao động khiến 15 người tử vong.

Hoạt động khai thác than khoáng sản trong hầm lò tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn lao động, người lao động luôn bị rình rập nguy cơ tai nạn như: áp lực mỏ, cháy nổ khí, đá đổ, sập lò, bục nước, ngạt khí... Đặc biệt, tình hình thời tiết có những biến động, diễn biến phức tạp khiến cho công việc lao động trong hầm lò gặp nhiều trở ngại; điều kiện khai thác hầm lò ngày càng xuống sâu, địa chất phức tạp, công tác quản lý kỹ thuật an toàn còn hạn chế cho nên vẫn còn nhiều sự cố, tai nạn xảy ra.

Ðáng lưu ý là một số vụ tai nạn có tính chất lặp lại, phức tạp gia tăng. Mặc dù các doanh nghiệp đã tăng cường và siết chặt công tác quản lý về an toàn lao động nhưng ngành than vẫn không tránh khỏi những sự cố đáng tiếc. Điểm lại một số vụ tai nạn lao động của ngành than thời gian gần đây cho thấy còn rất nhiều nguyên nhân chủ quan.

Mới đây nhất khoảng 9 giờ 30 phút ngày 11/5, tại Công ty Than Dương Huy (Quảng Ninh) đã xảy ra vụ tai nạn lao động do va đập goòng, khiến một người chết. Từ đầu tháng 6/2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh xảy ra 14 vụ làm chết 14 người tại các đơn vị: Than Mông Dương, Hà Lầm, Khe Chàm, Mạo Khê, Dương Huy, Núi Béo, Công ty than Hạ Long (TKV). Nguyên nhân do sạt lở than đá hầm lò, va chạm xe goòng, cáp tời đứt, ngã, đá rơi,...

Anh 1

 

Ảnh minh họa

Tháng 2 năm nay, tại khai trường hầm lò thuộc Công ty Cổ phẩn khoáng sản Kim Bôi (Chi nhánh Hải Dương) xảy ra 1 vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết 4 công nhân. Trước đó, vào ngày 20/11/2020, tại mỏ than của Công ty TNHH MTV Phương Bắc (tỉnh Hòa Bình) cũng đã xảy ra một vụ nổ khí hầm lò than, vụ việc khiến 2 công nhân của công ty thiệt mạng.

Điểm chung của những vụ tai nạn trong ngành khai thác than là do tâm lý chủ quan, xem thường vấn đề an toàn của chính người tham gia lao động. Ngoài ra còn do trình độ, kinh nghiệm, tác phong công nghiệp của công nhân còn hạn chế, thiếu thận trọng trong thao tác; chưa chấp hành nghiêm túc nội quy kỷ luật lao động; chủ quan, vi phạm quy trình, quy định kỹ thuật an toàn. Sự phối hợp công việc trong nhóm thợ chưa tốt dẫn đến những kết cục đau lòng.

Người lao động trong các mỏ than đa số chuyển từ khu vực nông nghiệp chuyển sang khu vực công nghiệp, bởi vậy trình độ văn hóa, tay nghề chưa cao, chưa có tác phong công nghiệp; chưa hiểu biết đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, có hại trong khi sản xuất, nên ý thức chấp hành pháp luật về an toàn lao động chưa đảm bảo. Sự không đồng đều về nhận thức, trình độ, tay nghề, tác phong, khiến công tác quản lý, sử dụng lao động gặp nhiều khó khăn.

Trả lời truyền thông, ông Nguyễn Thành Tâm, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, số vụ tai nạn lao động chết người còn có nguyên nhân do lỗi của người lao động vi phạm quy trình, quy định kỹ thuật an toàn. Tuy nhiên, lỗi liên quan đến cán bộ quản lý, chỉ huy sản xuất trong công tác triển khai biện pháp kỹ thuật thi công, biện pháp kỹ thuật an toàn, kiểm tra, giám sát sản xuất vẫn là nhóm nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao nhất.

Ở một số đơn vị, người quản lí, sử dụng lao động đã không chú trọng thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nghiêm các quy trình, quy phạm về an toàn lao động trong quá trình sản xuất. Công tác huấn luyện và tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức phòng ngừa tai nạn cũng chưa đạt hiệu quả tốt.

Cán bộ công đoàn cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm, công việc thường xuyên biến động; còn có cán bộ công đoàn năng lực yếu, không đúng trình độ chuyên môn, thiếu hoặc không có kinh nghiệm thực tiễn, nhất là ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, nên chưa thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, đặc biệt là trong công tác an toàn lao động.

Cần làm gì để hạn chế tai nạn lao động trong các mỏ than

Tai nạn lao động thường để lại những hậu quả nặng nề. Điều này thì ai cũng biết nhưng dường như vẫn chưa đủ để thay đổi thái độ, hành vi, ý thức chấp hành quy định, kỷ luật lao động ở cả chủ sử dụng lao động và người lao động.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của các chuyên gia trên lĩnh vực này, khung xử phạt về vi phạm trong lĩnh vực an toàn lao động còn thấp nên chưa đủ sức răn đe, bắt buộc người sử dụng lao động và người lao động phải nghiêm chỉnh chấp hành. Vì thế, thực tế vẫn còn xảy ra những vụ tai nạn lao động đáng tiếc, cướp đi mạng sống của nhiều người và có người dù may mắn vượt qua tử thần nhưng để lại di chứng nặng nề, mất sức lao động, phải sống dựa vào gia đình, xã hội...

Do đó, để phòng ngừa tai nạn lao động, trước hết người lao động cần nêu cao ý thức kỷ luật, tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy trình đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng liên quan cũng cần thường xuyên rà soát, xem xét quy trình, yêu cầu về bảo đảm an toàn cho người lao động và có biện pháp xử lý thật nặng những trường hợp vi phạm để răn đe và làm bài học giáo dục chung. Ðồng thời, tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về an toàn lao động, đổi mới phương thức huấn luyện an toàn cho thợ mỏ.