Tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị gồm những gì?

02/10/2023 14:27

Theo dõi trên

Các loại tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được quy định thế nào?

Các loại tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị

Cụ thể tại Điều 20 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 quy định tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị như sau:

- Nhà làm việc, công trình sự nghiệp, nhà ở công vụ và tài sản khác gắn liền với đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở công vụ.

- Quyền sử dụng đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở công vụ.

- Xe ô tô và phương tiện vận tải khác; máy móc, thiết bị.

- Quyền sở hữu trí tuệ, phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu.

- Tài sản khác theo quy định của pháp luật.

cac-loai-tai-san-cong-tai-co-quan-to-chuc-don-vi-pld-1696231382.jpg
Các loại tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Ảnh minh họa: VGP 

Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công

Căn cứ theo Điều 21 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công gồm:

- Cơ quan nhà nước.

- Đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.

- Đơn vị sự nghiệp công lập.

- Cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội.

Nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công

Điều 22 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 quy định, cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công có các nghĩa vụ sau đây:

- Bảo vệ, sử dụng tài sản công đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ; bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm;

- Lập, quản lý hồ sơ tài sản công, kế toán, kiểm kê, đánh giá lại tài sản công theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 và pháp luật về kế toán;

- Báo cáo và công khai tài sản công theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017;

- Thực hiện nghĩa vụ tài chính trong sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật;

- Giao lại tài sản công cho Nhà nước khi có quyết định thu hồi của cơ quan, người có thẩm quyền;

- Chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; giám sát của cộng đồng, cán bộ, công chức, viên chức và Ban Thanh tra nhân dân trong quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật;

- Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Nghĩa vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công

Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công có các nghĩa vụ sau đây:

- Ban hành và tổ chức thực hiện quy chế quản lý, sử dụng tài sản công được Nhà nước giao;

- Chấp hành quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 và pháp luật có liên quan, bảo đảm sử dụng tài sản công đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ, tiết kiệm, hiệu quả;

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý, sử dụng tài sản công được Nhà nước giao;

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật;

- Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Bạn đang đọc bài viết "Tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị gồm những gì?" tại chuyên mục Tư vấn - Bàn tròn. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com