Tạm dừng biến động 2.385 thửa đất
Trong khi vụ việc liên quan đến những sai phạm về hiến đất làm đường, tách thửa đất xảy ra tại Lâm Đồng còn chưa lắng xuống thì mới đây, hàng loạt cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) đã bị xử lý kỷ luật vì tự ý đặt ra thủ tục hiến đất làm đường không đúng thẩm quyền.
Trong khi đó, có 2.385 thửa đất liên quan đến 114 vị trí hiến đất làm đường, tách thửa đất cũng đã bị tạm ngừng biến động, chờ ý chỉ đạo giải quyết từ cơ quan có thẩm quyền.
Ngày 10/8/2022, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Khánh Hòa thông qua kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và kết quả xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm và các lãnh đạo có liên quan.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Khánh Hòa nhận thấy, trong mốc thời gian kiểm tra từ ngày 01/01/2018 đến ngày 30/6/2021, Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025 đã vi phạm quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát.
Từ đó đã để cho UBND huyện tự đặt ra thủ tục hiến đất làm đường không đúng thẩm quyền của UBND cấp huyện, không nghiêm túc chấp hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh.
UBND huyện vi phạm quy định pháp luật về đất đai khi cho phép 114 trường hợp tặng cho đất, tự nguyện trả lại đất cho nhà nước để tự làm đường, tách thửa và đã tách tổng cộng thành 2.350 thửa với tổng diện tích đất hơn 57 ha.
Xét nội dung, tính chất, mức độ và hậu quả vi phạm, đồng thời căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Khánh Hòa quyết định thi hành kỷ luật và đề nghị xử lý kỷ luật các cán bộ khác có liên quan.
Ngày 23/11 vừa qua, UBND huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) đã chỉ đạo các cơ quan có chức năng tạm dừng thực hiện các thủ tục đăng ký biến động đất đai, đối với 2.385 thửa đất thuộc 114 khu vực liên quan việc hiến đất mở đường, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất.
UBND huyện Cam Lâm cũng yêu cầu các phòng kinh tế và hạ tầng, tài nguyên và môi trường cùng UBND các xã, thị trấn kể trên tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng và giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất đối với các thửa đất thuộc 114 khu vực đã có chỉ đạo của Ban thường vụ Tỉnh ủy cho đến khi có văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.
Quảng Nam cũng tạm dừng
Mới đây, UBND thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) cũng đã tạm dừng tiếp nhận hồ sơ tách thửa liên quan đến đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông cục bộ.
UBND thị xã Điện Bàn cho biết, từ khi triển khai thực hiện đến nay, trên địa bàn thị xã có 30 trường hợp đảm bảo điều kiện được phép lập thủ tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông cục bộ khớp nối với giao thông công cộng hiện có theo hướng dẫn tại Khoản 4, Điều 16, Quyết định số 15/2020/QĐ-UBND ngày 05/11/2020 của UBND tỉnh Quảng Nam.
Trong đó có 2 trường hợp đã có chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt bản vẽ Tổng mặt bằng chi tiết, đã đầu tư xây dựng đường giao thông cục bộ và đã được UBND xã, phường xác nhận việc đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng.
Trên địa bàn thị xã cũng có 22 trường hợp đã có chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt bản vẽ tổng mặt bằng chi tiết, đang trình hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất sang đất giao thông để đầu tư xây dựng đường giao thông cục bộ.
Bên cạnh đó còn có 6 trường hợp đã có chủ trương đầu tư, đang trình phê duyệt hồ sơ bản vẽ thiết kế tổng mặt bằng chi tiết.
Cũng theo UBND thị xã Điện Bàn, hiện nay tất cả các hồ sơ trên đang tạm dừng triển khai các bước tiếp theo đối với việc đầu tư hạ tầng giao thông cục bộ để tách thửa mở đường.
Việc tạm dừng này là do trong quá trình triển khai thực hiện, UBND thị xã Điện Bàn gặp phải vướng mắc liên quan đến thẩm quyền ban hành hướng dẫn trình tự, thủ tục tách thửa liên quan đến việc mở đường (đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông cục bộ).
Theo đó, Quyết định số 15/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam chưa giao nhiệm vụ cho các địa phương triển khai thực hiện đối với nội dung này.
Ngoài ra, theo khoản 4, Điều 16, Quyết định số 15/2020/QĐ-UBND ngày 05/11/2020 của UBND tỉnh Quảng Nam thì chủ sử dụng đất phải đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng (phần diện tích đất này thể hiện là đường giao thông).
Tuy nhiên, Sở xây dựng tỉnh Quảng Nam có ý kiến góp ý cho rằng, việc đầu tư hạ tầng giao thông thực hiện theo quy định luật đầu tư công. Do đó, nếu đầu tư đường giao thông cục bộ đối với trường hợp tách thửa mở đường theo Luật đầu tư công (Nhà nước đầu tư) là không thể thực hiện được.
Từ thực tiễn nêu trên, UBND thị xã Điện Bàn đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương giao nhiệm vụ cho các địa phương chủ trì, lấy ý kiến của các Sở ngành liên quan và ban hành hướng dẫn trình tự, thủ tục tách thửa liên quan đến việc mở đường.
Đối với việc đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông cục bộ, cần xác định chủ đầu tư là các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu tách thửa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với những trường hợp đã được thống nhất chủ trương và đang triển khai thực hiện các bước tách thửa mở đường (đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông cục bộ), UBND thị xã Điện Bàn kiến nghị UBND tỉnh cho phép gia hạn thời gian thực hiện hồ sơ tách thửa liên quan đến việc mở đường (đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông cục bộ).
Ngày 5/12/2022, UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Giao thông vận tải và các ngành chức năng liên quan nghiên cứu đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan về đầu tư, xây dựng, giao thông… để tham mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết đề nghị của UBND thị xã Điện Bàn, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định.
Trường hợp nội dung quy định của UBND tỉnh đã ban hành chưa phù hợp thì báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét, sửa đổi để thực hiện, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.