Thi tốt nghiệp THPT: Nhiều tỉnh miền núi bố trí chỗ ăn ở cho thí sinh ở xa đi thi

Chỉ còn 1 ngày nữa, hơn 1 triệu học sinh lớp 12 trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Thời điểm này, các địa phương đã sẵn sàng, hoàn tất công tác chuẩn bị.

Tại tỉnh Bắc Kạn, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, năm nay, tỉnh có tổng số 2.917 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 251 thí sinh tự do, đăng ký tại 14 điểm thi với gần 1.500 nhân sự được huy động tham gia vào các khâu tổ chức kỳ thi.

Bắc Kạn là địa phương vùng núi, 88% dân số là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, di chuyển đi lại nhiều khó khăn. Do vậy, để hỗ trợ tối đa quyền lợi cho các thí sinh, Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh đã giao cho Tỉnh đoàn thành lập các đội thanh niên tình nguyện tiếp sức mùa thi, hỗ trợ, bố trí nơi ăn chốn ở cho các thí sinh, người nhà thí sinh ở xa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh trong những ngày tổ chức kỳ thi.

thi-tot-nghiep-thpt-pld-1687835658.jpg
Ảnh minh họa

UBND các huyện, thành phố cũng tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra việc ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến thí sinh cũng như chất lượng tổ chức kỳ thi. 

Về cơ sở vật chất, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, phương án, phương tiện, thiết bị bảo đảm an ninh, an toàn tại nơi in sao đề thi, bảo quản đề thi, bài thi, hội đồng thi, điểm thi đã được tỉnh chuẩn bị theo đúng quy định, quy chế để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn, cẩn trọng. Riêng việc bố trí nhân sự tham gia vào các khâu, Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh đã lựa chọn những cán bộ có năng lực, có tinh thần, trách nhiệm cao, đủ tiêu chuẩn theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT đề ra.

Để kỳ thi diễn ra đảm bảo an ninh, an toàn, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các điểm thi phối hợp với công an, trung tâm y tế các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, phòng, chống dịch bệnh tại điểm thi. Tại các đơn vị có thí sinh dự thi, các điểm thi phải có phương án phòng, chống thiên tai, lũ quét, sạt lở đất để thí sinh đi dự thi an toàn. 

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Văn Hưng cũng cho hay, xác định kỳ thi tốt nghiệp THPT có tính chất quan trọng, do đó, ngay từ đầu năm học, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo hiệu trưởng các nhà trường xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện nâng cao chất lượng dạy học. Rút kinh nghiệm của những kỳ thi những năm trước, phát huy những ưu điểm và kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế đồng thời phân tích phổ điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của từng môn, so sánh với các năm liền kề. 

Để kỳ thi diễn ra an toàn, Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh đã giao cho Tỉnh đoàn thành lập các đội thanh niên tình nguyện tiếp sức mùa thi, hỗ trợ thí sinh và người nhà thí sinh trong cả quá trình diễn ra kỳ thi. Theo đó, đối với các thí sinh xa điểm thi sẽ được bố trí chỗ nghỉ tại nhà công vụ hoặc nhà dân xung quanh điểm thi. Ngoài ra, các thí sinh còn được hỗ trợ ăn trưa, đưa đón đối với các học sinh ở địa bàn khó khăn, có thể bị ảnh hưởng bởi mưa lũ trên đường đi khi tham gia dự thi, đảm bảo quyền lợi tối đa cho các thí sinh.

Tại tỉnh Bắc Giang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bạch Đăng Khoa cho biết, để hỗ trợ cho các thí sinh một cách tối đa, Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh đã giao cho Tỉnh đoàn thành lập các đội thanh niên tình nguyện tiếp sức mùa thi, hỗ trợ thí sinh và người nhà tham gia kỳ thi. Đối với các thí sinh ở xa điểm thi, các điểm thi đã bố trí chỗ nghỉ cho thí sinh và người nhà tại nhà công vụ và vận động nhà dân xung quanh điểm thi tạo điều kiện để thí sinh ở trong các ngày tổ chức kỳ thi. 

Đại diện Thanh tra tỉnh Bắc Giang cho biết, để đảm bảo kỳ thi được tổ chức an toàn, công khai, minh bạch, công tác thanh tra, kiểm tra được tiến hành cẩn trọng, chặt chẽ ở tất cả các khâu của kỳ thi. Thanh tra tỉnh đã cắt cử cán bộ tham gia trực tiếp vào đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi đối với các đơn vị có thí sinh dự thi, tại tất cả các điểm thi trên địa bàn. Đến thời điểm này, với vai trò thanh tra, giám sát, thanh tra tỉnh đã triển khai, phân công thực hiện theo đúng các quy trình, quy chế của kỳ thi.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 đề nghị địa phương quan tâm chuẩn bị tốt nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị; chú trọng công tác nhân lực, lựa chọn, tập huấn cho đội ngũ làm thi, bởi con người mới là khâu quan trọng nhất, làm tốt công tác phối hợp, trách nhiệm giữa các sở, ngành, đơn vị rõ người, rõ việc, rõ chức năng, đảm bảo chủ động, hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra từ sớm, từ xa, chủ động điều chỉnh những bất cập, thanh tra, kiểm tra trên tinh thần lấy phòng ngừa là chính.

Với phương châm không để bất cứ học sinh nào vì khó khăn kinh tế hay đi lại không thể tham gia kỳ thi, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị các địa phương tăng cường phối hợp hỗ trợ tối đa học sinh. Đồng thời, làm tốt công tác truyền thông, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, làm tốt chế độ thông tin báo cáo và đảm bảo tiến độ thời gian công việc.

Trưởng Ban Chỉ đạo thi quốc gia cũng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo “4 đúng - 3 không” trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. “4 đúng” là đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ một quy trình nào; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. "Ba không” là không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng, áp lực quá mức.

Theo lịch của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ chính thức diễn ra từ ngày 28/6-29/6 với 4 bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội.