Thói quen tiêu dùng Mỹ thay đổi, doanh nghiệp Việt cần lưu ý điều này

14/03/2024 17:53

Theo dõi trên

Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ không giảm như dự báo, nhưng đi kèm với đó là các điều kiện mới mà các đối tác xuất khẩu như Việt Nam cần lưu ý.

nhieu-nguoi-my-van-muon-gia-tang-chi-tieu-bat-chap-nhung-lo-ngai-ve-tai-chinh-pld-1710413478.jpg
Nhiều người Mỹ vẫn muốn gia tăng chi tiêu bất chấp những lo ngại về tài chính

Năm ngoái, câu chuyện lạm phát, lãi suất cao, thị trường việc làm khó khăn như là hệ quả của đại dịch COVID-19 và xung đột Nga – Ukraine được cho sẽ khiến thu nhập của người Mỹ bớt rủng rỉnh hơn, qua đó đặt áp lực lên thị trường tiêu dùng vốn chiếm tới 2/3 GDP nền kinh tế Mỹ. Nhưng có vẻ điều đó không khiến chi tiêu của người Mỹ kém đi trong năm 2024.

Người Mỹ muốn chi tiêu nhiều hơn

Báo cáo cuối tháng 2/2024 của McKinsey chỉ ra, bất chấp những bất ổn kinh tế toàn cầu kéo dài và lo ngại về lạm phát, kế hoạch chi tiêu của người Mỹ vẫn gia tăng, đặc biệt là ở thế hệ trẻ như Gen Z và thế hệ Millennials. Nhóm nhân khẩu học này có xu hướng mua sắm “tự thưởng cho bản thân” nhiều hơn, báo hiệu khả năng tăng chi tiêu tùy ý vào các danh mục cụ thể như thực phẩm ở nhà, du lịch, trang điểm và quần áo mới. Đặc biệt, thế hệ Millennials có thu nhập cao đã cho thấy ý định chi tiêu tăng lên đáng kể.

Khảo sát đầu năm 2024 của Northwestern Mutual cũng cho thấy 59% nói rằng họ sẽ chi tiêu tương đương hoặc nhiều hơn cho các giao dịch mua sắm tùy ý vào năm 2024. Hầu hết người trẻ thuộc thế hệ Z nói rằng họ sẽ không giảm bớt, trong khi thế hệ X (độ tuổi 42 -57) có nhiều khả năng chi tiêu mạnh tay nhất.

Lý giải về điều này, các chuyên gia cho rằng trong khi hầu hết người dân Mỹ lo ngại về an ninh tài chính, thì thế hệ Millennials lại là nhóm có tiền của rủng rỉnh nhất so với các thế hệ trước, một phần giúp họ chi tiêu mạnh tay hơn.

Một báo cáo gần đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho thấy những người dưới 40 tuổi đã chứng kiến giá trị tài sản ròng của họ tăng nhanh nhất trong những năm kể từ đại dịch. Điều này cho phép họ có thể cảm thấy tự tin hơn vào khả năng chi tiêu của mình và vẫn theo đuổi các mục tiêu khác, như tiết kiệm và đầu tư.

Quan điểm “hưởng thụ” hơn cũng có thể là một phần nguyên nhân. Ông Christian Mitchell, Giám đốc của Northwestern Mutual, cho rằng nhiều người Mỹ cảm thấy không nhất thiết phải có kế hoạch giảm chi tiêu, điều này đã giữ cho nền kinh tế phát triển ngay cả khi giá cả và lãi suất cao.

Dù vậy, yếu tố “có chọn lọc” có thể dễ bị các nhà sản xuất cung ứng hàng hóa cho thị trường Mỹ bỏ quên. Dữ liệu về chi tiêu của nhóm người này tích cực trong năm 2024; có một xu hướng đáng chú ý là sự thay đổi theo hướng chi tiêu có chọn lọc hơn, trong đó người tiêu dùng ngày càng tập trung vào giá trị và ưu tiên các mặt hàng thiết yếu.

Xu hướng chi tiêu phóng tay thể hiện rõ hơn ở một số khu vực nhất định. Ví dụ, du lịch đã trở nên phổ biến hơn về quần áo và chăm sóc sắc đẹp so với quý cuối cùng của năm 2023, với những người thuộc thế hệ Baby Boomer dẫn đầu trong hạng mục này. Điều này cho thấy tiềm năng tăng chi tiêu trong lĩnh vực du lịch trong tương lai gần.

Ngoài ra, mối quan tâm đến việc nấu ăn tại nhà ngày càng tăng, với việc người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều hơn cho các mặt hàng tạp hóa cao cấp, cho thấy sự thay đổi trong chi tiêu hướng tới nhiều trải nghiệm tại nhà hơn.

Nhưng với chỉ 41% cảm thấy an toàn về mặt tài chính theo khảo sát của Northwestern Mutual – mức thấp nhất từ trước tới nay, ông Mitchell chỉ ra tâm lý chung của người tiêu dùng Mỹ vẫn là lo ngại. Một cuộc bầu cử Tổng thống đầy tranh cãi và sự bất ổn toàn cầu dường như không làm bức tranh đó tươi sáng hơn trong một sớm một chiều.

cpi-cua-my-cung-dang-tren-da-giam-mot-tin-hieu-vui-cho-hang-viet-nam-pld-1710413477.png
CPI của Mỹ cũng đang trên đà giảm – một tín hiệu vui cho hàng Việt Nam

Muốn khai thác, hàng Việt cần tinh tế hơn

Sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường tiêu dùng Mỹ chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam mở rộng các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của mình. Tuy nhiên, xu hướng chi tiêu có chọn lọc hơn của thị trường tiêu dùng vốn chiếm tới gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam khiến các doanh nghiệp cần lưu ý để điều chỉnh khi xuất khẩu sang Mỹ.

Với xu hướng tiêu dùng gia tăng của người trẻ, tăng cường trải nghiệm cá nhân vốn được nhóm này đề cao sẽ giúp hàng hóa Việt chinh phục thị trường. Tại đó, đối với các mặt hàng thủ công, đồ gỗ hoặc đồ gia dụng, nếu doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được xu hướng và tâm lý người tiêu dùng Mỹ, thì có thể tạo ưu thế cạnh tranh đáng kể.

Một trong những giá trị mà người tiêu dùng Mỹ đang ưa chuộng còn là tính bền vững và trách nhiệm xã hội, hay ESG. Do đó, các doanh nghiệp cần chú trọng quảng bá các yếu tố này tới thế hệ Gen Z và Millennials, đặc biệt là thông qua các kênh mạng xã hội và tiếp thị trực tuyến.

Trong khi các báo cáo chỉ ra thực phẩm và du lịch có khả năng sẽ được chi tiêu nhiều nhất, đó sẽ là thế mạnh mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác. Thế nhưng, vấn đề là đảm bảo được chất lượng cao và sự đồng đều cũng là bài toán khó cho các doanh nghiệp Việt.

Ông Vinh Nguyễn, Chủ tịch Tổ chức Người Việt toàn cầu về kinh doanh và đầu tư (VBI Global) có trụ sở tại Mỹ, chia sẻ: “Mặc dù tôi thấy nhiều sản phẩm Việt Nam đã được xuất khẩu sang Mỹ, nhưng cơ hội thị trường vẫn còn rất nhiều. Điều quan trọng là các doanh nghiệp Việt đừng nên “tham” quá, phải từ bỏ tư duy “ăn xổi ở thì”. Mình đã làm tốt được một lần thì cố gắng tiếp tục duy trì sản phẩm có chất lượng như vậy. Có như vậy, doanh nghiệp Việt Nam mới dần gây dựng được lòng tin của khách hàng Mỹ”.

Bạn đang đọc bài viết "Thói quen tiêu dùng Mỹ thay đổi, doanh nghiệp Việt cần lưu ý điều này" tại chuyên mục Dịch vụ - Thị trường. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com