Bộ GTVT đã có chỉ đạo liên quan tới dự án xây dựng cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ.
Yêu cầu Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, chủ đầu tư tiểu dự án GPMB để bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 9/2022.
Chủ đâu tư tăng cường giám sát, đôn đốc các nhà thầu dồn lực hoàn thành toàn bộ các cầu trên tuyến trước ngày 30/9/2022..
Trong năm 2022 phải hoàn thành xử lý xong nền đất yếu phần đường. Đến 28/2/2023 phải hoàn thành lớp móng cấp phối đá dăm và thảm bê tông nhựa. Đảm bảo thông xe trước ngày 30/4/2023.
Về tiến độ hiện tại, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), địa phương đã bàn giao 22,97/22,97 km chính tuyến (đạt 100%); phạm vi các nút giao còn vướng khoảng 0,18 km. Lũy kế sản lượng thực hiện đối với 3 gói thầu xây lắp tại dự án đạt 48,51% giá trị hợp đồng, chậm 2,16% so với tiến độ yêu cầu.
Nguyên nhân của việc chậm trễ được Bộ GTVT nhận định do nhà thầu tổ chức thi công chưa hợp lý, đắp gia tải chậm.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ khởi công đầu năm 2021, dài gần 23 km, vốn đầu tư 4.800 tỷ đồng. Giai đoạn một của dự án quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, bề rộng cầu 17,5 m, vận tốc 80 km/h.
Tuyến đường đi qua 2 tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long. Điểm đầu của dự án nằm tại phường Tân Hòa, Vĩnh Long. Điểm cuối tại nút giao cầu Chà Và, kết nối quốc lộ 1, thuộc xã Thuận An, thị xã Bình Minh.
Theo kế hoạch ban đầu, cao tốc dự tính hoàn thành năm 2022, đưa vào khai thác toàn bộ giai đoạn 1 trong năm 2023. Giai đoạn hoàn chỉnh cao tốc được thiết kế 100 km/h với 6 làn xe, bề rộng nền đường 32 m.
Sau khi tuyến cao tốc này hoàn thành, kết hợp với tuyến TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận và cầu Mỹ Thuận 2, tạo thành tuyến cao tốc hoàn chỉnh từ TP.HCM - Cần Thơ. Thời gian đi từ TP.HCM đến Cần Thơ chỉ còn gần 2 tiếng so với 3-4 tiếng hiện nay trong điều kiện không kẹt xe, giảm áp lực giao thông, tai nạn giao thông trên quốc lộ 1.
Tuyến đường là thành phần của của cao tốc Bắc - Nam phía Đông, kết nối từ TP.HCM - Cần Thơ dài 120 km cũng như nhiều tuyến khác ở các tỉnh miền Tây