Thực hiện đồng bộ các giải pháp để chỉ đạo, điều hành các Tập đoàn, Tổng công ty giữ vững vai trò nòng cốt của kinh tế nhà nước

Chiều 7/3, tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh chủ trì cuộc họp chuẩn bị nội dung cho buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc diễn ra trong thời gian tới.
thu-tuong-lam-viec-voi-cac-tap-doan-tong-cong-ty-pld-1678267108.jpg

Tham dự cuộc họp có các Phó Chủ tịch Ủy ban: Nguyễn Ngọc Cảnh và Đỗ Hữu Huy; đại diện lãnh đạo các Vụ chức năng, Văn phòng Ủy ban và Trung tâm Thông tin; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện lãnh đạo 19 Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban.

Năm 2022, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 và tình hình bất ổn thế giới làm cho một số doanh nghiệp thuộc Ủy ban lợi nhuận giảm mạnh, có doanh nghiệp lỗ lớn, giảm vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, với nỗ lực và quyết tâm cao độ, vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng mọi thời cơ, các Tập đoàn, Tổng công ty vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực; tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước; góp phần bảo đảm cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô và xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chính sách an sinh xã hội; về cơ bản đã hoàn thành các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh được giao, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước.

Về thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2022, tổng doanh thu công ty mẹ của 19 Tập đoàn, Tổng công ty ước đạt 1.123.334 tỷ đồng (bằng 114% kế hoạch và 133% so với năm 2021). Ngoại trừ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có lỗ đột biến do nguyên nhân khách quan, tổng lợi nhuận trước thuế của 18 Tập đoàn, Tổng công ty ước đạt 39.219 tỷ đồng (bằng 173% kế hoạch và bằng 117% so với năm 2021). Trong đó, 15/19 Tập đoàn, Tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 17/19 Tập đoàn, Tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế; 16/19 Tập đoàn, Tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách nhà nước.

Một số Tập đoàn, Tổng công ty đã có nhiều nỗ lực, đạt nhiều kết quả tích cực, vượt mức kế hoạch tại nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh so với những năm trước như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoán sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC)...

Về thực hiện và giải ngân vốn đầu tư năm 2022, sau 4 năm chuyển về Ủy ban quản lý, có 41 dự án nhóm A, 125 dự án nhóm B đã được các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Ủy ban phê duyệt/triển khai thực hiện/hoàn thành đầu tư.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các Tập đoàn, Tổng công ty, Ủy ban đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật để triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư; trong đó, có 10 dự án lớn, quan trọng, cấp thiết đã chậm tiến độ từ nhiều năm, với tổng mức đầu tư khoảng 259.000 tỷ đồng.

Năm 2022, Ủy ban đã thực hiện đầy đủ, đúng quy định của pháp luật và ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty được giao quản lý, khắc phục tình trạng trước đây nhiều nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa được thực hiện đầy đủ hoặc tồn đọng qua nhiều năm. Nhiều công việc được thực hiện tốt hơn trước đây. Ủy ban đã chú trọng đề cao nguyên tắc tuân thủ pháp luật và bảo toàn, phát triển vốn nhà nước, nhất là đối với các dự án đầu tư lớn.

Đối với những vấn đề pháp luật chưa quy định hoặc quy định chưa đủ rõ, Ủy ban đã chủ động đề nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn làm rõ để bảo đảm cơ sở pháp lý chặt chẽ. Qua đó, tránh những sai phạm, sơ hở trong quá trình thực hiện như trước đây đã xảy ra ở một số doanh nghiệp.

Về cơ bản, 19 Tập đoàn, Tổng công ty hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; tổng giá trị vốn nhà nước được bảo toàn, phát triển; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên, một số Tập đoàn, Tổng công ty đạt kim ngạch xuất nhập khẩu lớn; chưa phát sinh dự án đầu tư có nguy cơ rủi ro cao gây thua lỗ lớn, thất thoát vốn nhà nước; thể hiện rõ vai trò trong việc góp phần bảo đảm một số cân đối lớn của nền kinh tế, xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; là công cụ quan trọng để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường, kiềm chế lạm phát, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và đảm bảo an sinh xã hội.

chu-tich-uy-ban-quan-ly-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-pld-1678267108.jpg
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh phát biểu kết luận cuộc họp

Sau khi nghe báo cáo của các Vụ chức năng và 19 Tập đoàn, Tổng công ty cùng ý kiến đóng góp của đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đánh giá: “Năm 2022, Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty đã nỗ lực và quyết tâm cao độ, vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng mọi thời cơ. Các Tập đoàn, Tổng công thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực; tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước; góp phần bảo đảm cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô và xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chính sách an sinh xã hội; về cơ bản đã hoàn thành các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh được giao, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước”.

Bên cạnh đó, trong năm 2022, Ủy ban và các doanh nghiệp đã triển khai nhiều dự án đầu tư trọng điểm, có tính kết nối, lan toả, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Đó là các cơ sở hạ tầng thiết yếu, các công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng nhiều mặt cả về kinh tế, chính trị lẫn an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng như chuỗi dự án Lô B, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, Cảng hàng không quốc tế Long Thành...

Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh giao nhiệm vụ cho các Vụ, đơn vị liên quan tổng hợp các ý kiến đóng góp tại cuộc họp, từ đó, hoàn thiện báo cáo tổng thể trình Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp sắp tới.