Thường trực Thành ủy Hà Nội đồng ý giãn cách đến 6h00 ngày 6/9

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết Thường trực Thành ủy Hà Nội đã đồng ý với đề xuất tiếp tục giãn cách xã hội sau ngày 23/8 theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đến 6h ngày 6/9 và giao UBND Thành phố ban hành Công điện mới.

 

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong. Ảnh: Gia Huy

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết trong cuộc họp trao đổi thông tin với các cơ quan báo chí liên quan đến việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19 tại Hà Nội chiều 20/8.

Đã bố trí, kích hoạt 10.600 giường điều trị F0

Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, từ ngày 27/4 đến nay Hà Nội ghi nhận 2.695 ca bệnh. Hiện Thành phố ghi nhận 10 chùm ca bệnh, các chùm ca bệnh đến nay đã được khống chế và không ghi nhận ca mắc mới. Riêng tại chung cư HH4C, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, tính đến 11h00 ngày 20/8/2021, tại khu vực đã ghi nhận 27 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 phân bổ 08 tầng.

Qua công tác chủ động rà soát, giám sát các trường hợp ho, sốt ngoài cộng đồng đã phát hiện 1.406 ca mắc tại 29 quận, huyện, thị xã, trong đó 122 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 nguyên phát.

Về công tác khoanh vùng, phong tỏa, xử lý dịch, tổng số điểm phong tỏa là 464 tính đến 12h00 ngày 20/8/2021. Số điểm phong tỏa mới từ ngày 24/7/2021 đến 244 điểm. Số điểm đang còn phong tỏa còn 99/464 tổng số điểm phong tỏa với khoảng 18.000 người.

Hiện Thành phố đã bố trí, kích hoạt 10.600 giường điều trị F0. Trong đó, có 1.000 giường tại 7 bệnh viện đang điều trị bệnh nhân F0; có 3.000 giường tại 12 bệnh viện khác  đã sẵn sàng chuyển trạng thái công năng điều trị bệnh nhân F0 mức độ vừa trở lên; 6.600 giường tại cơ sở thu dung, điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại 4 cơ sở (Đền Lừ III 2.000 giường; Đại học Phenikaa 600 giường; Khu Nhà ở học sinh, sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp A5 2.000 giường và Khu Thượng Thanh, Long Biên 2.000 giường). Tuần từ 16/8 – 22/8, TP. Hà Nội tiếp tục kích hoạt thêm 4.000 giường điều trị. Từ 23/8 – 05/9, Thành phố tiếp tục kích hoạt thêm 5.000 giường điều trị.

Ngoài ra, đến nay, tổng số xét nghiệm RT-PCR do Hà Nội và các bệnh viện thực hiện đợt dịch thứ tư: Từ ngày 29/4 đến nay 594.505 mẫu. Hiện tại Thành phố có 9 cơ sở xét nghiệm RT-PCR: 8 bệnh viện, cơ sở xét nghiệm có thể đáp ứng từ 80.000-100.000 mẫu gộp/ngày và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố đáp ứng với công suất khoảng 7.300 mẫu đơn/ngày (tương đương 73.000 mẫu gộp 10/ngày).

Triển khai xét nghiệm diện rộng để chủ động phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, đến nay Đợt 1 đã lấy được 322.925 mẫu (đạt 107,6% kế hoạch), kết quả đã phát hiện được 29 ca mắc. Đợt 2 đã lấy được 421.108 mẫu (đạt 48,8% kế hoạch), kết quả đã phát hiện được 18 ca mắc.

Công tác tiêm chủng vaccine, tổng cộng 10 đợt phân bổ vaccine với 1.919.500 liều các loại vaccine được Bộ Y tế phê duyệt. Kết quả, tiêm 9 đợt được tổng cộng 1.768.981 mũi tiêm (1.671.987 mũi 1; 96.994 mũi 2) cho 1.671.987 người dân Thành phố (bằng 27% số người dân trong độ tuổi tiêm chủng và bằng 20,1% dân số).

Bên cạnh đó, Thành phố hiện có 135 cơ sở cách ly có quyết định thành lập gồm (20 cơ sở do Thành phố thành lập; 9 cơ sở trong doanh trại quân đội, công an quản lý và 106 cơ sở tại các quận, huyện, thị xã) có khả năng tiếp nhận ngay cách ly 42.982 người và hiện đang cách ly 5.120 người.

Ảnh: Gia Huy

Giữ được Hà Nội an toàn sẽ tác động tích cực tới cả nước

Kết luận buổi họp thông tin, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, đã gần 30 ngày Thành phố thực hiện giãn cách xã hội nhằm tranh thủ “thời gian vàng” để bóc tách các F0 ra cộng đồng, từng bước khống chế dịch bệnh. Đến nay, Thành phố đã đạt được những kết quả khả quan, đặc biệt, nhờ xét nghiệm diện rộng đã phát hiện được các vùng có nguy cơ cao.

Thành phố cũng đã tập trung nâng cao năng lực về mọi mặt của ngành y tế, cung cấp bổ sung thêm hệ thống oxy cho công tác điều trị; chuẩn bị các phương án giường bệnh, các điểm cách ly tập trung F1; chỉ đạo các cơ quan ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào phòng, chống dịch; nâng cấp trung tâm cấp cứ 115 kết nối hệ thống xe cấp cứu trên địa bàn và chuẩn bị hệ thống xe tắc xi 5-7 chỗ phục vụ công tác cấp cứu… Hà Nội cũng đang nghiên cứu thử nghiệm hệ thống quản lý F1 liên thông với cảnh sát giao thông.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, thành quả quan trọng nhất là đã huy động được sự vào cuộc của nhân dân với những cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Phó Bí thư Thành ủy cho biết, Trung ương, Chính phủ đánh giá rất cao sự chủ động quyết tâm của Thành phố và sự vào cuộc của Nhân dân Thủ đô; Mong muốn Hà Nội giữ được an toàn, phủ xanh các “vùng xanh”,bởi giữ được Hà Nội an toàn sẽ tác động tích cực tới cả nước đặc biệt các tỉnh phía Bắc.

Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, tình hình dịch bệnh vẫn đứng trước nhiều nguy cơ do vẫn còn F0 trong cộng đồng; dịch bệnh phía Nam và các tỉnh lân cận vẫn nghiêm trọng; một số mục tiêu của việc giãn cách vẫn chưa đạt được, lượng người ra đường còn đông.

“Nếu không chống dịch quyết liệt hơn nữa, thì dịch càng dễ bùng phát”- Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh và cho biết, trên cơ sở báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND Thành phố, Thường trực Thành ủy đã đồng ý với đề xuất tiếp tục giãn cách xã hội sau ngày 23/8 theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đến 6h ngày 6/9 và giao UBND TP ban hành Công điện mới.

Mục tiêu của đợt giãn cách này nhằm nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng; đẩy mạnh tiêm chủng; nâng cao năng lực y tế Thủ đô và hoàn thiện các nội dung, công việc đã bộc lộ những hạn chế trong thời gian giãn cách vừa qua.