TIS ngập trong thua lỗ

Thị trường tiêu thụ thép gặp nhiều khó khăn, sản lượng và giá bán đều giảm, trong khi giá nguyên liệu đầu vào cao, đã khiến TIS tiếp tục thua lỗ trong quý III, đánh dấu quý thua lỗ thứ 5 liên tiếp.

Thua lỗ quý thứ 5 liên tiếp

Công ty CP Gang thép Thái Nguyên – Tisco (UpCOM: TIS) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023, với doanh thu thuần đạt gần 2.414 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp còn gần 34 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2023.

cong-ty-cp-gang-thep-thai-nguyen-thua-lo-pld-1697373275.jpg
Tisco thua lỗ quý thứ 5 liên tiếp.

Không chỉ sụt giảm về doanh thu, doanh nghiệp ngành thép này còn gánh nặng thêm phần tăng của chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp. Theo đó, chi phí lãi vay tăng 21%, lên 42,6 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 36% lên gần 39 tỷ đồng, nên mặc dù doanh thu tài chính tăng 247% so với cùng kỳ lên hơn 10 tỷ đồng cũng không thể cứu doanh nghiệp này thoát lỗ.

Kết quả, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế của TIS ghi nhận lỗ gần 59 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 25 tỷ đồng. Đây cũng là quý kinh doanh thua lỗ thứ 5 liên tiếp của doanh nghiệp ngành thép này.

Doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân tăng lỗ trong quý III năm nay là do thị trường tiêu thụ thép gặp nhiều khó khăn, sản lượng và giá bán đều giảm, trong khi giá nguyên liệu đầu vào cao.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, TIS ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.790 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 194 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối quý III/2023, tổng tài sản của TIS đạt hơn 10.690 tỷ đồng, tăng gần 5% so với hồi đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn ở mức hơn 2.720 tỷ đồng, có hơn 108 tỷ đồng tiền mặt.

Khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng lên đến gần 1.000 tỷ đồng, doanh nghiệp cũng dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi gần 348 tỷ đồng. Hàng tồn kho của doanh nghiệp ở mức hơn 1.800 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với hồi đầu năm.

Đáng chú ý, tài sản dài hạn của TIS gần 8.000 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu là chi phí xây dựng cơ bản dở dang gần 6.543 tỷ đồng, liên quan đến Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (Tisco 2). Đây là dự án từng mang rất nhiều kỳ vọng nhưng đã “nằm đắp chiếu” hơn 15 năm qua.

tisco-1697373275.jpg
Hơn 6.500 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang của TIS bị “chôn” trong Dự án mở rộng giai đoạn 2, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO 2), Dự án nằm “đắp chiêu” hơn 15 năm qua.

Tổng chi phí đầu tư toàn dự án theo dự toán ban đầu là hơn 3.843 tỷ đồng và theo dự toán điều chỉnh đã được phê duyệt tổng mức đầu tư mới của dự án là gần 8.105 tỷ đồng, nhà thầu chính là Công ty China Metallurgical Group Corporation.

Hiện tại, dự án đã kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu, Ban lãnh đạo TIS cùng Tổng Công ty Thép Việt Nam vẫn tiếp tục đàm phán với các nhà thầu phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan để tháo gỡ khó khăn cho dự án.

Triển vọng ngành thép sẽ cải thiện vào năm 2024?
Kết quả kinh doanh ảm đạm của TIS cùng với một số doanh nghiệp ngành thép khác diễn ra trong bối cảnh quý III hàng năm được xem là mùa thấp điểm tiêu thụ thép vì là mùa mưa, các hoạt động xây dựng thường chậm hơn các quý khác trong năm. Bên cạnh đó, bức tranh của toàn ngành thép vẫn chưa thực sự phục hồi trở lại, mặc dù cũng đã có nhiều tín hiệu khởi sắc.

Trong báo cáo ngành thép mới đây, Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV) cho biết, sản lượng sản xuất thép lũy kế của Việt Nam đạt 13,1 triệu tấn cho 6 tháng đầu năm 2023, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tiêu thụ thép cho lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 là 12,4 triệu tấn, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu của thị trường bất động sản còn yếu.

tis-1697373275.png
Trên UpCOM, cổ phiếu TIS đang giao dịch quanh mức giá 4.400 đồng/cổ phiếu, giảm gần 27% so với hồi giữa tháng 6/2023.

Bên cạnh đó, lãi suất cao và các vấn đề về trái phiếu bất động sản trong năm 2022 đã gây áp lực lên nguồn cầu trong nửa đầu năm 2023. Dù lũy kế sản lượng tiêu thụ thấp hơn so với năm trước nhưng sản lượng tiêu thụ của ngành thép đã bắt đầu khởi sắc trở lại trở lại kể từ tháng 2/2023.

Theo SSV, tiêu thụ thép chạm đáy 1,7 triệu tấn trong tháng 01/2023. Kể từ đó, sản lượng tiêu thụ thép hàng tháng đã tăng lên qua các tháng. So với đầu năm, sản lượng thép tiêu thụ trong tháng 6 tăng 26% lên 2,1 triệu tấn, giảm nhẹ 4% so với tháng 6/2022. Những hỗ trợ của chính phủ cho thị trường nhà ở và việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng đã góp phần phục hồi nhu cầu của ngành thép.

Về giá thép, SSV cho biết, giá thép trong nước bắt đầu giảm từ tháng 3, cùng xu hướng với giá thép thế giới. Giá thép bình quân tháng 6 vào khoảng 13.842 đồng/kg đối với thép cuộn và 14.016 đồng/kg đối với thép thanh. So với thời điểm đầu năm, giá thép hiện tại giảm nhẹ. Với chi phí nguyên liệu thấp hơn và nhu cầu yếu trong ngành hiện tại, giá thép trong nước dự kiến sẽ duy trì ở mức thấp trong tương lai.

Đánh giá về triển vọng của ngành thép, SSV cho rằng, con đường phục hồi còn khó khăn trong năm 2023, tuy nhiên, triển vọng sẽ cải thiện vào năm 2024. Theo SSV, thị trường bất động sản trong nước hiện có nhu cầu thấp do các vấn đề chưa được giải quyết liên quan đến thị trường trái phiếu năm 2022. Số lượng căn hộ được cấp phép đạt 7.187 căn, giảm 61% so với cùng kỳ, trong quý I/2023, báo hiệu hoạt động xây dựng sẽ còn yếu trong tương lai.

Tuy nhiên, SSV đánh giá, thời điểm tồi tệ nhất của thị trường bất động sản đã qua. Số liệu gần đây cho thấy, lượng giao dịch căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ tăng 272% so với quý IV/2022 và tăng 192% so với quý I/2022. Điều này cho thấy căn hộ chung cư tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhóm đối tượng có nhu cầu ở thực.

Các luật mới liên quan đến thị trường bất động sản được thông qua vào tháng 10/2023 sẽ là cơ sở để giải quyết các vấn đề hiện tại trên thị trường và là động lực chính để thị trường phục hồi. Tiêu thụ thép tại Việt Nam dự kiến sẽ giảm 15% vào năm 2023 trước khi tăng 20% vào năm 2024.

“Sự phục hồi của thị trường bất động sản và kinh tế thế giới sẽ giúp cải thiện tiêu thụ thép vào năm 2024. Ngoài ra, lãi suất và tỷ lệ lạm phát giảm cũng là những động lực để cải thiện nhu cầu thép trong tương lai”, SSV nhận định.