VNSteel thay một loạt lãnh đạo chủ chốt, cần nguồn vốn lớn để xử lý dự án Tisco 2 và tái cơ cấu VTM

Kể từ ngày 12/5, ông Lê Song Lai được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐQT VNSteel nhiệm kỳ 2021-2026 thay thế cho ông Lê Thanh Tuấn. Cùng ngày, ông Nghiêm Xuân Đa cũng được bổ nhiệm làm Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.

Hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel - Mã: TVN) vừa công bố miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Thanh Tuấn kể từ ngày 12/5. Đồng thời miễn nhiệm Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc đối với ông Lê Song Lai.

Thay vào đó, ông Lê Song Lai được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT VNSteel nhiệm kỳ 2021-2026 kể từ ngày 12/5. Còn ông Nghiêm Xuân Đa, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ làm Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của VNSteel kể từ ngày 12/5.

tong-cong-ty-thep-viet-nam-vnsteel-co-tan-chu-tich-va-tong-giam-doc-pld-1684337329.png
Tổng công ty thép Việt Nam (VNSteel) có tân Chủ tịch và Tổng giám đốc

Mới đây, VNSteel đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 thông qua kế hoạch với doanh thu hợp nhất đạt 35.800 tỷ đồng, giảm 8% so với năm ngoái; lợi nhuận trước thuế ở mức 235 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 723 tỷ đồng trong năm 2022.

Năm 2023, lãnh đạo VNSteel nhận định tình hình sẽ tiếp tục có nhiều trở ngại và diễn biến khó lường, bối cảnh kinh tế ngày càng có nhiều thách thức về cạnh tranh tại thị trường nội địa. Ngoài ra, áp lực về lãi suất và tỷ giá sẽ tiếp tục tăng, khiến chi phí gia tăng, tác động trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất thép.

Công ty cũng nhận định cạnh tranh về giá thép thành phẩm nội địa năm 2023, sẽ khốc liệt hơn những năm trước. Bởi các doanh nghiệp phải tìm mọi cách phục hồi lại sản lượng và cải thiện kết quả lợi nhuận đã sụt giảm nghiêm trọng trong năm ngoái. Tổng công ty cũng nhận định giá thép thành phẩm nội địa năm nay sẽ có tốc độ giảm sâu hơn so với tốc độ giảm giá nguyên liệu do áp lực cạnh tranh về giá để bán hàng. 

Hiện tại, VNSteel sẽ phải chủ động chuẩn bị nguồn lực tài chính lớn để nộp quyết toán cổ phần hoá và thực hiện phương án xử lý Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (Dự án Tisco 2) và tái cơ cấu Nhà máy gang thép Lào Cai (VTM) sau khi được phê duyệt.

Mới đây, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 12 trong đó yêu cầu xử lý dứt điểm trong tháng 5/2023 với các dự án, doanh nghiệp: Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên, Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án nhà máy gang thép Lào Cai, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất.

Được biết, đây đều là những dự án được đầu tư nghìn tỉ đồng, do 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đầu tư thua lỗ trong những năm qua.

Do cần nguồn vốn lớn để xử lý dự án Tisco 2 và tái cơ cấu VTM nên VNSteel có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ 3% trên vốn điều lệ, tương ứng 203 tỉ đồng. Số lợi nhuận sau thuế sau khi trích các quỹ và chia cổ tức thì sẽ tích lũy để đầu tư phát triển. Được biết, tại ngày 31/3/2023, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn hơn 2.619 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý 1/2023, tổng tài sản của VNSteel hơn 24.283 tỷ đồng, trong đó tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng hơn 2.273 tỷ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng đang rót 3.277 tỷ đồng vào các công ty con, công ty liên kết và đơn vị khác.

Nợ phải trả của VNSteel tại ngày 31/3 ở mức 14.327 tỷ đồng, với nợ đi vay là 7.908 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn ghi nhận chi phí phải trả ngắn và dài hạn là 2.446 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,44 lần.