Kịch bản lợi nhuận năm 2023
Mới đây, HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel - Mã: TVN) đã thống nhất tạm thời thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 theo đề xuất của Ban Giám đốc tại các tờ trình số 1376 ngày 14.12.2022, báo cáo số 1407 ngày 27.12.2022 và báo cáo số 54 ngày 19.1.2023.
Cụ thể, tại báo cáo số 54, Tổng giám đốc VNSteel đưa ra hai phương án về chỉ tiêu lợi nhuận.
Theo đó, phương án một, giả định năm tài chính 2023, Nhà máy Gang thép Lào Cai (VTM) hoà vốn, đồng thời vấn đề chênh lệch hàng thừa thiếu của nhà máy được xử lý, ghi nhận chi phí trong kỳ kế toán 2023 mà không phát sinh trách nhiệm đền bù cá nhân, kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 của VNSteel dự kiến là 37 tỉ đồng.
Với phương án hai, giả định năm tài chính 2023, Nhà máy Gang thép Lào Cai không lập và thực hiện được kế hoạch sản xuất kinh doanh. Vì vậy, Tổng công ty không thực hiện trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn đối với khoản đầu tư tại VTM trong năm 2023 lên báo cáo tài chính riêng.
Tổng công ty không ước tính được lãi/lỗ kế hoạch của đơn vị. Khi đó, kế hoạch lợi nhuận trước thuế của VNSteel trong năm nay ước tính đạt 115 tỉ đồng.
Với hai kịch bản lợi nhuận trên, Tổng giám đốc VNSteel đề xuất chọn thực hiện phương án một, với lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ dự kiến là 37 tỉ đồng.
Lý do được đưa ra là bởi việc xử lý hàng thừa/thiếu trong kiểm kê của Nhà máy Gang thép Lào Cai (phát sinh đã nhiều năm) là cần thiết, nhằm phản ánh trung thực, khách quan tình hình tài chính của công ty. Do đó, VNSteel dự kiến sẽ chỉ đạo người đại diện tại Nhà máy Gang thép Lào Cai để giải quyết dứt điểm trong năm nay.
Trong quá trình thực hiện, trường hợp hoạt động sản xuất kinh doanh của Nhà máy Gang thép Lào Cai phát sinh lỗ hay các yếu tố ngoài dự kiến, Tổng Giám đốc sẽ báo cáo HĐQT và đề xuất điều chỉnh kế hoạch phù hợp.
VNSteel cho biết, ngoài yếu tố trích lập dự phòng cho khoản đầu tư tại Nhà máy Gang thép Lào Cai, hiệu quả sản xuất của tổng công ty còn chịu tác động của nhiều yếu tố như quyết toán cổ phần hóa, các rủi ro có thể phát sinh liên quan đến hạch toán chi phí lãi vay cho Dự án Tisco 2 trong thời gian dự án bị gián đoạn, rủi ro phải dừng Dự án mỏ sắt Thạch Khê, rủi ro khoản nợ tiền thuê đất khu công nghiệp của Công ty Thép Tấm Miền Nam cũng chưa được tính đến.
Còn tại tờ trình số 1376, VNSteel đã trình lên HĐQT công ty ba phương án kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của công ty mẹ. Trong đó, doanh thu dự kiến cả ba phương án đều ở mức 1.899 tỉ đồng. Tuy nhiên, chỉ có một phương án VNSteel có lợi nhuận đạt 28 tỉ đồng, hai phương án còn lại lần lượt lỗ 50 tỉ đồng và 252 tỉ đồng.
Theo tờ trình này, lãnh đạo VNSteel đã đề xuất chọn kế hoạch có doanh thu 1.899 tỉ đồng và lỗ 50 tỉ đồng để phù hợp với tình hình thực tế của thị trường. Song, Tổng công ty Thép Việt Nam vẫn đặt mục tiêu có lãi trong năm 2023.
VNSteel đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn
Năm 2022, do nhu cầu tiêu thụ thấp, sức mua yếu trong khi nguồn cung dồi dào, các nhà sản xuất thép liên tục giảm giá bán để giải phóng hàng tồn kho nguyên liệu và thành phẩm giá cao. Ngoài ra, tình trạng tín dụng thắt chặt, giá và lãi suất tăng mạnh càng làm hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thép thêm khó khăn, thậm chí thua lỗ.
Lãnh đạo VNSteel nhận định cạnh tranh về giá thép thành phẩm nội địa năm 2023 sẽ khốc liệt hơn những năm trước. Bởi các doanh nghiệp phải tìm mọi cách phục hồi lại sản lượng và cải thiện kết quả lợi nhuận đã sụt giảm nghiêm trọng trong năm ngoái.
Theo kế hoạch, VNSteel dự kiến sẽ giải ngân 489 tỉ đồng để thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản trong năm 2023. Trong đó, 327 tỉ đồng đến từ vốn chủ sở hữu và 162 tỉ đồng từ vốn vay thương mại.
Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện đề án tái cơ cấu VNSteel giai đoạn 2021-2026 theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, triển khai dứt điểm các vướng mắc, tồn đọng tại dự án VTM, Tisco.
Trong năm 2022, Tổng công ty Thép Việt Nam đã thực hiện tái cơ cấu một số công ty con. Cụ thể, VNSteel đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ 50% vốn điều lệ đang nắm giữ tại Công ty TNHH Ống thép Việt Nam (Vinapipe).
Được biết, Vinapipe là đơn vị sản xuất ống thép duy nhất tại miền Bắc trước năm 1996. Ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này không còn nằm trong các doanh nghiệp dẫn đầu trong thị phần ống thép, thay vào đó là các tên tuổi khác như Hoà Phát, Hoa Sen...
Ngoài việc dự định bán vốn góp tại Vinapipe, VNSteel đã chuyển nhượng toàn bộ 2,2 triệu cổ phần tại RedstarCera. Trước đó, VNSteel cũng đã giải thể hai doanh nghiệp là Công ty Vật liệu chịu lửa Nam Ưng vì kinh doanh không hiệu quả và Công ty TNHH Thép VPS - POSCO vì dự án đầu tư của công ty đã hết thời hạn hoạt động.