Đến cuối năm 2023, lãnh đạo Agribank cho biết ngân hàng đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh.
Tổng tài sản của Agribank vượt mốc 2 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,88 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,55 triệu tỷ đồng, trong đó 65% dư nợ cho vay phục vụ phát triển "Tam nông". Các tỷ lệ an toàn hoạt động đảm bảo quy định.
Kết quả kinh doanh đạt hiệu quả theo mục tiêu đề ra, có đóng góp lớn đối với ngân sách Nhà nước, Agribank được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt cấp bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ, nâng số vốn điều lệ lên hơn 51.000 tỷ đồng, tạo tiềm lực mở rộng hoạt động kinh doanh, cung ứng vốn đóng góp phát triển nền kinh tế.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, gia tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, Agribank cho biết đã triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước, triển khai 13 chương trình tín dụng ưu đãi với quy mô 200 ngàn tỷ đồng, 8 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ trực tiếp các đối tượng khách hàng, chủ động nắm bắt, tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn.
Cùng với thúc đẩy tăng trưởng, chất lượng tín dụng cũng được đặc biệt chú trọng, kiểm soát chặt chẽ, hạn chế nợ xấu phát sinh. Năm 2023, Agribank thành lập và triển khai hoạt động Ban chỉ đạo xử lý nợ có vấn đề Trụ sở chính và các Chi nhánh, tăng cường kiểm tra giám sát, kỷ cương kỷ luật, đẩy mạnh xử lý, thu hồi nợ.
Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm, Agribank triển khai công tác huy động vốn, điều hành lãi suất, phí điều vốn phù hợp, tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng.
Nguồn vốn huy động tăng trưởng ổn định, phát hành thành công 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng, Agribank cho biết luôn sẵn sàng nguồn vốn phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, đảm bảo thanh khoản và các tỷ lệ an toàn hoạt động.