Trả tiền để làm sạch không khí

Hậu Covid, khi những mối lo về bệnh dịch bắt đầu qua đi và hoạt động kinh tế dần khôi phục, những lo lắng về ô nhiễm không khí lại quay trở lại.
1f290d11-1-6-1665547978.jpeg
Hiện tại tỷ lệ cây xanh ở các quận trung tâm của Hà Nội chỉ đạt khoảng 1m2/người, trong khi mục tiêu là 7m2/người vào năm 2030. Ảnh: TTXVN

Không khí ô nhiễm khiến bệnh tật trầm trọng hơn

Con người hít thở 10.000 lít không khí mỗi ngày để có 350 lít khí oxy nhằm duy trì sự sống và cơ thể khỏe mạnh. Đại dịch Covid-19 một lần nữa làm rõ tầm quan trọng của phổi và các cơ quan hô hấp, đồng thời cũng bộc lộ những hậu quả khôn lường từ việc hệ hô hấp bị suy yếu nếu liên tục phải tiếp xúc với các tác nhân có hại hoặc chất ô nhiễm trong môi trường.

Giai đoạn đầu Covid-19, các nhà nghiên cứu đã quan sát và thấy có những khu vực ở Italy áp dụng chính sách chống dịch tương đối giống nhau nhưng những nơi vốn nổi tiếng là ô nhiễm không khí nặng có số ca tử vong cao hơn hẳn. Sau này, khi người dân được tiêm vaccine đầy đủ để đối phó với đại dịch, các nhà khoa học ở Mỹ lại phát hiện ngay cả trong những người được tiêm đầy đủ nhưng tiếp xúc ngắn hạn hoặc dài lâu với các chất ô nhiễm không khí thông thường cũng có nguy cơ nhập viện cao hơn 30% so với những người được tiêm đủ khác. Tác động bất lợi của việc tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm cao hơn một chút ở những người không được tiêm vaccine đầy đủ, mặc dù sự chênh lệch đó không có mấy ý nghĩa thống kê.

Những phát hiện như vậy rất quan trọng vì chúng cho thấy mặc dù các biện pháp chống dịch hàng đầu đã được áp dụng để giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong nhưng nếu bầu không khí không được cải thiện thì mọi người vẫn phải hứng chịu kết quả tồi tệ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết ô nhiễm không khí là một trong những mối đe dọa môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người, gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Ở Việt Nam, con số đó có thể lên tới hàng chục nghìn. Ô nhiễm không khí làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn, ung thư phổi, tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD), đồng thời làm trầm trọng thêm nhiều bệnh tim mạch, thần kinh và sinh sản khác.

Ngày nay, hầu hết tất cả người Việt Nam đều hít thở không khí vượt ngưỡng khuyến nghị của WHO (5 μg/m3) và khoảng 18-20 tỉnh thành có mức ô nhiễm bụi PM2.5 vượt quá quy chuẩn Việt Nam (25 μg/m3). Trong nhiều năm, thủ đô Hà Nội luôn được gọi tên là một trong những thành phố có mức độ ô nhiễm cao ở Đông Nam Á.

Trong một nghiên cứu công phu do NAFOSTED tài trợ, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Y tế Công cộng ước tính ô nhiễm không khí do bụi PM2.5 năm 2019 có thể đã gây ra hơn 2.800 ca tử vong sớm ở Hà Nội, chiếm tới 12% số ca tử vong sớm ở người trưởng thành. Tính ra, cứ khoảng 100.000 người dân sẽ có hơn 35 người tử vong vì ô nhiễm bụi PM2.5.

Đó là dữ liệu chính xác nhất và cập nhật nhất ở Việt Nam đến thời điểm hiện tại. TS. Nguyễn Thị Trang Nhung (Bộ môn thống kê y sinh học ứng dụng, Đại học Y tế Công cộng), người đứng đầu nghiên cứu mang tính bước ngoặt này chia sẻ họ đã thu thập dữ liệu của tất cả những người tử vong không do chấn thương ở Hà Nội trong giai đoạn 2017-2019 và sử dụng một hàm số sức khỏe đặc trưng cho ô nhiễm không khí để nhặt ra những ca tử vong chỉ liên quan đến ô nhiễm không khí, sau khi loại trừ hết tất cả các nguyên nhân gây tử vong khác.

Khi xem xét đến gánh nặng nhập viện mà ô nhiễm không khí gây ra cho người dân Thủ đô, con số cũng giật mình không kém. Năm 2019, có khoảng gần 3.000 ca bệnh hô hấp và hơn 1.000 ca bệnh tim mạch ở Hà Nội đã phải nhập viện do phải hứng chịu tác động của ô nhiễm không khí trong những đợt cao điểm. Về căn bản, phơi nhiễm với không khí bị ô nhiễm có thể đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân thủ đô giảm đi khoảng 2,49 năm.

Trong một nỗ lực nhằm theo dõi nguy cơ sức khỏe của ô nhiễm không khí đối với người dân ở tất cả 63 tỉnh thành, Bộ Y tế đã bắt tay với nhóm nghiên cứu của TS. Trang Nhung để xây dựng một sổ tay hướng dẫn các cán bộ cấp tỉnh thu thập thông tin cần thiết để tính toán và báo cáo nguy cơ nhập viện, tử vong và số năm sống bị mất đi ở cộng đồng địa phương do phơi nhiễm với ô nhiễm không khí, từ đó đề xuất những biện pháp cải thiện phù hợp tại địa phương. Dự kiến, những báo cáo này sẽ bắt đầu xuất hiện vào cuối năm nay.

Ô nhiễm không khí ở Việt Nam, đặc biệt là ô nhiễm không khí ở miền Bắc, diễn ra theo mùa. Mùa đông (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau) có mức độ ô nhiễm hạt PM cao hơn hẳn so với mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 9).

Trong một dự án do NAFOSTED tài trợ, các nhà nghiên cứu ở Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết giai đoạn 2016 – 2021, mỗi mùa đông Hà Nội hứng chịu khoảng 10-17 đợt ô nhiễm không khí, các đợt kéo dài từ 1 - 6 ngày và có nồng độ bụi PM2.5 trung bình giao động từ 61 - 115 μg/m3 (nồng độ trung bình ngày cho phép của Việt Nam với PM2.5 là 50 μg/m3). Tính ra, mỗi tháng mùa đông người dân Hà Nội phải gánh chịu trung bình hai đợt ô nhiễm không khí nặng. Mùa đông năm nay sắp đến và mối lo ô nhiễm không khí lại một lần nữa quay trở lại.

Sinh mạng đáng giá bao nhiêu?

Những tổn thất sức khỏe do ô nhiễm không khí đòi hỏi cần đầu tư nhiều hơn trong việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí. Nhưng khác với nhiều loại ô nhiễm khác, con người không thể chạy khỏi bầu không khí. Do vậy mọi nỗ lực cải thiện chất lượng không khí phải là nỗ lực chung và có sự tham gia của tất cả ngành nghề, khu vực. Từ góc độ phân tích kinh tế, câu hỏi được đặt ra là “liệu giá trị thiệt hại sinh mạng tránh được có đủ lớn để tạo động lực đầu tư cho giảm thiểu ô nhiễm không khí không”.

Đây là câu hỏi không dễ trả lời bởi với mỗi người giá trị sinh mạng lại có ý nghĩa khác nhau. Nghe có vẻ thật vô cảm khi đong đếm những người lìa đời và tính toán chi phí thiệt hại do bệnh tật hoặc tử vong vì ô nhiễm không khí. Nhưng nếu nghĩ thật kỹ, việc tìm ra câu trả lời đáng tin cậy nhất để xem xét mức chi phí tối thiểu có thể cứu sống được nhiều người nhất chính là điều cực kỳ nhân đạo. Thật khó để chính quyền, doanh nghiệp hoặc cộng đồng có thể đưa ra được một quyết định hành động chuẩn xác và mạnh mẽ nếu họ chỉ mơ hồ biết rằng “ô nhiễm không khí gây thiệt hại” mà không có bất kì số liệu nào để củng cố.

Dưới sự tài trợ của NAFOSTED, nhóm nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã làm một khảo sát lớn trên 1.000 hộ gia đình ở sáu quận, huyện tại Hà Nội trong thời gian từ tháng 6-7/2019 để xem xét mức độ sẵn sàng trả tiền của người dân trong việc cải thiện chất lượng không khí. Đây chính là thước đo giá trị lợi ích mà người dân cảm nhận từ việc thực hiện các giải pháp quản lý môi trường không khí.

Nhóm nghiên cứu đã thiết lập một khảo sát theo cách mà các nhà kinh tế học gọi là “Thực nghiệm các lựa chọn” (Choice Experiments). Trong thực nghiệm này, ban đầu người dân được hỏi về đánh giá chủ quan của mình đối với tình hình ô nhiễm không khí ở Hà Nội và ảnh hưởng sức khỏe mà họ cảm nhận, đồng thời được yêu cầu đánh dấu ba giải pháp mà họ nghĩ cơ quan quản lý nên ưu tiên thực hiện và ba lợi ích thu về mà họ thấy phù hợp nhất với tình huống của mình.

Sau đó, những người được khảo sát được giới thiệu sáu câu hỏi lựa chọn với 12 kịch bản cải thiện chất lượng không khí và mức giá phải trả đi kèm. Mỗi kịch bản được mô tả thành những thuộc tính rất cụ thể về lợi ích cộng đồng từ việc giảm ô nhiễm không khí – chẳng hạn, phương án A sẽ đem đến sự cải thiện, là trung bình trong 100.000 người, giảm được 100 người phải nhập viện vì ô nhiễm không khí, giảm được 20 người tử vong do ô nhiễm không khí, tăng được diện tích cây xanh bình quân đầu người thêm 10m2 so với hiện nay; và chi phí phải chi trả sẽ là hóa đơn tiền điện của hộ gia đình tăng thêm 120.000 đồng/tháng. Các mức giá được lựa chọn và thử nghiệm cẩn thận để tránh hiệu ứng mỏ neo hoặc những ngưỡng giá vô nghĩa, nơi tất cả mọi người đều đồng ý hoặc không ai đồng ý cả.

Cuối cùng, người dân được thu thập những thông tin kinh tế xã hội cơ bản (về thu nhập, trình độ học vấn, số trẻ em, người già trong gia đình, bảo hiểm, thời gian phơi nhiễm với bụi trên đường hoặc khu công nghiệp….) để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến mức tài chính mà họ bỏ ra.

chi-tra-ha-noi-1665547978.png
Một ví dụ minh họa để người được khảo sát làm quen với các câu hỏi lựa chọn và tránh hiện tượng sai lệch do thiếu thông tin, đặc biệt là thông tin về các mức giá | Ảnh: NC

Kết quả cho thấy, người dân Hà Nội sẵn sàng chi trả cho kịch bản đối đa là 80.000–420.000 đồng/tháng (tương đương 3,5–18,1 USD), chiếm khoảng 0,16–1,88% thu nhập hộ gia đình. Khi chuyển con số này thành tác động sức khỏe chung cho cộng đồng, chúng có nghĩa là người dân Hà Nội sẵn lòng bỏ ra 26 – 192 triệu đồng để bớt đi một người phải nhập viện vì ô nhiễm không khí, và từ 164 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng để bớt đi một thành viên trong cộng đồng phải tử vong vì ô nhiễm không khí.

“Khoảng cách giữa các mức sẵn lòng chi trả khá lớn thể hiện sự đa dạng của người tham gia khảo sát, và phù hợp với thực tế là ô nhiễm không khí có khả năng tác động tới tất cả mọi người, bất kể họ giàu có hay nghèo khổ”, TS. Nguyễn Công Thành, Trưởng Bộ môn Kinh tế - Quản lý Tài nguyên và Môi trường và là tác giả chính của nghiên cứu công bố trên tạp chí Economic Analysis and Policy, chia sẻ.

Anh cho biết, nghiên cứu này đã khắc phục được nhược điểm của các nghiên cứu trước đó về ước tính tác động kinh tế của ô nhiễm không khí ở Việt Nam - vốn dựa nhiều vào kỹ thuật chuyển dịch lợi ích (benefit transfer) để đem dữ liệu thứ cấp từ các nước phát triển và điều chỉnh (chủ yếu qua thu nhập) cho trường hợp Việt Nam - gây nên những nghi ngờ và tranh cãi về tính hợp lý của kết quả. Đây là một trong những công trình tiên phong sử dụng dữ liệu thực tế trong nước.

TS. Nguyễn Diệu Hằng, đồng tác giả nghiên cứu nhận xét rằng điều này “có ý nghĩa bao quát rất lớn” vì mặc dù thực nghiệm lựa chọn được làm với người dân ở Hà Nội nhưng các giá trị sẵn lòng chi trả của nó có thể áp dụng cho những tỉnh, thành khác khác với một số điều chỉnh tương đối dễ dàng qua thu nhập mà không phải lo lắng về những khác biệt thường không thể hiện trên thu nhập như văn hóa, lối sống, nhận thức, cách ứng xử với ô nhiễm và nhiều đặc thù kinh tế-xã hội khác.

TS. Thành nói thêm, kết quả nghiên cứu có thể hỗ trợ việc lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí. Khi chúng ta đã biết nhu cầu và mức sẵn lòng chi trả của của người dân (bên cầu), thì tùy theo năng lực thực tế và chi phí mà chính quyền (bên cung) có thể đưa ra các gói giải pháp, chính sách công phù hợp.

Tuy nhiên, việc chọn mức nào trong khoảng rộng sẵn lòng chi trả của người dân để ra quyết định là một thách thức đối với các nhà lập chính sách. Trong những vấn đề liên quan đến sức khỏe thì giới nhà khoa học luôn tỏ ra thận trọng và hướng tới mọi nỗ lực ưu tiên bảo vệ sức khỏe con người, do vậy phần lớn họ sẽ khuyến nghị sử dụng giá trị cao nhất.

Nếu mức ước tính giá trị một ca tử vong là 1,5 tỷ đồng, và số ca tử vong sớm tránh được nếu kiểm soát tốt nồng độ bụi PM2.5 tại Hà Nội là 2.800 ca, lợi ích mang lại có thể lên đến 4,2 nghìn tỷ/năm. Đây là con số không nhỏ nếu so sánh với ước tính chi phí ngân sách để Hà Nội thực hiện Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ đến năm 2030 (ước tính khoảng 5,1 nghìn tỷ/năm, bao gồm cả ngân sách và xã hội hóa).

Và đó mới chỉ là lợi ích về sức khỏe từ việc cải thiện chất lượng không khí. Nếu đong đếm đầy đủ thì các lợi ích xã hội của việc giảm ô nhiễm không khí sẽ còn tăng thêm – chẳng hạn như không khí sạch hơn có thể góp phần làm du lịch của thành phố trở hấp dẫn hơn, thu hút nhiều tài năng và nhà đầu tư đến sống và làm việc hơn, hoặc hạn chế thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp.

Do vậy, bất kì một khoản đầu tư nào để cải thiện chất lượng không khí – từ việc thắt chặt kiểm soát phát thải của một số ngành công nghiệp, đến quyết định trợ giá cho các loại hình nhiên liệu, năng lượng, giao thông, nông nghiệp xanh hơn, hoặc thu hút đầu tư vào các dự án công viên, trường học, bệnh viện, nghiên cứu, quan trắc môi trường… đều có thể nằm trong tầm xứng đáng với những lợi ích khổng lồ này.

_________

Tài liệu tham khảo:

[1]Exposure to air pollution worsens COVID-19 outcomes, even among the fully vaccinated, 9/2022,https://www.eurekalert.org/news-releases/966350

[2] Nhung NTT, et al, “Mortality Burden due to Exposure to Outdoor Fine Particulate Matter in Hanoi, Vietnam: Health Impact Assessment”. Int J Public Health. 4/2022 https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9046539/

[3] Nguyen Q. Dat et al, "Một số đặc điểm của các đợt haze tại Hà Nội",Tạp chí Môi trường, 4/2022, https://tapchimoitruong.vn/nghien-cuu-23/mot-so-dac-diem-cua-cac-dot-haze-tai-ha-noi-26474

[4] Nguyen T. Cong, et al, "Estimating economic benefits associated with air quality improvements in Hanoi City: An application of a choice experiment", Economic Analysis and Policy, 9/2021, https://doi.org/10.1016/j.eap.2021.06.009.