Trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Ngữ văn là môn học được Bộ GD&ĐT ưu tiên đổi mới ráo riết, thể hiện rõ nét ở chủ trương sử dụng nguồn ngữ liệu ngoài SGK trong các bài kiểm tra đánh giá cuối kỳ, cuối cấp – khởi điểm quan trọng để chấm dứt ngay lập tức tình trạng đọc chép văn mẫu trong dạy học Ngữ văn.
Ngữ liệu mới, nằm ngoài SGK khiến học sinh không thể làm bài kiểm tra theo lối cũ – thuần túy nhớ và nhắc lại những điều đã học - mà phải độc lập, chủ động đối diện với văn bản, vận dụng các kĩ năng đọc hiểu và lập luận đã nắm được để thể hiện sự hiểu về ngữ liệu ở phần bài Đọc hiểu và Nghị luận văn học. Điều này khiến cách dạy học sinh nghe - chép - nói bằng lời thầy cô không còn phù hợp, buộc giáo viên phải thay đổi phương pháp để làm sao học sinh có thể đọc - nghĩ - nói bằng lời của mình. Yêu cầu này không dễ thực hiện, không chỉ với giáo viên mà cả với học sinh, đặc biệt là nhóm học sinh đầu cấp THPT năm nay - vốn đã quen với văn hóa đọc chép trong suốt quãng thời gian học Tiểu học và THCS.
Tuy nhiên, thiết kế chương trình và việc triển khai dạy theo SGK Ngữ văn mới mang lại niềm tin tích cực rằng, chủ trương của Bộ GD&ĐT không phải không khả thi. Ví dụ, trong chương trình THPT, các bài học được thiết kế theo chủ đề và hướng vào khai thác nhóm văn bản cùng thể loại, bắt đầu bằng việc cung cấp kiến thức lý thuyết như một công cụ đọc hiểu thể loại. Tiếp theo, học sinh được hướng dẫn phân tích dựa trên lý thuyết, gợi ý khám phá giá trị của những tác phẩm cụ thể. Cuối mỗi chủ đề là hoạt động thực hành viết và nói, luyện tập nghị luận về một văn bản ngoài chương trình do giáo viên hoặc học sinh lựa chọn. Với trình tự này, mỗi bài đọc văn vẫn là một bài mẫu, nhưng không phải là mẫu nguyên vẹn từng câu chữ, mà là mẫu tư duy - vận dụng lý thuyết để hình thành các thao tác đọc hiểu. Như thế, khi tiếp cận một văn bản mới ngoài chương trình, trong các bài kiểm tra đánh giá hay trong thực tế đời sống, học sinh sẽ có kỹ năng cần thiết để cảm thụ tác phẩm nghệ thuật, tất nhiên độ nông sâu còn tùy thuộc vào năng lực thẩm mỹ của mỗi cá nhân.
Để chủ trương đạt hiệu quả như kỳ vọng, hiểu biết về văn bản ngoài SGK của giáo viên cần đủ độ bao quát để chọn lựa được văn bản hay, khơi gợi được năng lực thẩm mỹ, cảm xúc của học sinh. Bên cạnh đó, giáo viên còn cần có chiến lược trong việc lựa chọn văn bản ngoài SGK để luyện tập và đánh giá học sinh theo từng giai đoạn, mức độ nhận thức (nhận biết, thông hiểu, vận dụng), và ở những hình thức khác nhau (trắc nghiệm, tự luận - trả lời ngắn, viết đoạn, viết bài, triển khai dự án học tập, nghiên cứu…), không để văn bản đọc hiểu thấp hơn hoặc cao hơn năng lực hiện tại của các em.
Việc đọc và sửa bài cho học sinh cũng cực kỳ cần thiết để giáo viên có thể điều chỉnh những đánh giá chủ quan thiếu căn cứ, vừa không kìm hãm tính chủ động sáng tạo trong cảm nhận văn học của học sinh; đồng thời giúp các em phân biệt giữa tư duy độc lập và tư duy cảm tính, định hướng các em cách làm việc khoa học, dựa trên những lập luận khách quan, chặt chẽ, bằng chứng tin cậy, thuyết phục từ lý thuyết Ngữ văn và thực tiễn tác phẩm. Có như vậy, trong thời gian ngắn của một bài kiểm tra cuối kỳ hoặc cuối cấp, khi đối diện một ngữ liệu chưa từng gặp, học sinh mới có thể thể hiện những đánh giá của mình về nội dung và hình thức cơ bản của văn bản theo quan điểm cá nhân một cách tự tin, khoa học.
“Tránh…” có thể giúp đổi mới căn bản?
Trong môn Ngữ văn, ngữ liệu là đối tượng đọc hiểu, cũng là phương tiện để giáo viên kiểm tra trình độ đọc hiểu và tạo lập văn bản nghị luận của học sinh. Thay đổi hình thức thi cử và dạy học từ việc thay đổi ngữ liệu trong kiểm tra đánh giá có thể xem là bước chặn đầu hiệu quả để giải quyết tình trạng văn mẫu. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa ngữ liệu SGK chịu toàn bộ trách nhiệm cho tình trạng “thầy đọc trò chép”, cũng không có nghĩa thay đổi ngữ liệu đánh giá sẽ làm thay đổi căn bản vấn đề dạy học Ngữ văn.
Ngữ liệu, dù đặc biệt quan trọng, vẫn chỉ là phương tiện mang tính khách quan. Thay đổi ngữ liệu đánh giá đưa học sinh vào tình trạng đối diện với một đối tượng hoàn toàn mới, buộc các em phải đi trên một con đường lạ, kích thích các em tư duy trước một tình huống mới. Song việc đổi mới sáng tạo không thể chỉ dựa vào những tác nhân bên ngoài - đời sống không thiếu những trường hợp áp đặt lối tư duy cũ vào những đối tượng mới.
Trong đổi mới dạy học Ngữ văn, nếu chỉ đặt mục tiêu giúp học sinh áp dụng một số lý thuyết căn bản về thể loại để đọc hiểu ngữ liệu mà không hướng tới việc hình thành cho các em khả năng tư duy chiều sâu để đánh giá giá trị đa chiều (theo các phương diện văn học, văn hóa, chính trị, lịch sử, kinh tế, tự nhiên, xã hội, giai cấp, cá nhân…) của tác phẩm, thì chưa thể khẳng định việc đổi mới đã đạt hiệu quả thực chất. Không phải sự thay đổi ngữ liệu trong môn học, hay rộng hơn - sự thay đổi đối tượng trong nghiên cứu, thay đổi hoàn cảnh trong đời sống hằng ngày, mà chính sự thay đổi tư duy trong mỗi cá nhân mới thể hiện tầm cao của sự sáng tạo. Trước một ngữ liệu quen thuộc, cá nhân đủ khả năng phân tích nhiều góc độ, độc lập đánh giá giá trị của đối tượng, phản biện những lối mòn trong tư duy để nảy sinh những ý tưởng mới lạ, đó mới chính là giá trị mà mỗi nền giáo dục cần định hướng tạo lập cho người học.
Bởi vậy, trong quá trình học tập hoặc kiểm tra đánh giá, giáo viên cần đặt những câu hỏi phản biện, hoặc khuyến khích học sinh đặt những câu hỏi phản biện, buộc các em phải huy động kiến thức sâu rộng; khả năng lập luận chặt chẽ, linh hoạt; góc nhìn đa chiều để truy vấn hoặc bảo vệ quan điểm cá nhân. Bằng cách đó, ngay cả tác phẩm không mới vẫn có khả năng tạo cơ hội cho học sinh nảy sinh góc nhìn mới và nhận thức mới.
Cần nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT cũng chỉ chủ trương “tránh”, chứ không “cấm” sử dụng lại văn bản đã học trong SGK làm ngữ liệu kiểm tra đọc và viết; đồng thời khuyến khích xây dựng các đề mở để phát huy khả năng sáng tạo của học sinh. Có nghĩa là giáo viên vẫn được phép dùng lại các văn bản đã học để làm ngữ liệu đánh giá học sinh trong những bài kiểm tra thường xuyên hoặc giữa kỳ, dưới các hình thức linh hoạt như các dự án học tập, bài tập nghiên cứu khoa học, thảo luận, tranh biện,… đặc biệt với mục đích hình thành và phát huy tư duy phản biện cho học sinh.
Tránh ngữ liệu SGK trong kiểm tra đánh giá để tránh văn mẫu là một trong những việc cần làm đầu tiên góp phần thay đổi và nâng cao chất lượng dạy học Ngữ văn. Nhưng sau “tránh văn mẫu”, cần xác định nhiệm vụ, phương pháp đổi mới môn Ngữ văn một cách căn bản, toàn diện - chẳng hạn như định hướng dạy học phát triển tư duy phản biện - để không chỉ hoàn thành mục tiêu đổi mới bộ môn, mà còn tạo đà cho việc đổi mới các môn học khác, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.