Vận tải hành khách công cộng 'hút' khách nhờ cải thiện chất lượng

Hiện nay, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng ở Thủ đô đã có những chuyển biến đáng kể. Tình trạng tùy tiện bỏ điểm dừng đỗ, bỏ chuyến lượt, chạy sai biểu đồ vận hành đã giảm đáng kể so với trước…
chat-luong-dich-vu-van-tai-hanh-khach-bang-xe-buyt-o-thu-do-da-co-nhung-chuyen-bien-dang-ke-pld-1696951810.jpg
Chất lượng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt ở Thủ đô đã có những chuyển biến đáng kể. Ảnh: VGP/PH

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội, 9 tháng đầu năm nay, hệ thống tàu điện, xe buýt của Hà Nội vận chuyển hơn 357 triệu lượt khách. Con số này đã tăng 56,8% so với cùng kỳ và đạt 96,4% kế hoạch đề ra.  

Tổng doanh thu toàn mạng buýt ước đạt 410,2 tỷ đồng. Riêng tuyến buýt nhanh BRT vận chuyển khoảng 3,4 triệu lượt khách.

Trong đó, tuyến Metro Cát Linh - Hà Đông vận chuyển khoảng 7,7 triệu lượt hành khách với tổng doanh thu toàn ước đạt 55,1 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt ở Thủ đô đã có những chuyển biến đáng kể. Tình trạng tùy tiện bỏ điểm dừng đỗ, bỏ chuyến lượt, chạy sai biểu đồ vận hành đã giảm đáng kể so với trước.

Hệ thống xe buýt Thủ đô được tăng cường về số lượng, chất lượng. Các xe cũ bị loại bỏ hoàn toàn, thay thế và bổ sung bằng các phương tiện có chất lượng, trên 90% số phương tiện có tuổi dưới 10 năm. Nhà chờ xe buýt cũ xuống cấp cũng được duy tu sửa chữa và bổ sung nhằm phục vụ hành khách tốt hơn.

Đáng chú ý, văn hóa xe buýt đã dần hình thành, những hình ảnh đẹp về văn minh, lịch sự như giúp đỡ, nhường ghế cho người già yếu, người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em, trả lại tài sản cho hành khách... ngày càng phổ biến. Chiều ngược lại, thư góp ý, phản ánh về xe buýt ngày càng giảm.

Lựa chọn đi xe buýt từ hơn một năm nay, chị Hà Thu Thảo (Mỗ Lao, Hà Đông) chia sẻ, trước đây, chị không nghĩ tới việc xe buýt sẽ thành phương tiện chính khi đến công sở. Nhưng thấy đồng nghiệp chia sẻ về chất lượng các tuyến buýt nên chị đã quyết định thay đổi thói quen.

"Hằng ngày tôi đi xe đạp từ nhà ra điểm xe buýt mất khoảng 10 phút, sau đó đi một tuyến buýt tầm 20 phút đến cơ quan. Tôi thấy đi như vậy vừa có thời gian đạp xe buổi sáng tốt cho sức khỏe lại vừa hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông cho Thủ đô. Đặc biệt nhiều xe đã được cải thiện chất lượng, đội ngũ nhân viên rất nhiệt tình…", chị Thảo nói.

Chị Bùi Thi Sự (Thường Tín, Hà Nội) thường di chuyển quãng đường hơn 20km đến công ty. Từ 2 năm nay, chị đã chuyển sang sử dụng xe buýt thay cho xe máy. Chị Sự chia sẻ: "Trước đây, tôi thường đi xe máy đi làm nhưng nay tôi đã chuyển hẳn sang xe buýt. Di chuyển bằng xe buýt tôi cảm thấy khá tiện lợi bởi tránh được khói bui, xăng xe, đặc biệt vào mùa hè thì tránh được nắng nóng. Giá vé hằng tháng cũng khá rẻ, rẻ hơn một nửa so với di chuyển bằng xe cá nhân".

Ngoài phương tiện vận tải bằng xe buýt thì lượng khách đi tàu điện trên cao cũng dần tăng lên. Theo thống kê sơ bộ, trung bình mỗi ngày tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông có hơn 10.000 người đi vé tháng; ngày bình thường có khoảng 32.000-34.000 lượt hành khách, ngày cuối tuần dao động 28.000-30.000 nghìn lượt khách. Lượng khách đi lại thường xuyên là 6.000-8.000 người.

luong-khach-di-lai-thuong-xuyen-tren-tuyen-duong-sat-cat-linh-ha-dong-la-6000-8000-nguoi-pld-1696951810.jpg
Lượng khách đi lại thường xuyên trên tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông là 6.000-8.000 người. Ảnh: VGP/DA

Ông Vũ Hồng Trường, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho hay, tàu điện Cát Linh-Hà Đông đi vào hoạt động đã làm thay đổi thói quen đi lại và từng bước xây dựng văn hóa giao thông của Hà Nội theo hướng văn minh và hiện đại.

Trước đây, người dân đi ở cự ly ngắn thì thường sử dụng phương tiện cá nhân. Hiện nay, mọi người đã chấp nhận việc đi bộ xa hơn để sử dụng các loại hình vận tải hành khách công cộng. Đây cũng là một trong những đóng góp của người dân để giải quyết bài toán về ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, trong các đô thị lớn.

Với bất kỳ một loại hình vận tải hành khách công cộng hiện đại nào áp dụng phong cách phục vụ văn minh, thì hành khách sẽ tự cảm nhận và thay đổi dần hành vi; từ đó, hình thành và xây dựng văn hoá giao thông.

Anh Nguyễn Hoài Nam (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Từ khi có tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, mỗi dịp cuối tuần, để đi vào khu trung tâm Thành phố thăm quan, mua sắm, vui chơi…, gia đinh tôi thường chọn đi bằng tàu điện. Các cháu nhà tôi rất thích thú vì được ngắm cảnh trên cao, tránh tắc đường mà phương tiện lại thoáng mát, sạch sẽ…".

Có thể thấy rõ ràng, để thu hút người dân sử dụng các loại hình vận tải hành khách công cộng là chất lượng dịch vụ. Do đó, các nhà chờ xe buýt, tàu điện cần đảm bảo số lượng và chất lượng cho người dân thuận tiện sử dụng.

Bên cạnh đó, chất lượng phương tiện và thái độ, ứng xử của cán bộ, công nhân viên khi phục vụ khách hàng cũng cần cải thiện, nâng cao, hướng tới sự chuyên nghiệp, văn minh của văn hoá giao thông hiện đại.

Thời gian tới, để phát huy tất cả các thế mạnh của vận tải hành khách công cộng, các chuyên gia giao thông cho rằng, thành phố Hà Nội cần tiếp tục đẩy nhanh việc đầu tư, phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông. Hệ thống đường sắt đô thị được hoàn thiện và kết nối với xe buýt, xe đạp công cộng sẽ thu hút nhiều người dân tham gia vận tải hành khách công cộng, giảm thiểu phương tiện cá nhân.