Vì sao hơn 100 doanh nghiệp kinh doanh vàng tại Hà Nội bị “sờ gáy”?

Nhằm góp phần bình ổn thị trường vàng, lực lượng chức năng đã liên tục thanh kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, qua đó đã phát hiện rất nhiều vi phạm.

vi-sao-hon-100-doanh-nghiep-kinh-doanh-vang-bi-so-gay-31-1724660063.jpg

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội vừa ký ban hành kế hoạch kiểm tra 116 doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn. Ảnh: QLTT

Tại Hà Nội mới đây, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội Chu Xuân Kiên đã ký ban hành kế hoạch kiểm tra 116 doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn. Cụ thể, lực lượng Quản lý thị trường sẽ kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, việc thực hiện niêm yết giá, chấp hành quy định về sở hữu trí tuệ, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm vàng, vàng trang sức.

Trong đợt kiểm tra này, Cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ tổ chức lấy mẫu kiểm định chất lượng vàng, các sản phẩm vàng trang sức để phát hiện các dấu hiệu vi phạm; kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về thương mại điện tử, ứng dụng số trong kinh doanh vàng…

Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, đợt kiểm tra này nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh vàng giả, sản phẩm vàng trang sức có vi phạm về sở hữu trí tuệ; kinh doanh vàng không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, vi phạm về giá… góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và ổn định thị trường vàng.

Cũng theo kế hoạch này, danh sách các doanh nghiệp trong diện kiểm tra đợt này có nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, đá quý có quy mô lớn: Công ty vàng bạc đá quý Bảo Minh, Công ty TNHH vàng bạc Bảo Tín, Công ty TNHH vàng bạc đá quý Huy Thành; Công ty vàng bạc Bảo Tín Minh Xuân; Công ty vàng bạc Trọng Tín..

Trước đó, tại TPHCM, từ đầu năm, các đội QLTT đã đồng loạt kiểm tra nhiều tiệm vàng trên địa bàn. Kết quả, trong đợt kiểm tra chuyên ngành về vàng trang sức từ đầu năm đến ngày 15/7, đơn vị đã kiểm tra phát hiện 196 vụ vi phạm.

Đồng thời, đơn vị chức năng tạm giữ 1.657 đơn vị sản phẩm vàng trang sức các mặt hàng là nhẫn, dây chuyền, lắc đeo tay, mặt dây chuyền… không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu, tổng giá trị hơn 14,2 tỷ đồng. Xử phạt hành chính tổng số tiền 9,4 tỷ đồng.

Còn tại tỉnh Long An, ngày 19/4/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh này đã kiểm tra phát hiện, xử lý 19/20 doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn có vi phạm trong hoạt động kinh doanh.

Cùng ngày, Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An đã lập biên bản vi phạm hành chính trình cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt số tiền 85 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu. Trước đó, Cục Quản lý thị trường Nghệ An đã phối hợp với Phòng An ninh kinh tế – Công an tỉnh Nghệ An tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng kinh doanh vàng thuộc doanh nghiệp tư nhân A tại thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Đoàn kiểm tra phát hiện tại cửa hàng có bày bán 2 lắc trang sức bằng kim loại màu vàng mang nhãn hiệu Chanel có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn vận hành trang mạng xã hội để kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nói trên. Tại thời điểm kiểm tra, chủ doanh nghiệp chưa xuất trình được được hóa đơn, chứng từ hợp pháp chứng minh nguồn gốc xuất xứ và các tài liệu kèm theo hàng hóa nói trên. Tổng trị giá hàng hóa gần 25 triệu đồng nên Đoàn kiểm tra đã niêm phong, tạm giữ số lượng tang vật có dấu hiệu vi phạm để làm rõ.

Ngoài ra, Tổ chuyên trách về thương mại điện tử, Tổng cục Quản lý thị trường nhanh chóng xác định địa điểm kinh doanh thuộc sở hữu của Công ty TNHH Kim Hương Dinh, (số 39 Nguyễn Huệ, phường Mỹ Long, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang), đây là tiệm vàng lớn nhất tỉnh. Tại thời điểm kiểm tra, ghi nhận thực tế cho thấy có hơn 10 nhân viên bán hàng. Với số lượng lên tới hàng chục nghìn sản phẩm vàng, vàng trắng đang được bày bán. Tại mỗi khay sản phẩm đều có bày xen kẽ các sản phẩm vàng trang sức có dấu hiệu giả các thương hiệu nổi tiếng như: Chanel, Cartier, LV, Bulgari… dưới dạng khuyên tai, vòng tay, nhẫn, dây chuyền.

Có thể thấy nói, việc tăng cường hoạt động kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh này của lực lượng quản lý thị trường đã góp phần làm bình ổn thị trường kinh doanh vàng, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

vi-sao-hon-100-doanh-nghiep-kinh-doanh-vang-bi-so-gay-11-1724660063.jpg
Việc kiểm tra đối với các mặt hàng kim loại vàng sẽ tiếp tục được lực lượng đẩy mạnh từ nay đến hết năm 2024 trên địa bàn cả nước, nhằm góp phần bình ổn thị trường vàng. Ảnh: QLTT

Trao đổi với báo chí về nội dung này, ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, thị trường vàng diễn biến phức tạp, giá tăng nóng, cơ quan này đã chỉ đạo lực lượng chức năng liên tục thanh tra, kiểm soát.

Sau khi nhà chức trách đồng loạt ra quân kiểm tra trên cả nước, đã phát hiện nhiều vi phạm trong kinh doanh vàng, trang sức. Ông Linh cho biết các vi phạm chủ yếu là sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đặc biệt, nhiều sản phẩm vàng trang sức có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của các thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Cartier dưới dạng khuyên tai, vòng tay, nhẫn, dây chuyền…

Theo quy định, vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ (xâm phạm quyền nhãn hiệu, giả mạo nhãn hiệu) có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên tới 250 triệu đồng với cá nhân, 500 triệu đồng với tổ chức.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, việc kiểm tra đối với các mặt hàng kim loại vàng sẽ tiếp tục được lực lượng đẩy mạnh từ nay đến hết năm 2024 trên địa bàn cả nước, nhằm góp phần bình ổn thị trường vàng.

“Ngoài kiểm tra tại các tiệm vàng, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đang phối hợp với ban ngành tại địa phương theo dõi việc bán vàng trên các tài khoản mạng xã hội. Đây cũng là hoạt động kiểm tra đồng loạt và gắt gao nhất từ đầu năm đến nay sau công điện của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng”, ông Trần Hữu Linh chia sẻ.