Trong bối cảnh một chiến dịch vận động hành lang cấp cao đang diễn ra tại Brussels nhằm đưa lĩnh vực hạt nhân của Nga vào gói trừng phạt tiếp theo, các quan chức phương Tây đang đối mặt với áp lực phải chọn bên.
Mặc dù chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden từ lâu muốn trừng phạt Tập đoàn năng lượng hạt nhân Rosatom cùng các nhà xuất khẩu năng lượng khác của Nga, nhưng họ vấp phải nhiều rào cản. Đến thời điểm hiện tại, lĩnh vực hạt nhân vẫn “vắng mặt” trong danh sách trừng phạt của Washington.
Hiện, có rất ít sự đồng thuận giữa Mỹ và đồng minh về lợi ích và rủi ro liên quan đến kế hoạch trừng phạt ngành công nghiệp hạt nhân Nga. Trong khi đó, Hungary và Bulgaria cho rằng, hậu quả sẽ rất tàn khốc nếu phương Tây hành động, đồng thời tuyên bố sẽ phủ quyết bất cứ biện pháp trừng phạt nào mà EU áp đặt với Rosatom.
Còn nhớ, trong giai đoạn căng thẳng nhất của Chiến tranh Lạnh, Mỹ và các đồng minh đã trừng phạt hầu hết lĩnh vực, từ đường ống dẫn khí đốt, lĩnh vực tài chính đến việc xuất khẩu ngũ cốc sang Nga, nhưng vẫn duy trì hợp tác hạt nhân dân sự với Moscow. Các công ty Westinghouse (Mỹ) và Siemens (châu Âu) đã phối hợp với Liên Xô để xây dựng nhà máy điện hạt nhân Loviisa ở Phần Lan còn Pháp nhập khẩu phần lớn uranium được làm giàu từ Liên Xô. Có thể nói, hợp tác hạt nhân giữa phương Tây và Nga chưa từng bị gián đoạn trong bất cứ thời điểm nào.
Việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với một quốc gia giống như “con dao 2 lưỡi”, đòi hỏi các bên cần cân nhắc kỹ lưỡng giữa mặt lợi và mặt hại, đặc biệt phản ứng tiềm tàng của đối phương. Theo các nhà phân tích châu Âu, quyết định của Mỹ và châu Âu áp giá trần đối với dầu mỏ Nga được cho là tạo ra ít rủi ro cho họ hơn, khiến Nga có rất ít lựa chọn và trong trường hợp Moscow quyết định thực thi biện pháp đáp trả thì điều này nhiều khả năng không gây biến động lớn cho thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Nhưng trừng phạt lĩnh vực hạt nhân lại là một câu chuyện hoàn toàn khác, bởi mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa Nga với Mỹ và châu Âu khá lớn, vì thế nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu về vật liệu hạt nhân cũng cao hơn. Ảnh hưởng có thể vượt ra ngoài lĩnh vực kinh tế và dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng, trong đó có cả rủi ro liên quan đến đảm bảo an toàn hạt nhân.
Rosatom là một trong những tập đoàn thống lĩnh thị trường hạt nhân, chiếm khoảng một nửa lượng xuất khẩu nguyên liệu hạt nhân trên thế giới, mang lại nguồn doanh thu khổng lồ cho Nga. Nếu phương Tây trừng phạt tập đoàn này thì điều đó sẽ gây ra tác động nghiêm trọng đối với ngành năng lượng hạt nhân của Mỹ và châu Âu.
Một số báo cáo cho biết, Rosatom cung cấp khoảng 14% lượng uranium làm giàu cần thiết các lò phản ứng ở Mỹ. Chưa kể, Nga gần như giành thế độc quyền khi cung cấp nhiên liệu uranium HALEU (uranium được làm giàu ở mức độ cao) cho 9 trong số 10 lò phản ứng hạt nhân tiên tiến mà Mỹ đang phát triển hoặc được chính phủ Mỹ tài trợ. Ngành công nghiệp hạt nhân của Mỹ đã nhận được sự hỗ trợ của lưỡng đảng, cũng như nhận được hàng tỷ USD từ công quỹ để cắt giảm sự phụ thuộc vào Nga, nhưng có lẽ phải mất rất nhiều năm Mỹ mới có thể vận hành các cơ sở làm giàu và áp dụng các công nghệ cần thiết. Tại châu Âu, thị phần của Rosatom trong lĩnh vực hạt nhân chiếm gần 1/4 tại một số quốc gia, chẳng hạn như Bỉ.
Khi đề cập lĩnh vực chế tạo nhiên liệu hạt nhân, vai trò của Nga thậm trí còn quan trọng hơn. Việc chế tạo nhiên liệu hạt nhân đòi hỏi phải có trang thiết bị phức tạp, công nghệ độc quyền, thời gian thử nghiệm và cấp phéo kéo dài gần 1 thập kỷ. Về mặt lý thuyết, một số công ty của Mỹ và Pháp có thể thay thế Nga chế tạo nhiên liệu cho các lò phản ứng VVER-1000 hiện đại do Nga thiết kế tại châu Âu, nhưng họ vẫn phải dựa vào mối liên kết với Rosatom. Những lò phản ứng cũ hơn như VVER-440 xây dựng từ thời Liên Xô, được sử dụng rộng rãi ở Đông Âu, hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung cấp nhiên liệu từ Nga.
Nếu Rosatom cắt nguồn cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho các lò phản ứng VVER-440 thì Hungary và Slovakia sẽ phải đối mặt với việc giảm sản lượng điện khoảng 25%, Cộng hòa Séc giảm 15% và Phần Lan giảm 7%. Bên cạnh đó, nỗ lực thay thế nguồn cung của Nga bằng những giải pháp chưa được thử nghiệm có thể gây nguy hiểm cho các lò phản ứng.
Ngoài nhiên liệu hạt nhân, Nga cũng là nước dẫn đầu về cung cấp một số đồng vị phóng xạ quan trọng như Cobalt-60 (Co-60), Actinium-225 hay Tungsten-188 cho thị trường toàn cầu. Sự thiếu hụt Cobalt-60, vốn được sử dụng trong xạ trị và khử trùng y tế có thể dẫn tới hàng nghìn ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới. Việc gián đoạn nguồn cung Actinium-225 và Tungsten-188 sẽ gây cản trở quy trình điều trị tiên tiến và hiệu quả nhất cho hàng chục nghìn bệnh nhân mắc ung thư.
Cho đến thời điện hiện tại, Nga vẫn chưa sử dụng đòn bẩy trong lĩnh vực hạt nhân để đáp trả các biện pháp trừng phạt năng lượng của phương Tây. Nhưng nếu Mỹ và châu Âu trực tiếp tung đòn trừng phạt vào lĩnh vực này của Nga, ngay cả khi đó chỉ là lệnh trừng phạt mang tính biểu tượng, Tổng thống Putin vẫn có thể thay đổi lập trường và đáp trả bằng “lựa chọn hạt nhân”./.