Việt Nam - thị trường BĐS năng động và có nhiều động lực phát triển nhất châu Á

Tại Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh – Kiến tạo tương lai thịnh vượng”, ông Trương Vĩnh Trí, Phó Tổng Thư kí Thường trực Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết thị trường bất động sản Việt Nam là thị trường năng động và có nhiều động lực phát triển nhất châu Á. Tuy nhiên, thị trường này đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển.

Những tiềm năng lớn của thị trường bất động sản Việt Nam

Hiện thị trường bất động sản Việt Nam đang duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 15% mỗi năm. Và bất động sản được dự báo sẽ có triển vọng rất tích cực trong 20 năm tới do các nguyên nhân: mức độ đô thị hóa vẫn còn thấp và đang diễn ra mạnh mẽ, nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao, hạ tầng cơ bản còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng.

Về đô thị hóa, ông Trí cho biết dân số đô thị Việt Nam hiện là 44 triệu người, chiếm 45% dân số với 862 đô thị. Năm 2025, dân số đô thị dự báo sẽ tăng lên 52 triệu người, chiếm 50% dân số với khoảng 1.000 đô thị. Đặc biệt, trong sự lớn mạnh của các đô thị, sẽ có ít nhất một siêu đô thị trên 10 triệu dân, 5 đô thị có từ 5-10 triệu dân. Dự báo giai đoạn 2050 -2070, tỉ lệ dân đô thị sẽ đạt tới 70-75%. Đây sẽ là dư địa rất lớn cho sự phát triển của thị trường bất động sản trong quá trình chuyển mình. Cụ thể, nhu cầu đất xây dựng đô thị từ khoảng 400.000 ha năm 2020 lên 450.000 ha năm 2025. Diện tích đất đô thị trung bình 85-90 m2/người. Nhà ở đô thị bình quân đạt trên 15-20m2/người.

20220627175215-1923-1656389455.jpg
Ông Trương Vĩnh Trí, Phó Tổng Thư kí Thường trực Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

Ngoài ra, ông Trương Vĩnh Trí cũng cho biết hạ tầng phát triển mạnh cũng là lực đẩy lớn cho thị trường bất động sản. Giai đoạn 2020 – 2030, Việt Nam sẽ có thêm 5.000km đường quốc lộ. Đường cao tốc cũng tăng hơn 4 lần, từ  1.163km lên 5.000km. Việt Nam cũng sẽ có thêm 6 sân bay và 1 cảng biển quốc tế.

Tuy nhiên, đi cùng với những tiềm lực phát triển mạnh đó, ngành bất  động sản đang phải đối mặt với những vấn đề nội tại khi quy mô ngày càng tăng và với tốc độ ngày càng nhanh. “Tính minh bạch, tính chuyên nghiệp, tính hợp tác, tính bền vững, tính hiệu quả và khả năng đo lường hiệu quả hoạt động là những thách thức của thị trường trong hiện tại và tương lai”, Phó Tổng Thư kí Thường trực Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh.

Vai trò của môi giới bất động sản

Với những thách thức đó của thị trường bất động sản, môi giới bất động sản – một thành tố quan trọng của thị trường, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy “tính minh bạch, tính chuyên nghiệp, tính hợp tác, tính bền vững, tính hiệu quả và khả năng đo lường hiệu quả hoạt động”. Ông Trương Vĩnh Trí cho biết môi giới bất động sản đóng vai trò tạo ra sự thanh khoản mạnh mẽ cho thị trường. Họ duy trì sự kết nối, rút ngắn thời gian ra quyết định và giảm chi phí giao dịch. Các môi giới cũng có vai trò trong việc giải quyết hai bài toán cốt lõi của thị trường bất động sản là tối ưu chi phí tìm kiếm sản phẩm và hình thành mặt bằng giá của thị trường.

Để thúc đẩy sự chuyên nghiệp hóa của đội ngũ môi giới, ông Trí đưa ra bộ chỉ số đánh giá mức độ cạnh tranh của các công ty/ cá nhân môi giới dựa trên 4 nhóm tiêu chí chính gắn với 3 mục tiêu kinh doanh:

Thứ nhất là tạo ra lợi thế cạnh tranh ngang bằng trên tiêu chí “hệ thống vận hành”. Tiêu chí này cho biết những yếu tố bắt buộc doanh nghiệp phải có để có thể hoạt động trong ngành. Đó là việc tuân thủ pháp luật và đạo đức: đầy đủ giấy phép hoạt động, nộp thuế đầy đủ, nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, tuân thủ quy định về đạo đức. Ngoài ra, cơ sở vật chất từ văn phòng làm việc (dành cho nhân viên) và văn phòng môi giới (dành cho khách hàng) cần được chú trọng phát triển.

Thứ hai là tạo ra lợi thế cạnh tranh tạm thời trên nhóm tiêu chí “vị thế thị trường” và “vốn nhân lực”. Hai tiêu chí này cho thấy doanh nghiệp có khả năng hoạt động hiệu quả hơn trên thị trường trong một thời điểm. Điều này thể hiện ở tiềm lực tài chính doanh nghiệp gồm doanh thu, thị phần, độ phủ theo khu vực, ngành hàng, phân khúc và nguồn vốn. Ngoài ra là yếu tố thương hiệu cần được hình thành trên nền tảng uy tín và độ nhận biết.

Bên cạnh đó, cần tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững với tiêu chí “đổi mới sáng tạo”. Tiêu chí này cho thấy doanh nghiệp có những lợi thế cạnh tranh khác biệt mà các đơn vị môi giới khác khó có thể tạo ra trong thời gian ngắn. Các yếu tố tạo nên sự đổi mới sáng tạo của đội ngũ môi giới trong bối cảnh hiện nay là năng lực công nghệ, năng lực nghiên cứu và phát triển, tính sáng tạo và khả năng hợp tác.