VinaCapital: Lãi suất tại Việt Nam khả năng sẽ giảm, lợi cho môi giới, bất động sản và các công ty có dư nợ cao

Trong báo cáo Hướng đến 2023, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital - ông Michael Kokalari dự báo lãi suất tại Việt Nam có thể sẽ giảm theo tiến độ năm 2022 vì giá trị của VND đã bắt đầu tăng và có khả năng tiếp tục tăng và vì áp lực lạm phát toàn cầu đang giảm bớt. Lãi suất thấp hơn sẽ mang lại lợi ích cho các bên môi giới, bất động sản và các công ty có dư nợ cao, mặc dù lãi suất thấp hơn có thể làm giảm thu nhập của các ngân hàng và công ty có số dư tiền mặt đáng kể.
vina-capital-pld-1675871110.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Báo cáo của VinaCapital cho biết, chỉ số VN-Index đã giảm 33% trong năm 2022 (tương đương 35% tính theo USD) nên P/E (chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu (Price) với thu nhập trên một cổ phiếu (EPS)) năm 2022 của thị trường giảm từ 20 lần cuối năm 2021 xuống 12 lần vào cuối năm 2022 (ước tính EPS tăng trưởng 5% trong năm ngoái).

Theo VinaCapital, sự sụt giảm của chỉ số VN-Index trong năm ngoái, bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất của Việt Nam trong 25 năm, là do ba nguyên nhân.

Thứ nhất, thị trường chứng khoán toàn cầu suy yếu (bao gồm cả sự sụt giảm 20% của S&P500 vào năm ngoái) do việc tăng lãi suất của Fed và các ngân hàng trung ương khác. Thứ hai là giá trị của đồng USD tăng tới 20% vào cuối năm 2022 (đồng USD cao hơn có gây tác động tiêu cực cho thị trường chứng khoán mới nổi). Thứ ba là các vấn đề trong nước, việc siết chặt quy định đã tác động đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như một số nhà phát triển bất động sản.

Chuyên gia của VinaCapital tin rằng thị trường giá xuống gây đã tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm ngoái giờ đã kết thúc, đồng thời kỳ vọng VN-Index sẽ tăng hơn 20%, với sự phục hồi về cơ bản là do sự cải thiện trong các yếu tố cả trong nước và quốc tế.

Trong đó, VinaCapital đánh giá, áp lực lạm phát toàn cầu hiện đang giảm, đồng nghĩa với việc đà tăng lãi suất mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương làm suy yếu các thị trường chứng khoán phát triển lẫn mới nổi vào năm ngoái, nhiều khả năng sẽ sớm kết thúc.

VinaCapital cũng kỳ vọng Chính phủ sẽ thực hiện các bước để giảm bớt các vấn đề thanh khoản hiện đang ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, điều này sẽ giúp các công ty Việt Nam khôi phục khả năng tái cấp vốn cho các khoản nợ đến hạn.

“Theo quan điểm của chúng tôi, việc lấy lại niềm tin vào thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ là một quá trình lâu dài, nhưng định giá hấp dẫn của thị trường và triển vọng tăng trưởng thu nhập vững chắc có thể giải thích tại sao các nhà đầu tư nước ngoài đã mua 1,1 tỷ USD giá trị cổ phiếu Việt Nam trong hai tháng cuối năm 2022”, chuyên gia của VinaCapital nhận định.

Ông Michael Kokalari đánh giá, tăng trưởng GDP của Việt Nam có khả năng giảm tốc từ 8% năm 2022 xuống 6% năm 2023, một phần do nền kinh tế toàn cầu chậm lại sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng việc mở cửa trở lại của Trung Quốc có thể sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam thêm 2% thông qua tăng trưởng du lịch nước ngoài. Và Chính phủ Việt Nam đã định hướng mục tiêu tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng từ khoảng 4% GDP vào năm 2022 lên 7% GDP (tương đương khoảng 30 tỷ USD) vào năm 2023.

Vị này cho rằng, thực tế là nền kinh tế Việt Nam sẽ có những động lực thúc đẩy tăng trưởng cao hơn trong năm nay, có nghĩa là thu nhập của một số công ty sẽ tốt hơn, trong khi những công ty khác có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn do suy thoái toàn cầu.

Chuyên gia của VinaCapital cũng dự báo, lãi suất tại Việt Nam có khả năng sẽ giảm dần theo tiến độ của năm 2022 do giá trị của VND đã bắt đầu tăng giá và có khả năng tiếp tục tăng giá (lý do chính khiến ngân hàng trung ương của Việt Nam tăng lãi suất chính sách là để bảo vệ giá trị của VND) và áp lực lạm phát toàn cầu đang giảm bớt. Lãi suất thấp hơn sẽ có lợi cho các nhà môi giới, bất động sản và các công ty có dự nợ cao, mặc dù lãi suất thấp hơn có thể làm giảm thu nhập của các ngân hàng và công ty có số dư tiền mặt đáng kể.

Cuối cùng, VinaCapital cho rằng, môi trường hoạt động khó khăn hơn ở Việt Nam có thể thúc đẩy một số thương vụ hợp nhất giữa các ngân hàng trong nước, các công ty tiêu dùng và các nhà phát triển bất động sản và/hoặc hợp nhất các dự án bất động sản riêng lẻ.