Tóm tắt: Hoạt động xác định vị trí thống lĩnh thị trường (VTTLTT) của doanh nghiệp (DN) có vai trò vô cùng quan trọng đối với khả năng và hiệu quả can thiệp của pháp luật cạnh tranh trong kiểm soát các hành vi lạm dụng quyền lực kinh tế gây nguy hại cho thị trường. Sự xuất hiện của mô hình nền tảng số trung gian với nhiều đặc trưng kỹ thuật độc đáo đã khiến cho các công cụ kinh tế - pháp lý truyền thống về xác định VTTLTT của DN chủ quản nền tảng số trở nên bất hoạt nghiêm trọng. Trên cơ sở làm sáng tỏ những thách thức mà nền tảng số trung gian đặt ra, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật cạnh tranh về xác định VTTLTT, góp phần nâng cao hiệu quả kiểm soát hành vi lạm dụng VTTLTT trên nền tảng số trung gian tại Việt Nam.
Từ khoá: vị trí thống lĩnh thị trường, thị phần, sức mạnh thị trường, lạm dụng, pháp luật cạnh tranh.
Abstract: Determining the dominant market position (DMP) of enterprises plays a crucial role in the capacity and effectiveness of competition law in regulating and controlling abusive practices that harm market integrity. The emergence of intermediary digital platform models, with their unique technical characteristics, has rendered traditional economic and legal tools for identifying the DMP of platform-operating enterprises significantly ineffective. This paper clarifies the challenges posed by intermediary digital platforms and proposes solutions to improve competition law in determining DMP. The goal is to enhance the efficiency of regulating abusive practices related to dominant positions on digital platforms in Vietnam.
Keywords: dominant position, market share, market power, abuse, competition law.
1. Đặt vấn đề
Không khó để nhận ra rằng sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của các nền tảng số trung gian đã thực sự thay đổi cách con người sống, làm việc và kết nối. Những nền tảng này không chỉ định hình lại nền kinh tế toàn cầu mà còn tạo ra một cuộc cách mạng trong nhiều lĩnh vực như thương mại, giải trí, giáo dục, và truyền thông. Nhìn từ góc độ thị trường, 5 trên 6 DN có giá trị vốn hoá lớn nhất hiện nay đều vận hành hoạt động kinh doanh của mình dựa trên mô hình nền tảng số trung gian, gồm Microsoft, Alphabet (Google), Apple, Amazon, Meta (Facebook).
Sự thành công của các DN nói trên có sự đóng góp quan trọng từ sự hiện diện và tác động qua lại của một số động lực kinh tế đặc thù mà nền tảng số trung gian sản sinh ra. Chúng không chỉ tạo điều kiện cho các DN chủ quản đạt được thị phần cao, sức mạnh thị trường (SMTT) rất lớn từ đó vươn lên trở thành DN thống lĩnh với tốc độ nhanh hơn mà còn có khả năng thúc đẩy các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường với mức độ nguy hại cao hơn. Những mối lo ngại này đang dần trở thành thách thức rất lớn đối với cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh ở nhiều quốc gia, đặc biệt là những quốc gia có nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.
Một cách cụ thể, các công cụ kinh tế học truyền thống mà pháp luật cạnh tranh sử dụng để tính toán mức thị phần, đánh giá SMTT, từ đó xác lập căn cứ pháp lý cho sự can thiệp của cơ quan thực thi trong điều chỉnh các hành vi lạm dụng VTTLTT, đang tỏ ra thiếu hiệu quả trong môi trường nền tảng số trung gian. Vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật cạnh tranh về kiểm soát các hành vi lạm dụng VTTLTT của DN chủ quản nền tảng số trung gian hướng đến bảo vệ sớm hơn và hiệu quả hơn thị trường cùng các tác nhân thị trường tại Việt Nam là yêu cầu vô cùng cấp thiết hiện nay.
2. Một số vấn đề lý luận về vị trí thống lĩnh thị trường
2.1. Khái niệm vị trí thống lĩnh thị trường
Dưới góc độ của phúc lợi kinh tế, quy luật cạnh tranh thường được khuyến khích và cổ vũ bởi cạnh tranh có thể mang đến ít nhất ba nguồn giá trị tích cực, bao gồm: (i) thúc đẩy việc phân bổ các nguồn lực một cách có hiệu quả; (ii) taọ ra áp lực buộc DN phải nâng cao chất lượng hoặc/và giảm giá sản phẩm; (iii) thúc đẩy DN tạo ra sản phẩm mới hoặc cải tiến sản phẩm hiện hữu. Những giá trị này chính là khởi nguồn quan trọng cho sự thịnh vượng của xã hội và cho chính những phần tử của nền kinh tế.[1] Thông qua cạnh tranh, các DN kém hiệu quả sẽ bị NTD “trừng phạt”. Ngược lại, các doanh nghiệp hiệu quả và sáng tạo hơn sẽ được NTD “khen thưởng”. Quá trình này có thể dẫn đến việc hình thành nên một số doanh nghiệp sở hữu những “đặc lợi kinh tế” thể hiện qua VTTLTT mà các DN nhận được từ chính thị trường.
VTTLTT là khái niệm được nảy sinh từ lý thuyết kinh tế về tổ chức ngành công nghiệp vào những năm 1880.[2] Tuy nhiên, khái niệm VTTLTT ở thời kỳ đầu của khoa học pháp lý về cạnh tranh chủ yếu chỉ liên quan đến khái niệm “chỉ đạo giá” hay “dẫn dắt giá” (price leadership).[3] Thông qua việc quan sát sự biến thiên của các hình thái kinh tế thị trường, các nhà nghiên cứu khoa học pháp lý, kinh tế học và các tổ chức - thiết chế đã liên tục bổ sung, điều chỉnh nội hàm của khái niệm, tạo nên sự đa dạng trong cách tiếp cận về VTTLTT.
Từ góc nhìn của các nhà kinh tế học, VTTLTT được hiểu là “trạng thái mà tại đó, các nhà kiến tạo giá, nhờ vào sức mạnh kinh tế của mình, có thể phớt lờ áp lực cạnh tranh từ các thành phần khác của thị trường”.[4] Trong khi đó, UNCTAD lại cho rằng cho rằng VTTLTT là “tình trạng mà một doanh nghiệp, tự nó hoặc cùng hành động với một số doanh nghiệp khác ở vào vị trí kiểm soát thị trường liên quan của một hoặc một nhóm hàng hóa, dịch vụ cụ thể”.[5] Tại Hoa Kỳ, trong vụ việc United States v. E. I. du Pont de Nemours & Co., Tòa án Tối cao tuyên bố rằng vị trí độc quyền trong pháp luật chống độc quyền Hoa Kỳ (gần như tương ứng với khái niệm VTTLTT) được hiểu là “quyền kiểm soát giá cả hoặc loại trừ cạnh tranh”.[6]
Trải qua lịch sử phát triển phong phú với sự đóng góp của đông đảo các nhà nghiên cứu và hoạt động thực tiễn, hiện nay, khái niệm VTTLTT được hiểu tương đối thống nhất là “vị trí thể hiện sức mạnh kinh tế được nắm giữ bởi một doanh nghiệp cho phép nó ngăn chặn cạnh tranh hiệu quả được duy trì trên thị trường liên quan bằng cách trao cho nó khả năng hành xử ở một mức độ đáng kể một cách độc lập với các đối thủ cạnh tranh, khách hàng và cuối cùng là người tiêu dùng của doanh nghiệp đó”.
2.2. Đặc điểm của vị trí thống lĩnh thị trường
Thứ nhất, VTTLTT chỉ được nắm giữ bởi DN. Trên thị trường có sự tham gia của nhiều loại tác nhân như Nhà nước, người tiêu dùng (NTD), hiệp hội… Tuy nhiên, chỉ có một tác nhân trực tiếp cạnh tranh trên thị trường nhằm giành được VTTLTT và khai thác lợi thế từ vị trí này, chính là DN. Dưới giác độ của cạnh tranh, DN được hiểu là các chủ thể có khả năng tiến hành các hoạt động kinh doanh, từ đó nảy sinh yêu cầu phải cạnh tranh trên thị thường. Tức là, trong cạnh tranh, DN là tất cả các thực thể kinh doanh và cạnh tranh bất kể nguồn gốc, mô hình vận hành, cơ cấu vốn … của chúng. Vì vậy, khái niệm DN trong pháp luật cạnh tranh nói chung là một khái niệm mang tính quy ước và có nội hàm rộng hơn khái niệm DN theo pháp luật DN.[7]
Thứ hai, VTTLTT phản ánh sức mạnh thị trường đáng kể mà DN nắm giữ. Trên thị trường, SMTT không mang tính tuyệt đối mà là vấn đề về “mức độ”. Từng DN đều sở hữu SMTT ở một mức độ nhất định, từ không đáng kể đến đáng kể.[8] Đồng thời, SMTT đơn thuần cũng không đương nhiên mang đến lợi nhuận độc quyền và do đó không nhất thiết gây lo ngại cho cạnh tranh. Hay nói cách khác, chỉ có những DN nắm giữ SMTT ở “mức độ cao” mới có thể trở thành DN có VTTLTT.[9] Từ đây, tại hầu hết khu vực pháp lý trên thế giới, một DN sẽ không được xem là DN thống lĩnh trừ khi DN đó có sức mạnh thị trường đáng kể.
Thứ ba, VTTLTT không phải là trạng thái nguy hiểm tuyệt đối đối với thị trường. VTTLTT của một DN có thể bắt nguồn từ các rào cản gia nhập thị trường tự nhiên của ngành (ví dụ sản xuất điện), danh tiếng thương hiệu, quy định ngoại sinh, quy mô kinh tế, hiệu ứng mạng lưới, năng lực nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ hoặc bất kỳ yếu tố nào khác giúp DN đó trở nên khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh. Lúc này, vấn đề mà pháp luật cạnh tranh quan tâm là cách thức DN đó sử dụng VTTLTT mà mình nắm giữ trong thị trường.
3. Căn cứ xác định vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp theo pháp luật cạnh tranh Việt Nam
3.1. Phương pháp tiếp cận của pháp luật cạnh tranh Việt Nam về kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường
Như đã đề cập, bản thân VTTLTT không nhất thiết là mối đe doạ đối với thị trường nhưng về nguyên tắc, các DN nắm giữ VTTLTT có “nghĩa vụ đặc biệt” phải thận trọng hành động để không làm suy yếu cạnh tranh trên thị trường. Những hành vi như vậy, dù vô ý hay cố ý, đều được xem là các hành vi “lạm dụng” và sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh.[10] Trên thực tế, “lạm dụng VTTLTT” là thuật ngữ được đề xuất và sử dụng bởi các thiết chế của EU và có một số sự khác biệt nhất định với khái niệm “lạm dụng vị trí độc quyền” ở Hoa Kỳ.[11] Tuy nhiên, với nhiều ưu thế vượt trội, cách tiếp cận của EU đã tạo ra sức ảnh hưởng ở phạm vi rộng lớn đến nhiều khu vực pháp lý, trong đó có Việt Nam. Trong khuôn khổ pháp luật cạnh tranh Việt Nam, lạm dụng VTTLTT được hiểu là hành vi của DN có VTTLTT gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.[12] Từ đây, tác động hạn chế cạnh tranh bao gồm các tác động làm giảm, cản trở, sai lệch, loại trừ cạnh tranh đến thị trường Việt Nam.[13]
Với phương pháp tiếp cận dựa vào hậu quả của hành vi (effects-based approach), nội dung pháp luật cạnh tranh Việt Nam về kiểm soát hành vi lạm dụng VTTLTT cũng được thiết lập thông qua mô thức gồm các bước: (1) Xác định thị trường liên quan; (2) Xác định VTTLTT của DN; (3) Đánh giá tác động của hành vi. Điều này có nghĩa là, trong một phạm vi thị trường nhất định, quy trình kiểm soát các hành vi lạm dụng của Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia (UBCTQG - cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh Việt Nam) sẽ bắt đầu bằng việc xác định DN bị điều tra có VTTLTT hay không (tức khả năng gây hại đến cạnh tranh). Nếu VTTLTT không được khẳng định, quá trình này cũng sẽ không được phép tiếp tục. Việc đánh giá tác động của hành chỉ được tiến hành trong trường hợp ngược lại.
Tóm lại, việc xác định DN bị điều tra có hay không có VTTLTT là yêu cầu bắt buộc trong cơ chế kiểm soát hành vi lạm dụng VTTLTT và có thể trở thành “bến an toàn” (safe harbours) của chính DN. Trên cơ sở tiếp thu thành tựu của kinh tế học, pháp luật cạnh tranh Việt Nam sử dụng các tiêu chí gồm thị phần hoặc/và SMTT trên thị trường liên quan để xác định liệu DN bị điều tra có nắm giữ VTTLTT trên một thị trường liên quan hay không.[14]
Thứ nhất, thị phần: thị phần là đại lượng có chức năng đo lường quy mô tương đối của một DN trong một ngành hoặc thị trường, xét về tỷ trọng trong tổng sản lượng, doanh thu hoặc năng lực mà DN chiếm giữ trên thị trường liên quan. Về mặt kinh tế, ngoài lợi nhuận, một trong những mục tiêu kinh doanh thường được nhắc đến của các DN chính là gia tăng thị phần. Điều này được giải thích là do thị phần, tính kinh tế theo quy mô và lợi nhuận (economies of scale and profits) thường có mối tương quan tích cực trong nền kinh tế thị trường. Chính vì thị phần được tính toán theo một thị trường xác định nên về mặt lý thuyết, mức thị phần phản ánh một trong những yếu tố chính góp phần tạo nên VTTLTT - sự thiếu hụt các sản phẩm thay thế sẵn có dành cho NTD.[15]
Thị phần, theo truyền thống, là điểm khởi đầu để xác định VTTLTT trong các vấn đề liên quan đến pháp luật về cạnh tranh. Tuy nhiên, chỉ riêng thị phần có thể không phải là chỉ dẫn đáng tin cậy về VTTLTT, cả do những thiếu sót tiềm ẩn trong dữ liệu và do sự xuất hiện và tác động của các điều kiện thị trường khác, đặc biệt là động lực của thị trường cũng như mức độ khác biệt của sản phẩm. Do đó, việc xác định VTTLTT luôn cần được cân nhắc tổng hoà thị phần của DN và các điều kiện khác của thị trường, tức SMTT thực tế của DN.
Thứ hai, sức mạnh thị trường: Tại Việt Nam, SMTT là nội dung lần đầu tiên được quy định trong chế định kiểm soát hành vi lạm dụng VTTLTT khi Luật Cạnh tranh năm 2018 thay thế cho Luật Cạnh tranh năm 2004. Tuy nhiên, Luật Cạnh tranh hiện hành không đưa ra định nghĩa về SMTT mà chỉ cung cấp các tiêu chí để đánh giá sức mạnh thị trường hay chính xác hơn là đánh giá sức mạnh thị trường đáng kể. Theo thông lệ quốc tế, SMTT được hiểu là “khả năng của các DN trong việc đơn phương tăng giá cao hơn hoặc giảm chất lượng xuống thấp hơn mức cạnh tranh và duy trì các điều kiện này”.[16]Một cách dễ hiểu, ở mức độ nhất định, SMTT sẽ giúp DN thoát ra khỏi ràng buộc của đối thủ cạnh tranh, của khách hàng và của NTD. Tình trạng này cho phép DN nắm giữ SMTT có thể tự mình tăng giá bán cao hơn giá cạnh tranh hoặc giảm chất lượng xuống thấp hơn mức cạnh tranh.
3.2. Quy định của pháp luật cạnh tranh Việt Nam về xác định vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp thông qua mức thị phần trên thị trường liên quan
Thực tiễn thực thi cho thấy, mức thị phần là tiêu chí được cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh Việt Nam ưu tiên sử dụng khi xác định VTTLTT của DN bị điều tra trong các vụ việc lạm dụng.[17]Điều này được lý giải bởi ít nhất về kỹ thuật, phép tính mức thị phần là tương đối dễ thực hiện phù hợp với điều kiện nhân lực hạn chế của cơ quan này. Cách thức tính toán mức thị phần trong các phân tích về hành vi hạn chế cạnh tranh nói chung và hành vi lạm dụng nói riêng được quy định cơ bản tại Điều 10 Luật Cạnh tranh năm 2018.
Theo đó, căn cứ để tính thị phần có thể là doanh thu bán ra, doanh số mua vào, số đơn vị hàng hóa, dịch vụ bán ra và số đơn vị hàng hóa, dịch vụ mua vào của DN trong một đơn vị thời gian (tháng, quý hoặc năm). Nếu DN bị điều tra hoạt động kinh doanh chưa đủ 01 năm tài chính thì những chỉ báo kinh tế này sẽ được tính từ thời điểm DN bắt đầu hoạt động cho đến thời điểm xác định thị phần. Việc lựa chọn chỉ số nào trong số các chỉ số trên sẽ phụ thuộc vào đặc điểm, tính chất của thị trường. Tuy nhiên về mặt toán học, công thức tính toán thị phần dựa trên các chỉ số này sẽ hoàn toàn giống nhau. Lúc này thị phần của DN bị điều tra sẽ được tính dựa trên tỷ lệ phần trăm doanh thu/doanh số/số đơn vị hàng hoá của DN đó trên tổng doanh thu/doanh số/số đơn vị hàng hoá của các DN thuộc thị trường liên quan (tức đối thủ cạnh tranh).
Khoản 1 Điều 24 Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định một DN được coi là có VTTLTT nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan. Mức thị phần 30% trên thị trường liên quan để khẳng định VTTLTT của DN theo Luật Cạnh tranh năm 2018 là tương đối thấp và vì vậy cũng tương đối khắt khe so với thông lệ quốc tế.[18] Ví dụ, tại EU, Toà án trong vụ việc AKZO Chemie BV v Commission cho rằng mức thị phần đủ chắc chắn để khẳng định vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp là 50% trở lên trên thị trường liên quan.[19] Ngược lại, Ủy ban châu Âu cũng nhận định rằng sự thống trị sẽ không xảy ra nếu thị phần của doanh nghiệp dưới 40%.[20] Giữa hai thái cực này, thị phần chỉ được coi là yếu tố tương đối và cần được hỗ trợ bởi các yếu tố khác. Đối với trường hợp hành vi có dấu hiệu lạm dụng được thực hiện bởi một nhóm các DN, khoản 2 Điều 24 Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định nhóm DN này sẽ được coi là có VTTLTT nếu cùng hành động gây tác động hạn chế cạnh tranh và có tổng thị phần đạt mức luật định.[21]
3.3. Quy định của pháp luật cạnh tranh Việt Nam về xác định vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp thông qua sức mạnh thị trường đáng kể
Theo Điều 24 Luật Cạnh tranh 2018, trong trường hợp DN có mức thị phần dưới ngưỡng luật định, cơ quan thực thi cần tiếp tục kiểm tra liệu DN đó có nắm giữ SMTT đáng kể hay không trước khi kết luận về VTTLTT của DN bị điều tra. Quy định này đặt ra hai vấn đề pháp lý cần giải quyết gồm: (i) Các tiêu chí nào được sử dụng để đo lường SMTT và (ii) Ở mức độ nào của các tiêu chí cho phép khẳng định sự “đáng kể” trong phân tích về SMTT của DN.
Đối với vấn đề thứ nhất, để đánh giá SMTT, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cần phải sử dụng các yếu tố được quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Cạnh tranh năm 2018 và được hướng dẫn chi tiết tại Điều 12 Nghị định số 35/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh.[22] Dưới sự hỗ trợ của lăng kính kinh tế học, các tiêu chí này được xem là những hình thái biểu hiện của SMTT mà DN nắm giữ. Nhìn chung, SMTT thông thường sẽ được xác định với sự trợ giúp của các phân tích về cấu trúc thị trường, đặc biệt là tương quan thị phần của các DN trên thị trường liên quan, kiểm tra về tính sẵn có của các nhà sản xuất khác cùng loại hoặc các sản phẩm có thể thay thế (khả năng thay thế). Ngoài ra, việc xác định SMTT cũng cần bao gồm đánh giá các rào cản gia nhập hoặc mở rộng thị trường (gọi chung rào cản gia nhập thị trường). Bên cạnh các tiêu chí định lượng, xác định sức mạnh thị trường còn có thể liên quan đến các tiêu chí định tính, chẳng hạn như nguồn tài chính, sự tích hợp theo chiều dọc hoặc phạm vi sản phẩm của DN liên quan.
Đối với vấn đề thứ hai, pháp luật cạnh tranh Việt Nam hiện hành chưa có đầy đủ các quy định pháp lý về việc làm rõ mức “đáng kể” khi đo lường các tiêu chí về đánh giá SMTT. Trên thực tế, Điều 12 Nghị định 35/2020/NĐ-CP chỉ cung cấp cách thức để UBCTQG tiến hành đánh giá từng tiêu chí biểu hiện cho SMTT trong quá trình điều tra vụ việc. Ví dụ, để đo lường tương quan thị phần, UBCTQG sẽ tiến hành so sánh mức thị phần của DN bị điều tra với các DN còn lại trên thị trường. Tuy nhiên, ngưỡng chênh lệch về thị phần đủ để khẳng định SMTT của DN này là “đáng kể” lại chưa được nhà làm luật cung cấp minh thị. Thông lệ quốc tế cho thấy rằng pháp luật cạnh tranh của nhiều quốc gia cũng không đưa ra các ngưỡng cố định đối với từng tiêu chí. Tuỳ thuộc vào từng vụ việc cụ thể, cơ quan thực thi sẽ dựa vào chính khái niệm SMTT đáng kể để đưa ra kết luận tương ứng. Lúc này, SMTT của DN sẽ được xem là đáng kể nếu các tiêu chí được đánh giá chỉ ra rằng DN có khả năng duy trì mức giá bán cao hơn so với mức cạnh tranh trong một khoảng thời gian bền vững nhưng vẫn có thể thu được siêu lợi nhuận kinh tế.[23]
4. Nền tảng số trung gian và những thách thức đối với pháp luật cạnh tranh Việt Nam về xác định vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp chủ quản
4.1. Mô hình kinh doanh của doanh nghiệp chủ quản nền tảng số trung gian nhìn từ góc độ kinh tế học pháp luật
Các nền tảng số nói chung và nền tảng số trung gian nói riêng không phải là hiện tượng hay mô hình kinh doanh mới tại Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định về định danh nền tảng số trung gian chỉ mới được ghi nhận chính thức từ năm 2023 với sự ra đời của Luật Giao dịch điện tử năm 2023, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo đó, khoản 2 và khoản 3 Điều 45 Luật Giao dịch điện tử năm 2023 quy định: “nền tảng số trung gian phục vụ giao dịch điện tử là hệ thống thông tin tạo môi trường điện tử cho phép các bên thực hiện giao dịch hoặc cung cấp, sử dụng sản phẩm, dịch vụ hoặc sử dụng để phát triển sản phẩm, dịch vụ mà chủ quản nền tảng số đó độc lập với các bên thực hiện giao dịch”.
Trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, nền tảng số trung gian trước hết mang đầy đủ đặc điểm của các nền tảng số nói chung. Lúc này, tương tự như cách tiếp cận của nhiều quốc gia, nền tảng số được hiểu là nơi có sự tham gia của ít nhất hai nhóm chủ thể. Các nhóm chủ thể này tham gia vào nền tảng với các mục đích thương mại hoặc phi thương mại nhưng đều có liên quan đến sản phẩm, dịch vụ. Các bên chủ thể này cần nhau để đạt được các mục đích tương ứng nhưng gặp nhiều các rào cản vật lý/địa lý hoặc phải gánh chịu các gánh nặng chi phí trung gian truyền thống … và do đó cần có sự hỗ trợ của “nền tảng”. Sự hỗ trợ này chính là “môi trường điện tử” để tạo ra các tương tác phục vụ cho các giao dịch điện tử liên quan đến sản phẩm, dịch vụ.
Từ đây, có thể thấy rằng cách định nghĩa về “nền tảng số trung gian” nhấn mạnh vào “tính độc lập” của chủ quản nền tảng số với các bên thực hiện các giao dịch đó so với các nền tảng số nói chung. Tuy nhiên, nội hàm về “tính độc lập” lại chưa được các nhà lập pháp Việt Nam cung cấp minh thị. Khác với Việt Nam, các tổ chức IMF, OECD, UN và WTO đã phát triển được xa hơn trong phép định nghĩa về nền tảng số trung gian thông qua việc chỉ rõ “tính độc lập” về mặt “kinh tế” của chủ quản nền tảng số trung gian. Cụ thể, các tổ chức này trong một ấn phẩm chung cho rằng nền tảng số trung gian là “các giao thức trực tuyến tạo điều kiện cho sự tương tác trực tiếp giữa nhiều người mua và nhiều người bán, mà không cần nền tảng sở hữu kinh tế đối với hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ đang được giao dịch (được trung gian) nhằm nhằm đối lấy một khoản phí”.[24] Lúc này, chủ quản nền tảng số trung gian không sở hữu hàng hóa hoặc dịch vụ mà chỉ tạo không gian mang tính trung gian, giúp kết nối giữa người mua và người bán và do đó không tham gia vào quyền sở hữu kinh tế của giao dịch.
Hiện nay, có nhiều loại hình nền tảng số trung gian được các DN chủ quản sử dụng trong đa dạng các lĩnh vực kinh doanh của nền kinh tế Việt Nam như du lịch và khách sạn, vận tải, thương mại điện tử, lao động và việc làm … Tuy nhiên, tựu trung lại các nền tảng này đều bao hàm những đặc điểm sau đây:
Thứ nhất, về loại hình hoạt động thương mại của DN chủ quản nền tảng số trung gian: Có thể thấy rằng cách tiếp cận về phép định nghĩa nền tảng số trung gian của Luật Giao dịch điện tử năm 2023 được đề cập trên đây đã gián tiếp phản ánh quan điểm của nhà làm luật Việt Nam về “định danh” loại hình hoạt động thương mại của các chủ quản nền tảng số trung gian. Theo đó, các nền tảng số trung gian là công cụ và phương tiện được chủ quản sử dụng để cung ứng các dịch vụ thương mại, hay cụ thể hơn là cung cấp “dịch vụ trung gian kỹ thuật số”.[25] Các dịch vụ trung gian thương mại lúc này chính là việc “tạo môi trường điện tử cho phép các bên thực hiện giao dịch hoặc cung cấp, sử dụng sản phẩm, dịch vụ hoặc sử dụng để phát triển sản phẩm, dịch vụ”. Cũng xuất phát từ lý do pháp lý này, những tổ chức, cá nhân thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian được xác định là các chủ thể kinh doanh trên không gian mạng.[26]
Tuy nhiên, điều này không loại trừ khả năng các tổ chức, cá nhân này tự kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua nền tảng số trung gian mà mình thiết lập, vận hành.[27] Hay nói cách khác, các DN chủ quản nền tảng số trung gian ngoài việc cung ứng dịch vụ trung gian kỹ thuật số để tìm kiếm lợi nhuận còn có thể thực hiện các hoạt động kinh doanh trên chính nền tảng mà mình cung cấp. Các DN chủ quản này cũng có thể nắm quyền quản lý nguồn lực đầu vào (đặc biệt là dữ liệu) cho các giao dịch hay phát triển sản phẩm trên nền tảng mà chính DN chủ quản nền tảng cũng tham gia với tư cách là tác nhân cạnh tranh. Từ đây, môi trường nền tảng số trung gian mang đến cho các DN chủ quản khả năng lợi dụng quyền lực thị trường ở mức độ cao hơn.
Thứ hai, mô hình kinh doanh “đa diện” đặc thù của các DN chủ quản nền tảng số trung gian: Trên nền tảng số trung gian luôn sẽ có sự tham gia của ít nhất ba bên: bên chủ quản nền tảng số trung gian, (các) bên mua/khách hàng và (các) bên bán/bên cung ứng. Các bên này tuy “cần có nhau” theo một cách nào đó nhưng không thể nắm bắt được giá trị của nhau và vì vậy cần sự xúc tác của các nền tảng số trung gian để họ thực hiện các giao dịch tương ứng. Giữa các nhóm người dùng này luôn có sự tương tác và phụ thuộc lẫn nhau, thể hiện qua hiệu ứng mạng đặc biệt là hiệu ứng mạng gián tiếp. Điều này có nghĩa là giá trị mà một nhóm khách hàng nhận thấy từ chủ quản nền tảng số trung gian tăng lên cùng với sự gia tăng số lượng của nhóm khách hàng còn lại. Một trang web tìm kiếm sẽ giá trị hơn trong mắt các nhà quảng cáo nếu nó có khả năng thu hút được một số lượng lớn người truy cập và ngược lại. Vì vậy, các nền tảng số trung gian còn được gọi là các nền tảng số đa diện (multi-sided platform). Thị trường được vận hành trên các nền tảng đa diện thường sẽ bao gồm một phân khúc người dùng (tức một bên của nền tảng) được “trợ cấp” và phân khúc tạo ra lợi nhuận sẽ ở bên kia của nền tảng.
Thứ ba, nền tảng số trung gian tạo ra mô thức cạnh tranh khác biệt với các thị trường truyền thống: Một cách cơ bản, DN chủ quản nền tảng số trung gian sẽ cung cấp dịch vụ miễn phí cho phía phân khúc người dùng được trợ cấp và tạo ra thị trường không giá cả (zero-price market) hoặc với mức giá rất thấp. Các sản phẩm miễn phí này sẽ đảm nhận vai trò thu hút người dùng, đặc biệt là người dùng cuối (end-users). Khi sự thu hút đủ lớn, hiệu ứng mạng sẽ được kích hoạt và lợi nhuận của DN chủ quản sẽ được bên “tài trợ” bù đắp. Dựa vào hiệu ứng mạng, mạng lưới của người dùng được “trợ cấp” càng lớn thì sẽ càng tăng tính hấp dẫn của nền tảng số trung gian đối với chiều còn lại của thị trường, từ đó làm tăng quy mô của bên tạo ra lợi nhuận hoặc có lợi nhuận[28].
Như vậy, việc cung cấp cho người dùng cuối các sản phẩm miễn phí hoặc giá thấp là yêu cầu quan trọng để kích hoạt hiệu ứng mạng trên các nền tảng số trung gian. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc người dùng được tham gia nền tảng mà không phải trả bất cứ khoản “chi phí” nào. Về mặt bản chất, dữ liệu của người dùng cuối chính là một dạng thức “tiền tệ” mới mà người dùng cuối phải chi trả cho các nền tảng số trung gian, từ đó tạo ra các giá trị để các nền tảng này trao đổi với các phía còn lại của thị trường đa diện và thu về lợi nhuận.
Thứ tư, nền tảng số trung gian hàm chứa khả năng đổi mới mang tính đột phá. Mặc dù không phải tất cả các nền tảng số đều có tính đổi mới đột phá, nhưng tất cả các nền tảng số thống trị hiện nay nhất đều phản ánh rất rõ đặc điểm này. Đổi mới mang tính đột phá không phải là những phát triển công nghệ gia tăng, cũng không phải là những cải tiến thường xuyên, có thể dự đoán được. Vượt lên sự phát triển tuyến tính thông thường, nền tảng số trung gian có thể thay đổi mạnh mẽ thị trường hoặc tạo ra thị trường mới, rất khó lường trước hay dự đoán và không mang tính thường xuyên.
4.2. Tính bất hoạt của công cụ đánh giá mức thị phần trong môi trường nền tảng số trung gian
Thứ nhất, bức tranh về VTTLTT do thị phần cung cấp thường mang tính “tĩnh” khá cao, tức không thực sự phản ánh được đầy đủ và chính xác sức mạnh của DN trên nền tảng số trung gian. Điều này xuất phát từ lý do kinh tế khi thị phần chỉ có thể cung cấp dấu hiệu sơ bộ về những hạn chế đối với khả năng thay thế mà không cung cấp bất kỳ thông tin nào về tiềm năng thay thế từ phía cung hoặc khả năng gia nhập của đối thủ cạnh tranh mới. Điều này không thể hiện được sự năng động trong cạnh tranh trên thị trường nền tảng số trung gian được đặc trưng bởi sự đổi mới đột phá và chu kỳ vận hành ngắn. Tính đổi mới đột phá thường làm suy giảm thị phần của các DN thống lĩnh đương nhiệm rất nhanh và dẫn đến tình trạng lật đổ thị trường, trong đó sự sụp đổ của Yahoo.com là một ví dụ điển hình.
Thứ hai, với sự tồn tại của thị trường song - đa diện, việc chọn lựa một bên của thị trường để đo lường thị phần sẽ đưa ra một bức tranh khiếm khuyết khi mức tiêu thụ của một bên được bên kia “trợ cấp chéo”. Ở hướng ngược lại, việc tính toán thị phần trên toàn nền tảng cũng có thể che khuất các chi tiết quan trọng ở từng phía thị trường. Ví dụ, thị phần khi được tính trên toàn trên toàn nền tảng sẽ khiến cơ quan thực thi sẽ không nắm bắt được động lực cạnh tranh của thị trường nếu một số DN không hoạt động tích cực trên tất cả các mặt của thị trường đó. Điều này thường xảy ra khi các DN hoạt động ở các mức độ trưởng thành khác nhau hoặc có các mô hình kinh doanh khác nhau (ví dụ: DN mở bán các gói đăng ký cao cấp ngoài gói miễn phí hoặc các DN ở giai đoạn đầu tạo dựng vị thế đối với người dùng mà chưa có được doanh thu).[29]
Thứ ba, số liệu về thị phần cao cũng sẽ không chắc chắn thể hiện được bất kỳ sự khác biệt quan trọng nào về đặc điểm người dùng ở trong một chiều của nền tảng có vai trò thúc đẩy cạnh tranh, bao gồm tính không đồng nhất trong mô hình sử dụng, mức độ hoạt động và tính đa kết nối (multi-homing). Đa kết nối đề cập đến tình huống mà người dùng có xu hướng sử dụng song song nhiều dịch vụ nền tảng số cạnh tranh với nhau, ví dụ một người dùng có thể cùng có tài khoản trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau.[30] Trong trạng thái thị trường như vậy, thị phần của các nền tảng số trung gian cạnh tranh đều có thể đạt mức cao nhưng sẽ không thực sự phản ánh được sức mạnh kinh tế của từng nền tảng.
Thứ tư, việc tập trung hạn hẹp vào thị phần trong một thị trường nhất định cũng có thể tạo ra những kết luận đặc biệt sai lầm khi các nền tảng số trung gian được kết nối với nhau để tạo nên một hệ sinh thái. Mối liên kết giữa các sản phẩm này có thể ảnh hưởng đến mức độ quyền lực thị trường mà một DN nắm giữ, đặc biệt nếu có giữa chúng tạo ra được những hạn chế về khả năng tương tác của các sản phẩm từ các hệ sinh thái khác nhau.[31] Mặc dù ở mức độ khắt khe hơn, vấn đề này có thể được giải quyết thông qua việc xác định thị trường liên quan hẹp hơn, tập trung vào các sản phẩm trong hệ sinh thái (các sản phẩm của hệ sinh thái kỹ thuật số có thể gây ra hạn chế cạnh tranh hạn chế với nhau nếu việc chuyển đổi chúng kéo theo sự chuyển đổi hệ điều hành và thiết bị cốt lõi), các liên kết sản phẩm tinh tế hơn vẫn có thể có liên quan mật thiết với nhau và làm sai lệch bức tranh về thị phần, ví dụ cài đặt mặc định hoặc giảm giá theo gói là một trường hợp điển hình.
4.3. Nền tảng số trung gian và thách thức đối với vấn đề đánh giá sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp chủ quản
Những đặc trưng kỹ thuật phức tạp của nền tảng số trung gian không chỉ gây ra những khó khăn trong việc sử dụng tiêu chí thị phần mà còn làm nảy sinh những hình thái biểu hiện mới của SMTT chưa từng xuất hiện trên thị trường truyền thống. Tiêu biểu như:
- Quyền truy cập vào dữ liệu: Xuất phát từ vai trò quan trọng của dữ liệu đối với mô hình hoạt động của các nền tảng số, nhiều công trình nghiên cứu uy tín đã khẳng định rằng trong nhiều trường hợp, quyền truy cập dữ liệu quan trọng đến mức trở thành nguồn đầu vào thiết yếu để có thể sản sinh cạnh tranh và do đó, việc thiếu quyền truy cập vào dữ liệu có thể tạo thành rào cản gia nhập thị trường.[32] Thậm chí, rào cản này có thể sẽ rất cao và tạo ra thất bại của thị trường như Uỷ ban châu Âu đã khẳng định trong Phần mở đầu của Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (Digital Markets Act hay DMA).[33]Ví dụ các nền tảng thống trị trong hệ sinh thái nền tảng có thể lấy dữ liệu từ các thị trường lân cận từ đó tiếp tục sử dụng thuật toán trung tâm và trí tuệ nhân tạo để phân tích.[34] Những dữ liệu được xử lý này, đến lượt mình, sẽ bổ sung thêm giá trị cho DN chủ quản nền tảng thông qua việc nền tảng tự cải thiện dịch vụ của chính mình.[35]
- Mô hình vận hành trung gian - đa diện: Trong nhiều thị trường số, nền tảng số trung gian với mô hình đa diện thường được đánh giá là tác nhân chính trong rất nhiều các lo ngại về cạnh tranh. Với vị trí hoạt động như người trung gian giữa các nhóm người dùng khác nhau (ví dụ như như công cụ tìm kiếm, nền tảng thương mại điện tử hoặc trang web so sánh giá), hoặc nắm giữ lợi thế nắm giữ nguồn dữ liệu đầu vào của toàn bộ hệ thống, các DN chủ quản nền tảng số trung gian có khả năng rất đáng kể tạo ra các lợi thế cạnh tranh cho mình và gây ra những rào cản gia nhập thị trường.
Những dạng thức biểu hiện mới của SMTT đặc trưng của DN chủ quản nền tảng số trung gian, đến lượt mình, đã góp phần khắc hoạ rõ nét những thách thức đối với pháp luật Việt Nam về kiểm soát hành vi lạm dụng VTTLTT, cụ thể gồm:
Thứ nhất, thách thức từ sự thiếu vắng khái niệm pháp lý về SMTT và SMTT đáng kể: SMTT hay chính xác hơn là SMTT đáng kể, từ lâu, đã được thừa nhận rộng rãi là một trong những khái niệm cốt lõi của pháp luật cạnh tranh. Khái niệm này trước hết phản ánh hệ giá trị mà pháp luật cạnh tranh quốc gia hướng đến bảo vệ và sau đó có khả năng định hướng và dẫn dắt cho các phân tích về cạnh tranh để can thiệp, kiểm soát chính xác các hành vi lạm dụng VTTLTT đi ngược lại với mục đích chung. Trong bối cảnh đó, với các đặc trưng kỹ thuật phức tạp của nền tảng số trung gian, hành vi lạm dụng của DN chủ quan có thể gây ra những dạng thức hậu quả mới (quyền riêng tư, sự đổi mới - sáng tạo ...). Việc thiếu vắng định nghĩa pháp lý về SMTT VÀ SMTT đáng kể sẽ gây ra khó khăn cho UBCTQG trong việc xác định những giá trị kinh tế cần bảo vệ và “ngưỡng cần can thiệp” để ngăn cản các tác động tiêu cực của hành vi lạm dụng VTTLTT nói chung và của các DN chủ quản nền tảng số trung gian nói riêng.
Thứ hai, thách thức từ thiếu hụt các công cụ đánh giá tương ứng đối với những dạng biểu hiện mới của SMTT mà DN chủ quản nắm giữ: sự Từ góc độ vị trí và mô hình vận hành đặc thù được đề cập trên đây, có thể thấy rằng các công cụ đánh giá SMTT đối với các thị trường đơn lẻ một chiều truyền thống sẽ không còn phù hợp với các thị trường đa diện của nền tảng số trung gian. Việc đánh giá SMTT ở các thị trường số này khác với đánh giá về thị trường một chiều do cần phải tính đến các tác ngoại xuyên nền tảng, tức những yếu tố tác động lên toàn bộ các chiều diện của nền tảng số. Đặc biệt, SMTT trong các thị trường đa diện của nền tảng số trung gian còn được thể hiện ở tập hợp giá tổng thể và các thông số cạnh tranh khác trên nền tảng. Do đó, mỗi bên của nền tảng không thể và không nên được đánh giá một cách tách biệt bởi vốn dĩ các bên/chiều của nền tảng số trung gian luôn có mối liên hệ biện chứng và tác động liên tục với nhau. Với hàm ý này, việc đánh giá SMTT của các nền tảng số trung gian cần được tiến hành dựa trên sự phối hợp của cả tiêu chí định tính và định lượng mới bên cạnh các công cụ truyền thống.
5. Một số gợi mở hướng đến hoàn thiện pháp luật cạnh tranh Việt Nam về xác định vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp chủ quản nền tảng số trung gian
5.1. Đối với quy định về xác định mức thị phần của doanh nghiệp chủ quản nền tảng số trung gian
Thứ nhất, bổ sung các tiêu chí xác định thị phần tương thích với môi trường nền tảng số trung gian: Về cơ bản ở một mức độ nhất định, việc sử dụng mức thị phần đề xác định VTTLTT của DN có thể vẫn là cách tiếp cận phù hợp trong môi trường nền tảng số trung gian. Tuy nhiên, thay vì sử dụng doanh thu, doanh số, số lượng đơn vị hàng hoá, dịch vụ bán ra/mua vào được quy định tại Điều 10 Luật Cạnh tranh năm 2018, các chỉ số phi tiền tệ khác nên được bổ sung hoặc thay thế để đảm bảo tương thích với đặc tính phi giá cả của các dịch vụ vận hành trên nền tảng số trung gian. Đồng thời, các chỉ số này cũng cần phản ánh được mức độ thu hút sự chú ý, khả năng thu thập thông tin/dữ liệu của khách hàng hoặc người tiêu dùng; mức độ tương tác và giá trị được tạo ra từ sự tương tác đó.
Từ kinh nghiệm của các quốc gia tiên phong, các chỉ số đáng tin cậy nên được cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh Việt Nam sử dụng để xác định mức thị phần của DN hoạt động trên thị trường của nền tảng số trung gian có thể là: số lượng người dùng đã đăng ký hoặc đang hoạt động (number of registered or active users), số lượt truy cập (number of website visits) hoặc lượt phát (number of streams)/xem trực tuyến (number of audience numbers), thời gian sử dụng (number of time spent), số lượt tải xuống và cập nhật (number of downloads and updates), số lượng tương tác (number of interactions) hoặc khối lượng hoặc giá trị giao dịch trên một nền tảng (number of interactions, or the volume or value of transactions)[36] … Trên cơ sở này, việc sử dụng đơn lẻ hoặc phối hợp các chỉ số này trong từng vụ việc cụ thể cần được UBCTQG cân nhắc và lựa chọn cẩn trọng trên cơ sở nhận diện đặc điểm của các nền tảng trung gian và từng loại dịch vụ (ứng dụng) hoạt động trên nền tảng số trung gian đó.
Thứ hai, giảm bớt vai trò của thị phần trong các đánh giá về VTTLTT của DN trong môi trường nền tảng số trung gian: Nhiều các kết quả đến từ các công trình nghiên cứu uy tín và từ thực tiễn thực thi của một số quốc gia tiên phong, không khó để nhận thấy rằng môi trường nền tảng số trung gian có khả năng nhấn mạnh rõ nét hơn tính hạn chế của thị phần đối với việc “phác thảo” VTTLTT của DN trên thị trường.[37] Vì vậy, UBCTQG cần giảm bớt sự phụ thuộc vào tiêu chí thị phần trong các đánh giá về VTTLTT của DN trong môi trường số trung gian. Hay nói cách khác, việc xác định VTTLTT cần được tiến hành dựa trên sự ưu tiên các tiêu chí đánh giá SMTT, thị phần chỉ nên được sử dụng với tư cách là một trong các yếu tố mang tính chất bổ trợ cho các tiêu chí này.
5.2. Đối với quy định về đánh giá sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp chủ quản nền tảng số trung gian
Thứ nhất, bổ sung định nghĩa pháp lý về SMTT đáng kể: Việc thiết lập khái niệm pháp lý về SMTT đáng kể cần làm rõ được hai yếu tố quan trọng gồm: (i) hệ giá trị mà pháp luật cạnh tranh cần bảo vệ và (ii) ngưỡng tương đối mà tại đó pháp luật cạnh tranh cần can thiệp và điều chỉnh hành vi lạm dụng của DN nói chung và DN chủ quản nền tảng số trung gian gây ra nói riêng. Từ đây, khái niệm này có thể được thiết lập như sau: “sức mạnh thị trường đáng kể là sức mạnh kinh tế mang lại cho doanh nghiệp nắm giữ khả năng tăng giá bán trên mức cạnh tranh hoặc giảm chất lượng, hạn chế đổi mới sáng tạo dài hạn, nguồn lợi về dữ liệu dưới mức cạnh tranh trong một khoảng thời gian bền vững nhưng vẫn thu về được lợi nhuận”.
Thứ hai, ghi nhận và bổ sung các hình thái biểu hiện mới của SMTT: Những hình thái biểu hiện mới của SMTT đặc trưng bởi DN chủ quản nền tảng số trung gian cần được ghi nhận gồm:
- Sức mạnh “người trung gian” (intermediation power): loại SMTT này thể hiện qua vai trò của nền tảng trong việc tập hợp các nhóm người tiêu dùng khác nhau lại với nhau. Từ vị trí này, sức mạnh người trung gian có khả năng ảnh hưởng đến các điều khoản giao dịch cũng như mối quan hệ tổng thể giữa các bên khác nhau của nền tảng.
- Sức mạnh “người gác cổng” (gatekeeper power): loại sức mạnh này nên được hiểu khả năng của một số DN nền tảng trong việc kiểm soát quyền truy cập của một nhóm người dùng vào một số hàng hóa hoặc một nhóm người tiêu dùng khác. Các DN này đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng để người dùng doanh nghiệp tiếp cận người dùng cuối với sự ổn định và lâu dài.
- Sức mạnh “nút cổ chai” (bottleneck power): loại sức mạnh này xuất hiện được tại các thị trường nền tảng có đặc điểm quan trọng là thiếu sự xuất hiện của tình trạng đa nền tảng (multi-homing). Tức là, NTD đổ dồn việc tham gia vào một nền tảng (tình trạng single-homing). Lúc này, tình trạng tắc nghẽn sự chú ý của NTD đối DN nền tảng có thể kiểm soát khả năng tiếp cận NTD, hạn chế khả năng cạnh tranh của các đối thủ cạnh tranh.
Thứ ba, thiết lập công cụ đánh giá và đo lường các hình thái biểu hiện mới của SMTT. Bên cạnh việc ghi nhận và bổ sung các hình thái biểu hiện mới của SMTT trên nền tảng số trung gian, việc hoàn thiện bộ công cụ và các hướng dẫn đo lường, đánh giá các hình thái này cũng cần được tiến hành. Việc hoàn thiện pháp luật này cần được triển khai ở hai khía cạnh cơ bản sau:
- Nhận diện chính xác các tiêu chí cần được sử dụng để đánh giá và đo lường các hình thái biểu hiện mới của SMTT trên nền tảng số trung gian: Nhiều nghiên cứu uy tín khẳng định rằng “hiệu ứng mạng”, “quyền truy cập dữ liệu”, “chi phí chuyển đổi giữa các nền tảng” là những yếu tố tác động mạnh mẽ đến khả năng cạnh tranh của DN chủ quản nền tảng số trung gian. [38] Các yếu tố này cần được UBCTQG nhận diện và phân tích với tư cách là rào cản gia nhập - mở rộng thị trường. Điều này có nghĩa rằng, các yếu tố mới trên có khả năng mang đến lợi thế cạnh tranh đặc biệt cho DN chủ quản. Lợi thế này cần được khẳng định là không xuất phát từ hiệu quả kinh doanh vượt trội của DN chủ quản so với đối thủ cạnh tranh hiện hữu hoặc tiềm năng mà từ khả năng tiếp cận đặc quyền đối với các đầu vào chính của nền tảng.
- Cung cấp các hướng dẫn phù hợp cho UBCTQG trong hoạt động đánh giá và đo lường SMTT của DN chủ quản nền tảng số trung gian: Tương ứng với các tiêu chí mới, UBCTQG cần được cung cấp hướng dẫn về kỹ thuật đo lường và đánh giá để đưa ra kết luận phù hợp. Trong đó, phương pháp kiểm tra dạng liệt kê (checklist) cần được loại bỏ. Trong từng vụ việc lạm dụng cụ thể, mỗi tiêu chí cần được phân tích trong tổng hoà tác động với các tiêu chí khác nhưng cũng cần chỉ ra được mỗi tiêu chí chiếm “tỉ trọng” bao nhiêu trong việc hình thành nên SMTT đáng kể của DN chủ quản. Việc đo lường các tiêu chí cũng cần được thực hiện theo một trật tự phù hợp với điều kiện, tính chất thị trường cũng như đặc trưng kỹ thuật loại hình nền tảng số trung gian.
6. Kết luận
Nền kinh tế của các nước trên thế giới đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ về mặt cấu trúc thị trường với sự xuất hiện của mô hình nền tảng số trung gian. Những tác nhân mới này cùng sự cộng hưởng của các động lực kinh tế mới đã tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi thúc đẩy việc đạt được SMTT đáng kể hoặc thị phần cao, từ đó giúp DN sớm đạt được VTTLTT. Tình trạng này, đến lượt mình, gây ra những mối nguy hại đáng kể đối với môi trường cạnh tranh. Việc điều chỉnh các hành vi phản cạnh tranh của những DN này, tuy nhiên, lại gặp phải nhiều thách thức gây ra bởi tình trạng bất hoạt của các công cụ kinh tế học pháp luật truyền thống về xác định VTTLTT. Với định hướng và quyết tâm thực hiện chuyển đổi số quốc gia được khẳng định mạnh mẽ trong các văn kiện quan trọng của Đảng, pháp luật cạnh tranh Việt Nam cần thể hiện vai trò tiên phong của mình trong bảo vệ môi trường cạnh tranh trên thị trường số quốc gia. Để làm được điều này, pháp luật cạnh tranh Việt Nam cần sớm có được những sự chuẩn bị và từng bước hoàn thiện trong việc cập nhật các tiêu chí xác định mức thị phần, các dạng thức biểu hiện mới của SMTT cũng như điều chỉnh, bổ sung các công cụ đánh giá về đo lường SMTT của DN trên nền tảng số trung gian.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Batura O., Gorp N. & Larouche P., “Online Platforms and the EU Digital Single Market - A response to the call for evidence by the House of Lord’s internal market sub-committee”, E-Conomics (2015)
2. Bernheim D. & Heeb R., “A Framework for the Economic Analysis of Exclusionary Conduct”, in ROGER D BLAIR AND D DANIEL SOKOL (EDS), 2 THE OXFORD HANDBOOK OF INTERNATIONAL ANTITRUST ECONOMICS, OXFORD UNIVERSITY PRESS (2014)
3. Carugati C., “Building an efficient regulation in the digital economy”, Paris Center for Law and Economics (CRED) Working Paper No. 2020-10 (2020)
4. Ciriani S. & Lebourges M., “The Market Dominance of US Digital Platforms: Antitrust Implications for the European Union” (2017) https://ssrn.com/abstract=2977933 hoặc http://dx.doi.org/10.2139/ssrn.2977933
5. CARLTON D. W. & PERLOFF J.M., “MODERN INDUSTRIAL ORGANIZATION”, 3RD EDITION, ADDISON-WESLEY LONGMAN, INC., UNITED STATES (2000)
6. Clark J. M., “Towards a Concept of Workable Competition”, American Economic Review, Vol. 30 (2) (1940)
7. Cowling K. and Mueller D. C., “The Social Costs of Monopoly Power”, The Economic Journal, Vol 88(352) (1978)
8. Ciriani S. & Lebourges M., “The Market Dominance of US Digital Platforms: Antitrust Implications for the European Union”, (2017) https://ssrn.com/abstract=2977933.
9. Evans D. & Schmalenese R., “The Antitrust Analysis of Multi-sided Platform Businesses”, National Bureau of Economic Research (2012)
10.Filistrucchi L., “Market definition in multi-sided markets”, Rethinking Antitrust Tools for Multi-Sided Platforms, OECD (2018)
11. Fox E M., Monopolization and Abuse of Dominance: Why Europe is Different, The Antitrust Bulletin, Vo. 59(1) (2014)
12. Gorp N., Batura O., “Challenges for Competition Policy in a Digitalised Economy”, European Parliament's Committee on Economic and Monetary Affairs (2015)
13. Hay G. A., “Market Power in Antitrust”, Antitrust Law Journal, Vol 60(3) (1992)
14. IMF, OECD, UN & WTO, HANDBOOK ON MEASURING DIGITAL TRADE, 2ND EDITION, WTO PRINT (2023)
15. Kira B., Sinha V., Srinivasan S., “Regulating digital ecosystems: bridging the gap between competition policy and data protection”, Industrial and Corporate Change, Volume 30, Issue 5 (2021)
16. León I. D., “An Institutional Assessment of Antitrust Policy: The Latin American Experience”, Kluwer Law International B.V (2009)
17. Nichol A., “Partial monopoly and price leadership”, PhD Thesis, Columbia University (1930)
18. OECD, “Ex ante regulation of digital markets”, OECD Competition Committee Discussion Paper (2021)
19. Price R. G., “Market Power and Monopoly Power in Antitrust Analysis”, Cornell Law Review, Vol. 75 (1) (1989)
20. Thiemann A. and Neto A., “Barriers to entry in the digital market: An overview of EU and national case law”, Art. N° 100184 (2021)
* ThS Đỗ Huyền Nga giảng viên Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật, Đại học Huế. Duyệt đăng 29/03/2025. Email: dthnga@hueuni.edu.vn hoặc ngadth@hul.edu.vn
[1] Brodley, J. F., “The economic goals of antitrust: efficiency, consumer welfare, and technological progress”, New York University Law Review, 62(5), pp: 1020-1053 (1987)
[2] Archibald Nichol, “Partial monopoly and price leadership”, Luận án Tiến sĩ, Đại học Columbia (Hoa Kỳ) (1930)
[3] Richard E. Caves, “Industrial Organization, Corporate Strategy and Structure”, Journal of Economic Literature, số 01 Tập 18 (1980)
[4] Ignacio De León, “An Institutional Assessment of Antitrust Policy: The Latin American Experience”, Kluwer Law International B.V., p. 140 (2009)
[5] Xem thêm tại: https://unctad.org/system/files/official-document/tdrbpconf5d7rev3_en.pdf (truy cập ngày 05/2/2025).
[6] Án lệ United States v. E.I. duPont de Nemours & Co., 351 U.S. 377, 391-92 (1956).
[7] Điều 2 Luật Cạnh tranh năm 2018.
[8] R. Posner, “Antitrust Law”, 2nd Ed, University of Chicago Press, p.265 (2001)
[9] Hay, G. A., “Market power in antitrust”, Antitrust Law Journal, Vol. 60(3), pp: 807–827 (1991)
[10] Vickers, J., “Abuse of Market Power”, The Economic Journal, Vol. 115(504), F244–F261 (2005)
[11] Luật pháp Hoa Kỳ sử dụng khái niệm “lạm dụng độc quyền” (monopolization) để xác định giới hạn hành vi được phép đối với các DN thống lĩnh. Một số nhà nghiên cứu cho rằng đây là hai thuật ngữ có hàm nghĩa tương đương nhau và do đó có thể sử dụng thay thế cho nhau. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Eleanor M. Fox lại cho rằng hai thuật ngữ này đại diện cho hai cách tiếp cận đối với vấn đề sức mạnh kinh tế của DN.
Xem thêm tại Fox E M., Monopolization and Abuse of Dominance: Why Europe is Different, The Antitrust Bulletin, Vol. 59(1), pp: 129-152(2014).
[12] Khoản 5 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2018.
[13] Khoản 3 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2018.
[14] Điều 24 Luật Cạnh tranh năm 2018.
[15] OECD, “The Evolving Concept of Market Power in the Digital Economy”, OECD Competition Policy Roundtable Background Note, p. 8 (2022)
[16] OECD, “Abuse of dominance in digital markets” (Background note by the Secretariat), Global Forum on Competition, p.12 (2020)
[17] Điều này thể hiện qua các quyết định xử lý vụ việc giữa Công ty Bia VBL và Tân Hiệp Phát và vụ việc của công ty Ánh Dương của cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh Việt Nam (giai đoạn Luật Cạnh tranh năm 2004 có hiệu lực).
[18] Ví dụ, tại EU, Toà án trong án lệ C62/86 AKZO Chemie BV v Commission [1991] ECR I-3359 cho rằng mức thị phần đủ chắc chắn để khẳng định vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp là 50% trở lên trên thị trường liên quan Về sau, Uỷ ban châu Âu quy định rằng: “Thị phần cung cấp dấu hiệu hữu ích đầu tiên cho Ủy ban về cấu trúc thị trường và tầm quan trọng tương đối của các hoạt động khác nhau trên thị trường. Tuy nhiên, Ủy ban sẽ giải thích thị phần theo các điều kiện thị trường liên quan và đặc biệt là động lực của thị trường cũng như mức độ khác biệt của sản phẩm. Xu hướng hoặc sự phát triển của thị phần theo thời gian cũng có thể được tính đến trong các thị trường biến động hoặc thị trường đấu thầu” (Communication from the Commission - Guidance on the Commission's enforcement priorities in applying Article 82 of the EC Treaty to abusive exclusionary conduct by dominant undertakings (2009/C 45/02), https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/ALL/?uri=CELEX%3A52009XC0224%2801%29, truy cập ngày 31/12/2024).
[19]Án lệ C62/86 AKZO Chemie BV v Commission [1991] ECR I-3359. Về sau, Uỷ ban châu Âu quy định rằng: “Thị phần cung cấp dấu hiệu hữu ích đầu tiên cho Ủy ban về cấu trúc thị trường và tầm quan trọng tương đối của các hoạt động khác nhau trên thị trường. Tuy nhiên, Ủy ban sẽ giải thích thị phần theo các điều kiện thị trường liên quan và đặc biệt là động lực của thị trường cũng như mức độ khác biệt của sản phẩm. Xu hướng hoặc sự phát triển của thị phần theo thời gian cũng có thể được tính đến trong các thị trường biến động hoặc thị trường đấu thầu” (Hướng dẫn thực thi Điều 82 EC, xem thêm chú thích số 77).
[20]Đoạn14 Hướng dẫn thực thi Điều 82 EC (xem thêm chú thích số 77).
[21] Khoản 2 Điều 24 Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định các mức tổng thị phần tương ứng để nhóm DN đạt được VTTLTT cụ thể gồm: (a) Hai DN có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan; (b) Ba DN có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan; (c) Bốn DN có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan; (d) Năm DN trở lên có tổng thị phần từ 85% trở lên trên thị trường liên quan. Tuy nhiên, nhóm DN có vị trí thống lĩnh thị trường quy định tại khoản 2 Điều này không bao gồm DN có thị phần ít hơn 10% trên thị trường liên quan.
[22] Các yêu tố này bao gồm: Tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan; Sức mạnh tài chính, quy mô của doanh nghiệp; Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường đối với doanh nghiệp khá; Khả năng nắm giữ, tiếp cận, kiểm soát thị trường phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ; Lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật; Quyền sở hữu, nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ tầng; Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ; Khả năng chuyển sang nguồn cung hoặc cầu đối với các hàng hóa, dịch vụ liên quan khác; Các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh.
[23] Landes & Posner, “Market Power in Antitrust Cases”, Harvard Law Review, Vol. 94, p.939 (1981)
[24] IMF, OECD, UN & WTO (2023), Handbook on Measuring Digital Trade, 2nd edition, WTO Print, p. 92.
[25] Tức phù hợp với định nghĩa về “Cung ứng dịch vụ” được quy định tại khoản 9, Điều 3 Luật Thương mại 2005.
[26] Quy định này của Luật Giao dịch điện tử năm 2023 cho phép phân biệt nền tảng số trung gian với các loại hình nền tảng số còn lại mà trong đó các chủ quản sẽ tự sản xuất dịch vụ của mình để cung ứng nhưng hoạt động hoàn toàn trên nền tảng số. Các nền tảng phát trực tuyến, dịch vụ truyền hình cáp hay kênh đăng ký radio là những ví dụ điển hình của nhóm này. Các DN chủ quan lúc này được xem là có quyền sở hữu kinh tế đối với các sản phẩm sở hữu trí tuệ mà họ phân phối trước khi nội dung được phát trực tuyến. Các ngân hàng thương mại hoặc các doanh nghiệp vận tải taxi hiện nay cũng đang phát triển và vận hành các nền tảng số riêng để khách hàng của mình thực hiện các giao dịch tương ứng. Các giao dịch thực hiện thông qua các nhà sản xuất/nhà cung ứng chỉ hoạt động trên nền tảng số có thể được “đặt hàng” và phân phối kỹ thuật số, nhưng sẽ không liên quan đến việc cung cấp dịch vụ trung gian kỹ thuật số.
[27] Điểm a, b khoản 1 Điều 39 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.
[28] Ciriani S. & Lebourges M., “The Market Dominance of US Digital Platforms: Antitrust Implications for the European Union”, https://ssrn.com/abstract=2977933 hoặc http://dx.doi.org/10.2139/ssrn.2977933 (2017)
[29] Franck, J. and M. Peitz, Market Definition and Market Power in the Platform Economy (2019) https://cerre.eu/wp- content/uploads/2020/05/report_cerre_market_definition_market_power_platform_economy.pdf.
[30] Barcevičius, E., Caturianas, D., Leming, A., & Skardžiūtė, G., “Multi-homing : obstacles, opportunities, facilitating factors”, European Commission (Publications Office), p.8 (2021)
[31] Petit, N. and D. Teece, Taking Ecosystems Competition Seriously in the Digital Economy: Note prepared for OECD Competition Committee Hearing on the Competition Economics of Ecosystems (2020) https://one.oecd.org/document/DAF/COMP/WD(2020)90/en/pdf.
[32] OECD, “Ex ante regulation of digital markets”, OECD Competition Committee Discussion Paper, p. 40 (2021)
[33] Xem thêm Recital 3 của DMA.
[34] Thiemann A. and Neto A., “Barriers to entry in the digital market: An overview of EU and national case law”, e-Competitions Barriers to entry in the digital market, Art. N° 100184 (2021) https://www.concurrences.com/en/bulletin/special-issues/barriers-to-entry-in-the-digital-market/barriers-to-entry-in-competition-analysis
[35] Carugati C., “Building an efficient regulation in the digital economy”, Paris Center for Law and Economics (CRED) Working Paper No. 2020-10, pp: 7-9 (2020)
[36] Yi Cheng And Fei Deng, “Enhancing Antitrust Analysis of Digital Platforms: What Can We Learn from Recent Economic Research?”, Antitrust (American Bar Association), Vol. 37, No. 3, p. 20 (2023)
[37] OECD, “Rethinking Antitrust Tools for Multi-Sided Platforms” (2018) https://www.oecd.org/daf/competition/Rethinking-antitrust-tools-for-multi-sided-platforms-2018.pdf
[38] Bamberger, K. A., & Lobel, O., “Platform Market Power”, Berkeley Technology Law Journal, Vol. 32(3), pp: 1051–1092 (2017).